Đánh cược vào Trung Quốc, canh bạc 'được mất' của người nông dân
Không thể chối cãi rằng thị trường tỷ dân của Trung Quốc luôn là một thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn đối với các nước xuất khẩu thực phẩm. Tuy nhiên, đằng sau cơ hội vàng đấy là thách thức làm sao để không bị quá phụ thuộc vào thị trường này.
Nhu cầu của Trung Quốc với nông sản, hải sản cùng nhiều loại thực phẩm nước ngoài đã tăng mạnh trong những thập kỷ gần đây, tỷ lệ thuận với sự giàu có của người tiêu dùng.
Theo Tổ chức Thương mại Thế giới, lượng thực phẩm nhập khẩu của Trung Quốc đã tăng lên hơn 200 tỷ USD mỗi năm, từ mức 15 tỷ USD mỗi năm trong hai thập kỷ trước. Con số này của Trung Quốc cũng nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới. Những người trồng bơ ở Kenya, người trồng đậu nành ở Nga, người trồng chuối ở Campuchia và cả người trồng sầu riêng ở Việt Nam đều đang kiếm lợi nhuận không nhỏ từ thị trường Trung Quốc.
Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã bị chậm lại trong thời gian gần đây và dân số giảm dần thì nhu cầu về thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt bò và trái cây nhiệt đới của người dân Trung Quốc vẫn cao ở mức đáng kinh ngạc.
Vào năm ngoái, người Trung Quốc đã tiêu thụ hơn 800.000 tấn sầu riêng nhập khẩu và gần 6 triệu tấn thịt nhập khẩu, dẫn đầu thế giới. Bên cạnh đó, người Trung Quốc cũng đã mua 90 triệu tấn đậu nành từ nước ngoài, chiếm khoảng 60% lượng tiêu thụ toàn cầu.
Việc cung cấp thực phẩm cho tầng lớp trung lưu đông đảo của Trung Quốc đã mang đến cơ hội nâng cao thu nhập của người dân ở các vùng nông thôn nghèo và các quốc gia nông nghiệp. Thế nhưng, thực trạng này cũng đặt ra một thách thức mới, đó là làm sao thể thâm nhập vào thị trường khổng lồ này mà không bị quá phụ thuộc vào nó.
Trong những năm gần đây, không ít quốc gia đã nhiều lần điêu đứng trước lệnh hạn chế nhập khẩu của Trung Quốc. Nước này đã từng hạn chế nhập khẩu cá hồi Na Uy, dứa Đài Loan, chuối Philippines và tôm hùm Úc.
Giám đốc Yun Sun tại Trung tâm Stimson, một tổ chức tư vấn ở Washington, nhận định: “Với quy mô của nền kinh tế như hiện nay, Trung Quốc luôn có thể sử dụng thương mại để trừng phạt các quốc gia khác, và đó là một rủi ro vô cùng lớn đối với những nước xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc”.
Sầu riêng từ cây trồng xóa đói giảm nghèo thành cây trồng triệu USD.
Một rủi ro lớn hơn nữa là khi cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc lớn hơn, người dân ở nhiều nơi sẽ có xu hướng dồn sức sản xuất mặt hàng đó. Theo bà Yun Sun, điều này có thể dẫn đến cái gọi là “sự đơn nhất hóa”, hay dễ hiểu hơn là nền kinh tế địa phương sẽ dồn sự tập trung vào một sản phẩm, khiến nó dễ bị tổn thương nếu có gián đoạn.
Điều này dường như đang xảy ra tại Tây Nguyên, nơi nổi tiếng với cà phê Robusta được bán khắp thế giới. Tuy nhiên, kể từ năm ngoái, Bắc Kinh đã mở cửa cho nhập khẩu sầu riêng Việt Nam với quy mô lớn và nhiều hộ nông dân đã bắt đầu nhổ bỏ cây cà phê để trồng sầu riêng.
Chia sẻ với tờ WSJ, ông Bế Đức Huỳnh, một nông dân ở Tây Nguyên, người đã bỏ cả vụ cà phê để trồng sầu riêng cho biết số tiền anh kiếm được từ một ha sầu riêng nhiều gấp 5 lần số tiền anh kiếm được từ cà phê. Trong năm nay, anh Huỳnh đã thu hoạch 4 tấn sầu riêng và tất cả chúng đều được xuất sang Trung Quốc.
Với nhu cầu tăng đột biến từ thị trường Trung Quốc, không chỉ anh Huỳnh, nhiều người dân ở Tây Nguyên cũng đã lựa chọn chặt cây hồ tiêu, cà phê để trồng sầu riêng. “Mấy năm trước người ta coi sầu riêng là cây trồng để xóa đói giảm nghèo. Bây giờ sầu riêng đã trở thành thức quả trị giá hàng triệu USD”, một thương lái sầu riêng cho hay.
Trung Quốc đã mua khoảng 90% xuất khẩu sầu riêng từ Việt Nam. Không chỉ vậy, Việt Nam cũng bán phần lớn thanh long, chuối, xoài và mít cho thị trường láng giềng này. Theo số liệu chính thức do nhà cung cấp dữ liệu CEIC tổng hợp, trong những tháng gần đây, khoảng 60% xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, tăng từ mức hơn 33% cách đây một thập kỷ.
Trong khi nhiều người vẫn lạc quan và cho rằng cơ hội phát triển của xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc vẫn còn rất lớn khi thị trường tỷ dân này vẫn chưa được khai phá hết thì nhiều người vẫn lo lắng về sự phụ thuộc quá mức vào một thị trường.
Trước nỗi lo này, bà H’Meng đã trồng hàng trăm cây sầu riêng trong những năm gần đây và hiện đang có kế hoạch trồng thêm cà phê vì giá cả dù rẻ nhưng vẫn ổn định hơn và thị trường cà phê không bị tập trung quá mức vào một quốc gia.
Vào đầu năm nay, Bộ Nông nghiệp cũng đã đưa ra khuyến cáo người dân không tự phát chặt phá cây trồng khác, cây trồng truyền thống như cà phê, hồ tiêu để mở rộng diện tích và trồng sầu riêng ở những khu vực không phù hợp. Đồng thời, các chuyên gia nông nghiệp cũng khuyến khích người dân đa dạng hóa thị trường, hướng đến các thị trường khác ngoài Trung Quốc.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận