Đằng sau việc Việt Nam bị Mỹ loại khỏi danh sách các nước đang phát triển
Mỹ sẽ đối xử với Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ như những quốc gia phát triển. Việt Nam bị ảnh hưởng thế nào khi bị chính quyền Tổng thống Donald Trump loại khỏi danh sách các nước đang phát triển?
Mỹ loại Việt Nam khỏi danh sách các nước đang phát triển
Chính quyền Mỹ đã quyết định thu hẹp danh sách nội bộ về việc nhìn nhận đâu là quốc gia đang phát triển và kém phát triển nhất, mà theo đó, Việt Nam đã bị chính quyền Tổng thống Donald Trump loại khỏi danh sách các nước đang phát triển. Như vậy, Washington dự định sẽ đối xử với Việt Nam như một trong các quốc gia phát triển, và sẽ không còn được hưởng hàng loạt chính sách ưu đãi của WTO.
Ngày 10.2, Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ (USTR) có thông báo chính quyền Hoa Kỳ đã thu hẹp danh sách các nước đang phát triển và kém phát triển nhất để giảm ngưỡng kích hoạt các cuộc điều tra của chính quyền Tổng thống Donald Trump về việc liệu những quốc gia này có gây tổn hại tới các ngành công nghiệp của Mỹ với việc trợ cấp xuất khẩu công bằng hay không.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, động thái này đánh dấu sự từ bỏ chính sách thương mại của Mỹ trong 20 năm qua đối với các quốc gia đang phát triển, có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với một số nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Danh sách các nước bị Mỹ xóa bỏ ưu đãi đặc biệt gồm có Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Albania, Argentina, Armenia, Brazil, Bulgaria, Hong Kong (Trung Quốc), Colombia, Costa Rica, Gruzia, Indonesia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Malaysia, Moldova, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania, Singapore, Nam Phi, Hàn Quốc, Thái Lan, Ukraina.
Cơ quan Đại diện thương mại Mỹ sẽ sớm tiến hành sửa đổi các phương pháp xét tiêu chí các nước đang phát triển phục vụ cho những cuộc điều tra về chống bán phá giá. Mỹ cho rằng, đây là việc cần thiết bởi các hướng dẫn ban hành năm 1988 đã không còn phù hợp.
Những ưu đãi mà Việt Nam mất đi khi bị Mỹ loại khỏi danh sách quốc gia đang phát triển sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế, tăng trưởng và duy trì sự ổn định của các hoạt động giao thương.
Theo đó, tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) quy định, nếu số tiền trợ cấp nước ngoài ở mức tối thiểu (thường được xác định là dưới 1% giá trị), các chính phủ được yêu cầu chấm dứt điều tra thuế đối kháng.
Tuy nhiên, với các nước đang phát triển, WTO có một tiêu chuẩn khác, theo đó yêu cầu các Chính phủ chấm dứt điều tra thuế quan nếu số tiền trợ cấp dưới 2% giá trị.
Mục tiêu của những ưu đãi này là để giúp các nước nghèo hơn giảm nghèo, tạo thêm công ăn việc làm và hòa nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Như vậy, nếu bị đưa ra khỏi danh sách quốc gia đang phát triển, Việt Nam có thể bị Mỹ điều tra thuế quan trong trường hợp số tiền trợ cấp ít nhất 1% giá trị hàng hóa.
Đằng sau việc Mỹ loại Việt Nam khỏi danh sách các nước đang phát triển
Chi sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, ở chừng mực nào đó động thái của ông Trump là cần được ủng hộ. Đó là bởi đây chính là sức ép thúc đẩy các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, phải nỗ lực hơn nữa để gia nhập thị trường một cách công bằng, không cần tới các ưu tiên, ưu đãi.
Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn chia sẻ với Đất Việt, Tổng thống Donald Trump là chủ thể của một nước lớn, là quốc gia đang định hình cho sự phát triển của thế giới. Do vậy, các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump có ý nghĩa rất lớn đối với các nước, mà ở đó ứng của ông Trump đối với các nước được phân chia theo những cấp độ khác nhau.
Về chế độ tối huệ quốc – tức là những ưu đãi mà Mỹ dành cho các nước đang hay chưa phát triển để vươn lên vượt qua nghèo đói, theo ông Đoàn, không phải là sự hỗ trợ có tính chất nhân đạo mà là một yêu cầu đáp ứng sự phát triển chung. Chính sự phát triển chung ấy cũng thúc đẩy nước Mỹ phát triển. Theo đó, cả thế giới sẽ phát triển theo một hệ sinh thái chung, một quy luật là mọi người đều được hưởng lợi, có quyền phát triển và phải có trật tự.
“Nước Mỹ đã từng làm được việc này và sẽ phải làm nhiều hơn nữa. Muốn vậy, bản thân nước Mỹ phải được phát triển trên một quy luật mà mọi người cũng được hưởng sự công bằng”, PGS.TS Lê Cao Đoàn đánh giá.
Điều này là hoàn toàn trùng khớp với quan điểm của Tổng thống Donald Trump khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố WTO “không công bằng” với Mỹ vì cả Trung Quốc và Ấn Độ đều là những nước đang phát triển, còn Hoa Kỳ thì không.
“Trung Quốc được coi là một quốc gia đang phát triển. Ấn Độ được xem là một quốc gia đang phát triển. Chúng tôi không được xem là một quốc gia đang phát triển. Theo như tôi nghĩ, chúng tôi cũng là một quốc gia đang phát triển”, ông Trump nêu rõ, muốn WTO đối xử công bằng với Mỹ.
Vốn dĩ, mục tiêu của các ưu đãi đặc biệt của WTO đối với các quốc gia đang phát triển là giúp các nước nghèo giảm nghèo, tạo việc làm và hòa nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu, cắt ngắn khoảng cách quá lớn giữa các nước phát triển về kinh tế và những quốc gia còn kém phát triển.
“Trong sự phát triển chung của thế giới, có cái theo quy luật, có cái đặc thù, nhưng trên hết nó cần phải có thể chế để mọi người phải tuân thủ. Con người có ý thức và nhận thức, nhận thức ấy luôn là: Tôi có lợi hay không? Làm sao để có lợi và lợi hơn nữa? Nếu cái lợi trên theo cái chung thì không sao, nhưng phục vụ cho cái riêng của mỗi chủ thể thì trong khi người này lợi, người khác bị thiệt”, PGS.TS Lê Cao Đoàn đưa ra phân tích.
Theo ông Đoàn, ưu tiên, ưu đãi mang tính chất chia sẻ, tính xã hội nhiều hơn kinh tế, nếu khai thác thái quá sẽ vi phạm quy luật kinh tế, vi phạm nền tảng của sự phát triển. Tuy nhiên, chế độ tối huệ quốc đã bị nhiều nước khai thác, lợi dụng quá đà nên ông Trump muốn xóa bỏ những ưu đãi này, bởi chính sự lạm dụng ưu đãi đã kìm hãm sự phát triển. Sau khi bị xóa bỏ ưu đãi, các nước kém phát triển sẽ phải tự mình nỗ lực, không ỷ lại vào các ưu tiên, ưu đãi.
Chuyên gia nhận định, cần hiểu đúng về việc xóa bỏ ưu đãi với các nước đang phát triển của chính quyền Mỹ. Ông Trump muốn cảnh báo tất cả các nước phải nỗ lực, làm cho mình mạnh lên để tham gia một cách công bằng vào thị trường.
Chế độ tối huệ quốc chỉ mang lại lợi ích khi nó hỗ trợ các nước kém phát triển vươn lên thành nước phát triển. Nếu cứ tiếp tục ỷ lại và cứ khai thác một cách bừa bãi, các nước không thể phát triển, thậm chí trở nên thụ động, trì trệ.
“Vậy nên ông Trump mới nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn cứ hưởng các lợi ích thương mại ưu đãi dành cho các quốc gia đang phát triển tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”, chuyên gia chỉ rõ.
Ngoài lý do trên, theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, động thái này của nước Mỹ cũng là sự mặc cả đối với các nước để Mỹ thu được lợi nhiều hơn.
"Ông Trump là một chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường, ở đó có chuyện mua bán, mặc cả: Anh lợi gì? Tôi lợi gì? Trước kia ông Trump chia sẻ với các nước hơn, nhưng đến khi nhiều nước bắt đầu sử dụng chế độ ưu tiên, ưu đãi để trục lợi thì ông Trump lật ngược lại. Đó là một hành vi hoàn toàn hợp lý, tạo ra một sân chơi mà ở đó mỗi nước đều phải cố gắng, nỗ lực phát triển mình trên cơ sở làm cho các nước phát triển”, chuyên gia lý giải.
Việt Nam phải làm gì?
Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, để đối phó hiệu quả với động thái vừa qua của Hoa Kỳ, các nhà quản lý và kinh tế Việt Nam phải nghiên cứu, sắp xếp lại tư duy của mình để có thể tham gia sân chơi một cách sòng phẳng trong thời gian tới.
"Chúng ta đã chuyển sang giai đoạn mà cả thế giới đang chuyển động theo một quy tắc mới nên không thể hành động như cũ và các mối quan hệ trong nước cũng như trên thế giới phải thay đổi cơ bản”, ông Đoàn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, nền kinh tế Việt Nam cần có nền tảng, lực lượng, hệ thống của mình, trong đó các hệ thống phải thay đổi, mà hệ thống kinh doanh là quan trọng nhất. Nền kinh tế thị trường thực chất là hoạt động kinh doanh, tạo ra giá trị và làm cho giá trị tăng lên với một hiệu quả cao và sức sản xuất lớn.
Một ví dụ về đầu tư: Nền kinh tế Việt Nam đã dựa vào FDI quá lâu mà FDI lại là con dao hai lưỡi, thứ chúng ta được hưởng thì ít mà bị FDI lợi dụng thì nhiều.
“Cả một thời kỳ dài hệ thống doanh nghiệp của Việt Nam, nhất là doanh nghiệp tư nhân, mãi lẹt đẹt, bị gọng kìm của FDI và doanh nghiệp nhà nước kìm kẹp, không lớn lên được. Chừng nào chúng ta chưa phát triển được hệ thống kinh doanh của mình, lấy đó làm nền tảng thì nền kinh tế sẽ không phát triển được”, PGS.TS Lê Cao Đoàn kết luận.
Phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 202, Phó Phát ngôn viên Đoàn Khắc Việt cũng đã nêu phản ứng của Việt Nam về việc bị Mỹ loại ra khỏi danh sách các nước đang phát triển và bị đối xử như một nền kinh tế phát triển.
Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam- Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục phát triển rất tốt đẹp. Kim ngạch thương mại 2 chiều đạt gần 76 tỷ USD trong năm 2019, tăng 25% so với năm 2018. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Việt Nam là một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Hoa Kỳ.
Theo khẳng định của Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt, hiện Việt Nam vẫn đang hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
"Việt Nam sẽ tiếp tục theo dõi đánh giá tác động của việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước được hưởng quy chế quốc gia đang phát triển trong luật chống trợ cấp của Hoa Kỳ, đồng thời duy trì đối thoại, phối hợp với phía Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương tiếp tục phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích cho cả Việt Nam và Hoa Kỳ”, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận