Đằng sau "sự trở lại" của nước Mỹ
Nội các của Tổng thống đắc cử Joe Biden đang dần được định hình, quy tụ những gương mặt nổi tiếng từ các chính quyền Dân chủ trước đây do Barack Obama và Bill Clinton lãnh đạo. Giới chuyên gia quốc tế đã thảo luận về các lựa chọn này của ông Biden, từ đó vạch ra những ưu tiên chính trị của một chính quyền Washington mới, khi vị cựu Phó Tổng thống chính thức nhậm chức vào tháng Giêng tới.
Đối ngoại hiện là ưu tiên hàng đầu
Nhiều cái tên nổi bật trong chính quyền tiềm năng của ông Joe Biden đã được các phương tiện truyền thông của Mỹ lưu ý trong suốt tuần qua, bao gồm Antony Blinken, Alejandro Mayorkas, Linda Thomas-Greenfield, John Kerry và Jake Sullivan. Đây đều là những người từng đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau dưới thời Tổng thống Obama mà chính ông Biden cũng từng phục vụ với tư cách Phó Tổng thống. Hiện những người này chủ yếu đều cần xác nhận để thông qua bởi Thượng viện Mỹ, ngoại trừ một số vị trí nhất định. Trong đó, thu hút nhiều sự quan tâm của quốc tế hơn cả là Antony Blinken, người được cho sẽ là Ngoại trưởng Mỹ tương lai. Ông từng là thành viên của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Clinton vào những năm 1990, sau đó là Thứ trưởng Ngoại giao trong chính quyền Obama giai đoạn 2015 - 2017.
Laura Wilson, nhà phân tích chính trị, Giáo sư khoa học chính trị tại ĐH Indianapolis, nhận định với Sputnik: “Ông Biden đang chọn những cá nhân giàu kinh nghiệm và sở hữu một hồ sơ lãnh đạo đã được chứng thực, qua đó giúp ông tác động hiệu quả đến từng chính sách ngay khi nhậm chức”. Theo nhà phân tích, điều này là khác biệt hoàn toàn với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, báo hiệu một sự thay đổi lớn của Nhà Trắng sắp tới, trong đó đội ngũ Biden đang tìm cách “phục hồi các mối quan hệ không được ưu tiên trong chính quyền trước đây và tham gia lại các thỏa thuận quốc tế mà Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi”, chẳng hạn như Thỏa thuận khí hậu Paris, hay Kế hoạch hành động toàn diện chung năm 2015 (JCPOA), thường được gọi là Thỏa thuận hạt nhân Iran.
Bà Laura cũng gợi ý rằng, thành phần của chính quyền Biden và những tin đồn về khả năng bổ nhiệm ngoài những người đã được nêu tên nói trên “đã cho thấy rõ rằng tập trung vào các vấn đề đối ngoại là ưu tiên hàng đầu lúc này”. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống đắc cử Mỹ đã gấp rút lấp đầy các vị trí ngoại giao tương lai, từ Ngoại trưởng - Antony Blinken, đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ) - Linda Thomas-Greenfield, đến Đặc phái viên Tổng thống về vấn đề khí hậu - John Kerry.
Quardricos Driskell, một nhà vận động hành lang liên bang và là Giáo sư chính trị tại ĐH George Washington, đánh giá nỗ lực của ông Biden là nhằm đưa Mỹ trở thành “nhà lãnh đạo thế giới”.
“Ngay chính trường hợp John Kerry, với vai trò là ‘Ông hoàng khí hậu’ mới của Mỹ, là một dẫn chứng cho thấy những kinh nghiệm của ông trên trường quốc tế với tư cách là cựu Ngoại trưởng được tin có thể đóng vai trò tốt trong các nỗ lực toàn cầu chống lại biến đổi khí hậu. Mà việc tái gia nhập Thỏa thuận Paris sẽ là bước đầu tiên để thay đổi cách Mỹ lãnh đạo toàn cầu” - ông Driskell nói.
Đằng sau tuyên bố “Nước Mỹ đã trở lại”
Phát biểu về nhân sự nội các mới tại Wilmington, Delaware, hôm 24/11, ông Joe Biden đã nói: “Đó là một đôi ngũ phản ánh thực tế rằng nước Mỹ đã trở lại. Một lần nữa ngồi đầu bàn, sẵn sàng đối đầu với kẻ thù và không từ chối đồng minh của chúng ta. Sẵn sàng đứng lên vì các giá trị của chúng ta”.
Tỏ ý thận trọng trước tuyên bố này, Patrick Henningsen, một nhà báo, nhà bình luận chính trị, và là người sáng lập trang 21st Century Wire nổi tiếng, nói rằng điều đó “không đồng nghĩa với việc phần còn lại của thế giới thích thú với đảng Dân chủ Mỹ và các đồng minh Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của họ”. “Thật khó tin những gì chúng ta biết về chương trình chính sách đối ngoại Obama - Clinton sẽ không lặp lại dưới thời Tổng thống Biden”, cây bút Henningsen viết, khi lưu ý không ít thành viên mới của Nhà Trắng là “những đặc vụ và kiến trúc sư của một trong những thời kỳ đen tối nhất về địa chính trị toàn cầu”, chứng kiến sự chia cắt nghiêm trọng của loạt quốc gia Libya, Ukraine, Yemen và Syria, bởi những can thiệp chính trị ngầm dẫn đến các cuộc “cách mạng màu”.
Thực tế, dấu ấn đáng kể trong sự nghiệp đối ngoại của ông Blinken là vai trò trong xây dựng chính sách Syria của chính quyền Obama, hay việc ông chính là “kiến trúc sư” cho các phản ứng của Nhà Trắng đối với cuộc sáp nhập Crimea vào Nga năm 2014. Cùng với đó, việc các cựu đại sứ LHQ Samantha Power và Susan Rice - những người cũng được coi là ứng viên tiềm năng khác trong nội các của ông Biden - khiến không ít chuyên gia lo ngại về tình hình Trung Đông, châu Á và châu Phi có thể mất ổn định hơn nữa, trong khi có thể tái diễn cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu năm 2015.
Liên quan đến vấn đề này, William Stroock, một tác giả và là Giáo sư sử học người Mỹ nhận định với Sputnik: “Khi ông Joe Biden nói “Nước Mỹ đã trở lại”, nghĩa là nước Mỹ sẽ đặt lại theo chủ nghĩa toàn cầu trước đó, trật tự quốc tế về thương mại tự do, biên giới mở, ngoại giao đa phương và can thiệp quân sự”.
Trong một bài xã luận mới đây trên tờ DW, chuyên gia phân tích chính trị xã hội Carolina Chimoy đặc biệt đánh giá cao giá trị lâu dài nơi nội các của Tổng thống đắc cử Joe Biden, khi đó không chỉ là các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm, mà còn là sự phản ánh một xã hội Mỹ vô cùng đa dạng.
Ông Biden sẽ trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên có phó tướng là một phụ nữ da màu - bà Kamala Harris; Janet Yellen đã được đề cử để trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Bộ trưởng Tài chính Mỹ; Alejandro Mayorkas - một người Mỹ gốc Latinh - sẽ điều hành Bộ An ninh Nội địa, qua đó chịu trách nhiệm về vấn đề nhập cư ở biên giới Mỹ - Mexico… Lần đầu tiên, nước Mỹ ghi nhận số lượng lớn như vậy người gốc Phi, người Latinh, người gốc Á và phụ nữ được đại diện trong các vị trí cấp cao của một chính phủ Washington có sức ảnh hưởng toàn cầu.
Nhưng bà Carolina cũng lưu ý, con đường phía trước với đội ngũ của ông Biden sẽ không dễ dàng. Trước hết là khả năng chính quyền mới không đảm bảo được đa số tại Thượng viện Mỹ trong cuộc chạy đua ở Georgia vào tháng 1/2021. Đa số đảng Cộng hòa tại Thượng viện sẽ không tránh khỏi việc cản trở Tổng thống của đảng Dân chủ, cũng như các chính sách của ông vào bất cứ khi nào có thể.
Bên cạnh đó, một thực tế là hơn 70 triệu người Mỹ vừa qua đã bỏ phiếu cho Tổng thống Trump, trong khi một cuộc khảo sát của Vox gần đây cho thấy, hơn 44% tổng số cử tri ở Mỹ nghi ngờ cuộc bầu cử hôm 3/11 đã bị gian lận. Để thấy, "ngọn lửa" chia rẽ nơi nội bộ nước Mỹ vẫn còn đó, có nguy cơ bùng lên một khi chính sách khác biệt đảng phái nào đó được chính quyền mới thúc đẩy.
“Như khi giới truyền thông đang tung hô những lựa chọn của ông Biden, những người dân khác ở Mỹ chỉ tập trung chuẩn bị cho Lễ Tạ ơn (26/11 - giờ Mỹ)”, chuyên gia Stroock ẩn dụ, “không có gì cho thấy sự chia rẽ giữa người Mỹ rõ ràng hơn thế”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận