menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Văn Đức

Đằng sau vụ phá sản của Silicon Valley Bank và góc nhìn cho Việt Nam

Cho đến cuối tuần qua có thêm 2 ngân hàng (NH) ở Mỹ công bố phá sản nối theo Silicon Valley Bank (SVB), đã dấy lên làn sóng lo ngại cho hệ thống tài chính toàn cầu.

Nguyên nhân phá sản, vì sao phải cứu, và sau đó sẽ như thế nào, cũng như Việt Nam cần tham khảo gì sau vụ này khi hoạt động gần như tương đồng với SVB? Đây là những câu hỏi được ĐTTC đặt ra cho 2 chuyên gia trong buổi Talk show mới đây:

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, với góc nhìn người chuyên nghiên cứu về hệ thống tài chính Mỹ, việc SVB tuyên bố phá sản có là chuyện bình thường ở nước Mỹ?

TS. LÊ ĐẠT CHÍ: Đối với một nền kinh tế thị trường như Mỹ, lịch sử cho thấy đã có quá nhiều NH được phá sản, kể cả những NH có quy mô lớn, có sức ảnh hưởng lớn nền kinh tế, thậm chí gây ra cuộc khủng hoảng năm 2008 như Lehman Brothers.

Sự kiện của SVB không phải là một NH quá lớn ở nước Mỹ, với tổng số tiền huy động khoảng 174 tỷ USD, tổng số tiền đầu tư nắm giữ các trái phiếu và những khoản cho vay khoảng 205 tỷ USD. Đặc biệt, khách hàng gửi tiền của SVB không phải là người hưu trí, tỷ lệ tiền gửi của người dân cũng không nhiều, nên mức độ lây lan ảnh hưởng ra nền kinh tế không phải lớn như những NH trong lịch sử đã phá sản, như Lehman Brothers chẳng hạn.

Nhưng SVB gây chú ý bởi gắn liền với đặc tính của hệ sinh thái đằng sau các tập đoàn tài chính sở hữu SVB, đó là những người có khoản tiền đầu tư lớn trên toàn cầu.

- Hai ông có thể phân tích chi tiết vì sao SVB phá sản?

- TS. LÊ ĐẠT CHÍ: Trước hết chúng ta phải hình dung một hệ sinh thái của SVB. SVB là một NH như bức bình phong, đằng sau đó là một tập đoàn tài chính có rất nhiều mảng hoạt động. Thứ nhất, tập đoàn này chuyên đầu tư mạo hiểm, họ có những công ty đầu tư, thậm chí có cả 2 công ty chuyên đầu tư vào biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.

Nôm na dễ hiểu rằng, hệ sinh thái đằng sau SVB là hệ sinh thái đầu tư vào những doanh nghiệp khởi nghiệp có tính chất đột phá về công nghệ, về fintech… những ngành có xu hướng phát triển trong tương lai. Do vậy những danh mục đầu tư của hệ sinh thái này có nhiều rủi ro.

Với SVB là nơi vừa huy động vốn cho nghiệp vụ của NH bán lẻ, nhưng đồng thời còn làm nghiệp vụ của một NH đầu tư, nghĩa là họ mua các trái phiếu tài trợ vốn cho cho hệ sinh thái của tập đoàn. Hệ sinh thái của tập đoàn này sẽ sử dụng khoản tiền từ SVB để đi đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ yếu là thung lũng Silicon.

Và khi sự biến động trên thị trường tài chính Mỹ do Fed tăng lãi suất, những khoản tiền này được định giá cao và trầm lắng một thời gian dài, đã làm cho chi phí trở nên đắt đỏ hơn và áp lực hoàn trả lại khoản vay khá lớn. Khi kết thúc năm tài chính 2022, SVB đã báo cáo lỗ.

Tổ chức Moody’s thông báo sẽ hạ bậc tín nhiệm với SVB vì có một khoản lỗ tiềm ẩn nằm ngoài bảng cân đối kế toán của NH. Đó là những cam kết giao dịch giữa hệ sinh thái của tập đoàn này với SVB chứa đựng khoản lỗ tiềm tàng.

Câu chuyện của SVB xuất phát từ lãi suất của Fed tăng làm cho nền kinh tế khó khăn. Khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không thể có lợi nhuận sẽ ảnh hưởng đến NH. Do đó, câu chuyện lãi suất tăng sớm muộn sẽ tác động đến nền kinh tế, nên phải tìm cách để lãi suất nằm trong khả năng chịu đựng được của doanh nghiệp.

Thực ra trước ngày 10-3 (ngày công bố đóng cửa), ban quản trị của SVB đã sang New York gặp gỡ Moody’s để bàn thảo việc bổ sung thêm tài sản, nhưng danh mục bổ sung của SVB không đủ chứng minh năng lực tài chính, nên Moody’s tuyên bố tiếp tục hạ mức tín nhiệm.

Thậm chí, Ban quản trị SVB cũng đã gọi Goldman Sachs để bàn các kế hoạch tài trợ nhưng bất thành.

Đến ngày 9-3, NH công bố bán ra 21 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Nhưng trái phiếu khi đầu tư với lãi suất khoảng 1,79%, và tại thời điểm bán lãi suất lên 3,9%, nghĩa là khoản đầu tư đã bị thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD. Thanh khoản của NH trở nên mong manh, và trưa thứ sáu ngày 10-3, NH này được tuyên bố đóng cửa.

- TS. HỒ QUỐC TUẤN: SVB là NH chuyên phục vụ cho khu vực người gửi tiền làm trong giới công nghệ. Như vậy, ngay từ ban đầu, NH này không có một sự đa dạng hóa cần thiết cho lượng khách hàng của mình.

Mọi sự bắt đầu vào năm 2020, khi dịch Covid bùng phát, lúc đó Fed cắt giảm lãi suất xuống mức thấp nhất. Lãi suất thấp cộng thêm dịch Covid-19, các công ty công nghệ làm ăn rất suôn sẻ, vì giai đoạn mà hầu như mọi người không thể đi ra ngoài và các công ty này tận dụng nền tảng công nghệ của mình.

Từ đây các quỹ mạo hiểm đã đầu tư vào công ty công nghệ. Có tiền và dư tiền, các công ty công nghệ đem gửi vào một NH chuyên dụng của giới công nghệ, đó là SVB. Khi SVB nhận được khoản tiền này họ sẽ tăng lượng tài sản lên rất lớn, từ khoảng 60 tỷ USD của năm 2020 tăng lên gần 200 tỷ USD vào đầu năm 2022.

Khi tăng một lượng tiền lớn như vậy, SVB đem tiền này một phần cho vay lại khu vực công nghệ, một phần rất lớn đầu tư vào các trái phiếu dài hạn. Khi đầu tư nhiều vào trái phiếu dài hạn trong khi lượng tiền gửi là ngắn hạn, gặp rủi ro sẽ bùng phát.

Vấn đề là năm 2022, Fed tăng lãi suất rất nhanh, khu vực công nghệ gặp khó khăn, không có lợi nhuận. Từ đây họ bắt đầu rút tiền ra khỏi quỹ đầu tư. Khi rút tiền diễn ra mà SVB không có dòng tiền mới đi vào, tạo thành một làn sóng đi rút tiền của giới công nghệ.

Chúng ta cũng thấy truyền thông đăng tin một ngày tổng số tiền đăng ký rút lên tới 42 tỷ USD. Với lượng rút tiền đó, không chỉ là NH nhỏ như SVB mà ngay cả một NH lớn như JP Morgan hay Bank of America cũng sẽ không chịu đựng nổi được mấy ngày.

- Vậy vì sao phải cứu SVB khi cho đến nay nhiều cơ quan quản lý của Mỹ đang tính toán, cũng như nhiều ông chủ các tập đoàn lớn muốn mua lại NH này?

- TS. LÊ ĐẠT CHÍ: Thực ra một hệ sinh thái trong tập đoàn tài chính do SVB “bảo kê” đang đầu tư rất nhiều vào các công ty khởi nghiệp, đặc biệt trong 3 lĩnh vực là chiến lược của nước Mỹ đang cạnh tranh với các cường quốc khác như fintech, Bio Tech, những sản phẩm về biến đổi khí hậu, những ý tưởng kinh doanh có tính đột phá. Là chiến lược của quốc gia, nên nếu nói rằng cứu là cứu hệ sinh thái khởi nghiệp chứ không phải cứu SVB.

Còn người gửi tiền, ở nước Mỹ đã có một NH để chi trả. Cũng có nghĩa sẽ tiếp tục mua các dự án khởi nghiệp và tiếp tục bơm thêm tiền để nuôi dưỡng những ý tưởng có tính đột phá. Tỷ phú Elon Musk không nằm ngoài, họ cũng nhìn thấy điều này chứ không phải nhìn vào tiềm năng tăng trưởng của NH.

- Từ vụ phá sản của SVB liệu có thể xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính trên diện rộng ở Mỹ hay không?

- TS. HỒ QUỐC TUẤN: Nếu nhìn tổng quát về SVB hoàn toàn không giống với những vụ phá sản khác, dẫu rằng mọi người đang lo sợ việc vỡ nợ này giống như vỡ nợ của Lehman Brothers, một NH đầu tư vỡ nợ vào năm 2008, lúc đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính ở Mỹ.

Do vậy có thể khẳng định, cho đến lúc này không có rủi ro của một đợt vỡ nợ như năm 2008. Và những gì có thể xấu hơn trong vòng 6-9 tháng tới chúng ta vẫn chưa rõ được.

Cũng có ý kiến so sánh với cuộc khủng hoảng này giống như cuộc khủng hoảng của tổ chức nhận tiền gửi của Mỹ từ 1980-1990, tức cũng có tình trạng tương tự người người đi rút tiền ra khỏi tổ chức gửi tiền truyền thống.

Thực ra cũng cần lưu ý rủi ro của hệ thống NH Mỹ hiện nay nằm ở 2 chỗ. Thứ nhất, năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cho phép điều chỉnh lại đạo luật kiểm soát đối với các NH, theo đó chỉ có NH có quy mô lớn mới bị kiểm soát chặt chẽ bởi điều luật đó, những NH nhỏ như SVB sẽ không cần.

Chính điều đó dẫn đến có những NH của Mỹ hiện nay nhỏ nhưng lại không được kiểm soát rủi ro, nên họ đã tiến hành thực hiện những hoạt động đầu tư có rủi ro. Như SVB lấy tài sản ngắn hạn đi mua tài sản dài hạn, trong khi không có phòng ngừa rủi ro.

SVB là một NH như bức bình phong, đằng sau đó là một tập đoàn tài chính có rất nhiều mảng hoạt động. Hệ sinh thái đằng sau SVB là hệ sinh thái đầu tư vào những doanh nghiệp khởi nghiệp có tính chất đột phá về công nghệ, về fintech… Do vậy những danh mục đầu tư của hệ sinh thái này có nhiều rủi ro.

Thứ hai, ở Mỹ hiện nay các tổ chức tài chính phi NH nhưng cũng có hoạt động cho vay. Chúng ta gọi là tài chính của các hệ thống NH ngầm. Đó cũng là một rủi ro hiện nay đang tồn tại ở Mỹ.

Hiện nay NH Trung ương Mỹ sẽ phải tìm cách ngăn chặn sự lây lan của SVB ra các NH khác, đó là thiết lập những quỹ khẩn cấp để đảm bảo các NH nhỏ có thể vay tiền từ quỹ khẩn cấp mà không cần phải bán những trái phiếu của mình, không phải bán tài sản thanh khoản kém để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng.

- Thưa ông, lãi suất sẽ còn tăng khi Fed chưa có dấu hiệu dừng lại. Vậy liệu sẽ còn kéo theo nhiều doanh nghiệp phá sản?

- TS. HỒ QUỐC TUẤN: Hiện nay Fed vẫn phải đối mặt với câu chuyện phải tăng lãi suất tiếp tục, cho dù các NH đang gặp khó khăn, như vậy mới khống chế lạm phát. Nhưng ở đầu khác, họ vẫn phải tiếp tục tìm cách hỗ trợ cho hệ thống NH.

Và như vậy chúng ta cũng dễ suy luận, khi lãi suất tăng từ dưới 0,5% lên trên 4,5% trong một quá trình ngắn như vậy, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng, chẳng qua là khó khăn của doanh nghiệp hiện chưa công bố. Như Trung Quốc sau một giai đoạn siết chặt tiền tệ đã thấy được ảnh hưởng của bất động sản với doanh nghiệp rất rõ ràng.

- Như phân tích của 2 ông, có vẻ như hoạt động kinh doanh của SVB có những nét tương đồng như các NH Việt Nam. Vậy hệ thống tài chính Việt Nam cần tham khảo gì sau vụ này?

- TS. LÊ ĐẠT CHÍ: Có lẽ một bài học lớn từ mô hình hoạt động của SVB chính là hệ sinh thái đằng sau NH, nơi mà gần như hấp thụ phần lớn nguồn vốn huy động của NH.

Họ sử dụng NH như là một công cụ để huy động vốn của người dân, và sau đó tập trung lượng vốn huy động đó để đầu tư dưới hình thức này hay hình thức khác vào một hệ sinh thái của tập đoàn.

Họ phục vụ cho mục đích của tập đoàn, không phải mục đích hoạt động kinh doanh của mô hình NH. Và mô hình này khá nhiều ở Việt Nam. Khi nói đến hệ thống NH Việt Nam, người ta đều biết các ông chủ của các NH đều có những hệ sinh thái.

Việt Nam trong khủng hoảng năm 2008, Chính phủ cũng đã thành lập ban tái cấu trúc hệ thống NH. Chúng ta cũng đã ban hành rất nhiều văn bản về cấu trúc sở hữu, quy định sở hữu chéo, quy định sở hữu của tổ chức và cá nhân trong một NH... Tuy nhiên họ vẫn có thể lách, các mối quan hệ trong hệ sinh thái rất phức tạp, về mặt pháp lý có lẽ khó lần ra.

Tin vui là mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Quyết định 213/QĐ-TTg, thành lập Ban Chỉ đạo cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng do đích thân Thủ tướng làm Trưởng ban. Thủ tướng rất nhanh chóng trong việc lập ban này để tiếp tục kiểm tra sức khỏe của hệ thống NH.

Không những qua sự kiện này, mà việc kiểm tra sức khỏe đối với hệ thống NH cần phải được triển khai thường xuyên định kỳ, lúc đó mới giữ được vai trò huyết mạch của hệ thống tài chính cung cấp vốn cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

- TS. HỒ QUỐC TUẤN: Theo tôi hệ thống NH Việt Nam có 3 bài học. Thứ nhất, kiểm soát NH không nằm ở chỗ chỉ kiểm soát NH lớn, có rủi ro cao, có thể ảnh hưởng tới hệ thống, mà phải kiểm soát tất cả các NH. Bởi khi người ta cảm thấy một NH nhỏ không an toàn, họ cũng có thể rút tiền ở một NH khác lớn trong hệ thống, và khi nhiều người rút tiền theo nguyên tắc kéo đổ cả hệ thống NH.

Thứ hai, lãi suất tăng chắc chắn ảnh hưởng đến nền kinh tế. Chúng ta cũng thấy câu chuyện của SVB xuất phát từ lãi suất của Fed tăng làm cho nền kinh tế khó khăn. Khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp không thể có lợi nhuận sẽ ảnh hưởng đến NH. Do đó, câu chuyện lãi suất tăng sớm muộn sẽ tác động đến nền kinh tế, nên phải tìm cách để lãi suất nằm trong khả năng chịu đựng được của doanh nghiệp.

Vì vậy, việc NHNN thời gian gần đây bắt đầu tiến hành giảm lãi suất và khuyến khích các NHTM giảm lãi suất là một động thái hợp lý. Vấn đề là chúng ta có thể làm được bao lâu, vì có một sức ép khác là khống chế lạm phát.

Thứ ba, chúng ta cũng thấy được sự tồn tại của các NH ngầm. Gọi là NH ngầm nhưng thật ra không phải là hoạt động không hợp pháp, mà họ chỉ là các tổ chức tài chính không có vai trò như một NH, nhưng họ vẫn có những hoạt động cho vay.

Những tổ chức tài chính này ít nhiều cũng sẽ huy động tiền theo một cách khác, thậm chí có thể liên hệ chặt chẽ với NH. Những NH ngầm này lại không nằm trong hệ thống NH nên không chịu tác động của kiểm soát NH một cách minh bạch. Đây là rủi ro mà IMF và nhiều tổ chức đã cảnh báo rất lâu đối với hệ thống NH Việt Nam.

- Xin cảm ơn hai ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
1 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại