Đằng sau chuyện Mỹ tiết lộ hàng loạt tin tình báo về Nga
Sau nhiều năm rút ra bài học từ chiến tranh thông tin, Mỹ có vẻ đang cố gắng dùng lại cách này để đối phó với Nga.
Hai bức ảnh vệ tinh mà hãng Maxar của Mỹ công bố về việc tập hợp lực lượng của Nga ở khu vực gần biên giới Ukraine |
Trong những tuần gần đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra nhiều thông tin chi tiết về sự di chuyển của lực lượng Nga ở khu vực gần biên giới Ukraine, tung ra thông tin Nga chuẩn bị video để tạo cớ tiến quân vào nước láng giềng, hay nêu những kịch bản chiến tranh mà Mátxcơva có thể thực hiện. Mỹ cũng cảnh báo rằng một cuộc tấn công quân sự sẽ gây ra hàng ngàn cái chết và ám chỉ rằng ngay cả các sĩ quan Nga cũng đang nghi ngờ Tổng thống Vladimir Putin.
Cuối tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jake Sullivan nói với báo chí rằng Mỹ đang nhìn thấy những dấu hiệu Nga sẽ leo thang và có “khả năng đáng tin cậy” rằng Mátxcơva sắp tấn công Ukraine. Những quan chức khác nói rằng Mỹ nhận được thông tin tình báo cho thấy Nga có thể tấn công ngay sau khi Olympuc Bắc Kinh kết thúc.
Ông Biden nhiều lần khẳng định rõ ràng rằng ông không có ý định đưa quân sang bảo vệ Ukraine. Các quan chức Mỹ nói rằng Washington làm điều này để cảnh báo thế giới về một mối đe doạ khẩn cấp nhằm ngăn chặn chiến tranh xảy ra, chứ không phải để gây chiến.
Các quan chức và cựu quan chức Mỹ nói rằng việc tiết lộ kế hoạch của ông Putin là để phá vỡ chúng, để trì hoãn một cuộc chiến tranh và tạo thêm thời gian cho ngoại giao, thậm chí khiến ông Putin nghĩ lại về những tổn thất chính trị, kinh tế và con người nếu chiến tranh xảy ra.
Trong khi đó, các quan chức trong chính quyền Biden nói rằng họ có một mục tiêu thực tế hơn: khiến ông Putin không thể giải thích cho quyết định tiến quân vào Ukraine, làm suy yếu vị thế của nhà lãnh đạo Nga trên trường quốc tế và tập hợp ủng hộ đối với phản ứng cứng rắn hơn của phương Tây.
Với sự khuyến khích của Nhà Trắng, các cơ quan tình báo Mỹ liên tục công bố thông tin thu thập được, báo cáo lên Quốc hội, chia sẻ với báo chí và gửi tới người phát ngôn của Lầu Năm góc và Bộ Ngoại giao.
Trước khi Mỹ tấn công Iraq năm 2003, chính quyền Bush công bố thông tin tình báo để biện minh cho hành động tấn công phủ đầu, bao gồm thông tin được cho là nghe lén từ các cuộc trao đổi trong giới quân sự Iraq, những bức ảnh chụp phòng thí nghiệm vũ khí sinh học di động và cáo buộc Baghdad chế tạo một đội máy bay không người lái để thực hiện một cuộc tấn công hoá học vào Mỹ. Hoá ra những thông tin này đều là giả, dựa trên nguồn tin nói dối, cách diễn giải sai về hành động của Iraq và việc các quan chức cấp cao đọc thông tin tình báo thô và diễn giải theo hướng họ muốn.
Lần này, giới chức Mỹ khẳng định tình hình không giống như vậy. Mỹ nói rằng việc Nga tập hợp lực lượng gần biên giới Ukraine được xác nhận bằng hình ảnh vệ tinh thương mại. Các kế hoạch thông tin bí mật của Nga có sự tương đồng với những thông tin được đăng tải chính thức trên mạng xã hội và được các nhà nghiên cứu độc lập xác nhận.
Giới chức Mỹ nhấn mạnh lần này có sự khác biệt cơ bản với tình hình Iraq năm 2003. “Ở Iraq, thông tin tình báo được dùng để khơi mào một cuộc chiến. Lần này chúng tôi đang cố ngăn chặn một cuộc chiến”, ông Sullivan nói.
Trong đợt căng thẳng ở Ukraine năm 2014, các quan chức tình báo Mỹ ngăn chính quyền Obama chia sẻ thông tin họ thu được. Nhưng lần này, chính quyền Biden đã rút ra bài học từ sai lầm. Hàng loạt tiết lộ trong thời gian qua cho thấy ảnh hưởng của Avril Haines – giám đốc tình báo quốc gia, và William Burns – giám đốc CIA, những người đang muốn giải mật thông tin để ngăn chặn kế hoạch của Nga, New York Times dẫn lời các quan chức trong chính quyền Mỹ cho biết.
“Chúng tôi đã học được rất nhiều, nhất là từ năm 2014, về cách Nga dùng thông tin như một phần của kế hoạch an ninh và quân sự. Và chúng tôi đã học được nhiều về cách ngăn chặn ảnh hưởng của họ trong không gian đó”, Emily Horne, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia, nói.
Đối sách của Nga
Một quan chức Mỹ nói rằng khi các cơ quan tình báo Mỹ có được thông tin giúp thế giới đánh giá tốt hơn về hoạt động Nga thì thông tin đó nên được công bố, miễn là chính phủ tránh tiết lộ cách thu thập hoặc nguồn tin.
Một số chiến lược gia gọi đây là một phần trong chiến tranh thông tin.
“Tôi nghĩ điều đó rất tốt. Tôi đoán rằng những tiết lộ này đang khiến Kremlin e ngại và khiến các cơ quan an ninh Nga hốt hoảng. Và quan trọng hơn, nó có thể thu hẹp lựa chọn của ông Putin và khiến ông ấy phải nghĩ lại”, Beth Sanner, cựu quan chức tình báo thời chính quyền Trump, đánh giá.
Chính phủ Ukraine thể hiện không hài lòng với những tiết lộ của Mỹ. Tổng thống Volodymyr Zelensky nói rằng việc đưa ra “quá nhiều thông tin” về khả năng Nga tấn công đang gây lo lắng không cần thiết.
Nga có đối sách riêng trước hàng loạt cáo buộc mà Mỹ đưa ra.
“Hãy nhớ, ông Putin là người từ KGB. Ông ấy không nghĩ như ông Biden. Ông Putin đến từ sao Hoả, còn ông Biden đến từ sao Kim. Ông Putin đang chơi trò chơi riêng của mình, và có thể ván cờ của ông ấy hơi khác chúng ta”, NYT dẫn lời ông Daniel Hoffman, cựu giám đốc CIA phụ trách Nga.
Thể hiện sự bình tĩnh khi đối phó với chiến tranh thông tin, Mátxcơva nhanh chóng đáp trả sau khi giới chức Mỹ cảnh báo ậu quả lớn về con người nếu ông Putin thực hiện một cuộc tấn công toàn diện.
“Sự điên rồ và hù doạ vẫn tiếp diễn. Sẽ thế nào nếu chúng tôi nói Mỹ có thể chiếm London trong 1 tuần và gây ra 300.000 cái chết? Những điều này dựa trên nguồn tình báo và chúng tôi sẽ không tiết lộ”, Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp quốc Dmitry Polyansky viết trên Twitter gần đây.
Sau cảnh báo của ông Sullivan về khả năng chiến tranh nhãn tiền, Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc Mỹ tiến hành “một cuộc tấn công thông tin phối hợp” nhằm “làm suy yếu và gây mất uy tín của những yêu cầu hợp lý mà Nga đưa ra về bảo đảm an ninh, cũng như để biện hộ cho những tham vọng địa chính trị và kế hoạch quân sự của Mỹ ở Ukraine”.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận