Đằng sau siêu hợp đồng khí đốt 60 tỷ USD giữa Trung Quốc và Qatar
Qatar thường đi theo con đường ngoại giao thận trọng giữa hai phạm vi ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, khi nhu cầu năng lượng toàn cầu trở nên cấp bách, Qatar dường như dần xích lại gần Trung Quốc.
Theo trang oilprice.com, hợp đồng cung cấp khí hóa lỏng LNG khổng lồ giữa Qatar và Trung Quốc là một ví dụ mới nhất. Theo thỏa thuận trị giá hơn 60 tỷ đô la Mỹ này, công ty dầu khí nhà nước QatarEnergy sẽ cung cấp cho Tập đoàn Dầu khí & Hóa chất Trung Quốc (Sinopec) 4 triệu tấn LNG mỗi năm trong 27 năm, bắt đầu từ năm 2026.
Đó là hợp đồng cung cấp LNG dài nhất của Trung Quốc và là một trong những hợp đồng lớn nhất xét về khối lượng. Theo ông Saad Sherida al-Kaabi, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành QatarEnergy, đồng thời là Bộ trưởng Năng lượng của Qatar, đây cũng là thỏa thuận cung cấp đầu tiên được công bố cho dự án North Field East của nước này. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi rất hài lòng về thỏa thuận này với Sinopec vì chúng tôi đã có mối quan hệ lâu dài trước đây và điều này đưa mối quan hệ của chúng tôi lên một tầm cao mới, vì chúng tôi có một thỏa thuận mua bán sẽ kéo dài đến những năm 2050”.
Thỏa thuận này diễn ra sau một chuỗi các thỏa thuận tương tự trong những tháng gần đây, thể hiện tầm nhìn xa trông rộng hơn là ngẫu nhiên khi diễn ra vài tuần trước khi Nga đưa quân vào Ukraine.
Trung Quốc đã dự báo được rằng giá khí đốt tự nhiên sẽ tăng vọt trên khắp toàn cầu và các hợp đồng với Qatar và các nước khác giúp Trung Quốc an toàn.
Tháng 3/2021 chứng kiến thỏa thuận mua bán 10 năm giữa Sinopec và Qatar Oil với giá trị 2 triệu tấn LNG/năm. Tháng 12/2021 chứng kiến một thỏa thuận khác giữa Trung Quốc và Qatar, lần này là giữa QatarEnergy và Công ty Khí tự nhiên thuộc Tập đoàn Năng lượng Quảng Đông để cung cấp 1 triệu tấn LNG bắt đầu từ năm 2024 và kết thúc vào năm 2034.
Dường như Qatar không coi đây chỉ là những thỏa thuận đơn thuần về mặt kinh doanh. Nằm giữa một bên là Saudi Arabia và một bên là Iran, Qatar trước đây đã rất cẩn thận để không đứng quá công khai về phía bên này là Mỹ và các đồng minh hoặc bên kia là Trung Quốc và các đồng minh.
Tuy nhiên, siêu hợp đồng 60 tỷ USD cho thấy tầm ảnh hưởng của Trung Quốc với Qatar. Siêu hợp đồng này cũng đã được các quan chức cấp cao của Qatar và Trung Quốc coi là một thành phần quan trọng cho quan hệ đối tác tích hợp ở dự án North Field East. Bản thân Sinopec đã chỉ ra rằng họ có thể tham gia vào các cuộc đàm phán để mua cổ phần trong mỏ lớn này. Một số nguồn tin tức địa phương cũng đã tuyên bố rằng các công ty dầu khí quốc gia lớn của Trung Quốc đang đàm phán tăng cường với Qatar để đầu tư vào North Field East.
Tàu chở LNG tại một trạm ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images
Chiến lược của Trung Quốc là tập trung vào xây dựng các tài sản chiến lược dọc theo các tuyến đường cũ “Con đường Tơ lụa” trên đất liền và trên biển, tạo cơ sở cho “Một vành đai, Một con đường” ngày nay.
Bằng cách đảm bảo chỗ đứng vững chắc hơn ở North Field East của Qatar, Trung Quốc sẽ giành được quyền kiểm soát lớn đối với hồ chứa khí đốt lớn nhất thế giới, nhất là khi đang có quyền kiểm soát mỏ South Pars của Iran vì hai mỏ này là hai nửa của một hồ chứa khí đốt lớn. Toàn bộ mỏ khí đốt rộng 9.700 km2, chứa ước tính 51.000 tỷ mét khối khí tự nhiên không liên kết và ít nhất 50 tỷ thùng khí tự nhiên ngưng tụ.
Phần diện tích 6.000 km2 trên mỏ North Field của Qatar là nền tảng tạo vị thế nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới của Qatar. Phần 3.700 km2 của mỏ South Pars của Iran đã chiếm khoảng 40% tổng trữ lượng khí đốt của Iran.
Vì sợ có hiểu lầm về ý định thực sự của Trung Quốc, tháng 1 năm nay, các bộ trưởng ngoại giao từ Saudi Arabia, Kuwait, Oman và Bahrain và Tổng thư ký của Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã đến Bắc Kinh trong chuyến thăm 5 ngày nhằm thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Trung Quốc - GCC. Tại các cuộc họp này, các chủ đề chính của cuộc trò chuyện là cuối cùng đã ký kết FTA Trung Quốc - GCC và hợp tác chiến lược sâu sắc hơn.
Tháng 10 sau đó chứng kiến hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) mà tại đó Trung Quốc tìm cách củng cố hơn nữa ảnh hưởng với một số công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực dầu khí.
Những nước tham gia không chỉ bao gồm các thành viên chính thức của SCO là Nga, Kazakhstan và Ấn Độ mà còn có cả thành viên mới là Iran. Ngoài ra, các biên bản ghi nhớ đã được ký kết để trao cho Saudi Arabia, Qatar và Ai Cập cùng các nước khác tư cách đối tác đối thoại của SCO. Một thỏa thuận cũng đã đạt được để thừa nhận Bahrain, UAE và Kuwait là các đối tác đối thoại sắp tới của SCO.
Trước những diễn biến mới nhất giữa Qatar và Trung Quốc, châu Âu đã có nhiều hy vọng rằng họ có thể kêu gọi chính phủ Qatar giúp giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp khí đốt. Các phái đoàn cấp cao từ Đức và Pháp đã tham gia vào một số cuộc đàm phán song song nhằm đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt trong suốt mùa đông sắp tới và hơn thế nữa. Tuy nhiên, vào giữa tháng 10, ông al-Kaabi cho biết Qatar sẽ không chuyển khí đốt đã bán theo hợp đồng với người mua châu Á đến châu Âu vào mùa đông này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận