Đằng sau chuyện Ai Cập tăng phí 5-15% tàu thuyền qua kênh đào Suez
Từ hôm 15-1, Ai Cập đã tăng phí vận chuyển qua kênh đào Suez ít nhất 5-15%, ảnh hưởng lớn đến giá vận tải biển toàn cầu. Cairo nói rằng quyết định tăng phí này nhằm bù đắp cho việc sụt giảm 30% số tàu qua lại trên Biển Đỏ và kênh đào Suez do các cuộc tấn công của phiến quân Houthi.
Nhưng nguyên nhân lớn hơn đằng sau là nền kinh tế lớn ở Bắc Phi đang thiếu ngoại tệ mạnh. Hiện Cairo đang đàm phán gói cứu trợ mới với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ít nhất từ 6 tỉ đô la.
Kênh đào Suez đóng vai trò nguồn thu ngoại tệ chủ lực của nền kinh tế Ai Cập, với doanh thu trung bình 15-30 triệu đô la mỗi ngày. Ảnh: Marine Regulations News
Doanh thu Suez sụt giảm vài triệu đô la mỗi ngày
Ban đầu, phiến quân Houthis cho biết họ chỉ nhắm mục tiêu vào tàu có liên hệ với Israel để đáp trả cuộc chiến ở Gaza. Nhưng giờ đây, lực lượng này nói rằng Mỹ, Anh và các đồng minh khác đang chơi “trò chơi không công bằng”. Khi Mỹ và đồng minh gia tăng không kích các mục tiêu Houthi ở Yemen, lực lượng này tuyên bố sẽ gia tăng tấn công vào mọi con tàu đi trên Biển Đỏ và đi qua kênh đào Suez.
Các cuộc tấn công đã khiến lo ngại về quy mô chiến tranh lan rộng trong khu vực, khiến các hãng tàu tránh xa tuyến hàng hải huyết mạch nối liền Á – Âu. Nhiều tập đoàn vận tải biển lớn như A.P. Moller – Maersk A/S của Đan Mạch, Hapag – Lloyd AG của Đức và nhiều hãng khác đã chuyển hướng tàu. Một số tuyến đã đi vòng xuống Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi khiến hải trình dài hơn và tốn kém hơn.
Theo người đứng đầu Cơ quan quản lý Kênh đào Suez (SCA) Osama Rabie, lưu thông qua Kênh đào Suez đã giảm 30% trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 11-1 so với một năm trước đó.
“Vì lo ngại về an ninh, nhiều tàu thương mại có thể chuyển sang các tuyến đường vòng dài hơn và tránh đi vào vùng xung đột quân sự. Và ngay cả khi chúng tôi giảm phí, tình hình cũng sẽ không thay đổi do những lo ngại về an ninh”, Rabie nói trên đài truyền hình MBC Masr TV cuối tuần rồi.
Kênh đào Suez là tuyến đường biển rất quan trọng, là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu. Con kênh chiếm vai trò quan trọng trong nguồn thu ngân sách của Ai Cập. Theo SCA, doanh thu từ kênh đào đạt kỷ lục mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023, với 10,25 tỉ đô la trong năm 2023, tăng hơn 16% so với con số 8,8 tỉ đô của năm 2022. Nếu tình hình tiếp tục bất ổn như hiện nay, doanh số này sẽ “bị ảnh hướng rất lớn” trong năm nay.
Ai Cập đang nỗ lực mở rộng các hoạt động qua Suez để mang lại nhiều doanh thu hơn từ một trong những tài sản quý giá của quốc gia. Trước quyết định tăng giá của SCA hôm 15-1, chi phí hàng hóa qua Suez là 7 đô la/tấn, phí neo cảng qua đêm là 5.000 đô/đêm và mỗi tàu cần phải quá cảnh một hay hai đêm. Trung bình, mỗi tàu biển lớn trả 400.000 – 700.000 đô la khi đi qua Suez. Theo Statista, một ngày trung bình khoảng 70 tàu thuyền các loại qua lại, mang lại doanh thu tối thiểu từ 15 triệu đô la, kỷ lục có thể đạt 30 triệu đô la.
Ai Cập đã công bố kế hoạch tăng thu phí từ tháng 10-2023, với mức tăng 5% dành cho du thuyền, tàu nhỏ và đến 15% với tàu chở dầu từ đầu năm 2024. Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Houthi cũng không ngăn được Cairo thực hiện kế hoạch. Rabie nói rằng những lo ngại về an ninh của hãng tàu biển sẽ không biến mất dù SCA giảm giá hoặc đưa nhiều ưu đãi khác.
“Tác động của cuộc khủng hoảng đối với hoạt động kinh tế toàn cầu là rất lớn, làm chậm lại chuỗi cung ứng. Tình hình này làm chúng ta nhớ lại hồi Covid. Tàu biển không thể di chuyển và nếu có thì đến trễ hơn”, Rabie phát biểu. Hãng tàu mất trung bình 18 ngày đi từ Á sang Âu, thông qua Suez. Nay nếu đi đường vòng qua Mũi Hảo Vọng ở phía nam châu Phi, thời gian kéo dài thêm 8-9 ngày nữa.
Cuộc khủng hoảng lớn hơn của Ai Cập
Tháng 12-2022, Ai Cập đã nhận được gói cứu trợ 3 tỉ đô la từ IMF, với kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế trong 46 tháng nhằm vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 và xung đột Nga – Ukraine. Tuy vậy, chiếc phao cứu sinh của IMF cũng không xóa đi nỗi ám ảnh về khủng hoảng kinh tế. Tỷ lệ lạm phát gần chạm 40%, nợ chính phủ tăng lên đến gần 93% GDP và nợ nước ngoài vượt mốc 50% GDP trong năm 2023. Đây là mức cao kỷ lục trong 20 năm qua.
Đồng bảng Ai Cập (EGP) mất hơn 50% so với đồng đô xanh kể từ thời điểm bùng phát xung đột Nga – Ukraine tháng 2-2022. Chi phí sinh hoạt leo thang. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 30% dân Ai Cập sống dưới mức nghèo, 30% sống ở mức cận nghèo.
Tuy nhiên, quốc gia đông dân nhất Trung Đông đang đàm phán với IMF về gói cứu trợ mới, khả năng tăng ít nhất là gấp đôi gói giải cứu cuối năm 2022.
Trong quá khứ, Ai Cập gần như không bao giờ thực hiện các hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ của họ. Bởi quốc gia này lo ngại rằng bất kỳ sự leo thang nào trong khu vực có thể gây ra những tác động nghiêm trọng hơn. Giới phân tích nói điều mà Cairo có thể thực hiện lúc này là tiếp tục thúc đẩy lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza, đồng thời chống lại mọi nỗ lực cho phép người Palestine di cư ồ ạt qua biên giới chung.
“Với tình trạng lưu lượng giao thông qua Kênh đào Suez thấp hơn, Ai Cập chỉ có thể cầm cự trong vài tuần. Nhưng với lập trường ủng hộ vững chắc với Palestine, họ cũng không thể chấp nhận tình trạng người Palestine anh em phải di dời vĩnh viễn sang bán đảo Sinai. Tác động của cuộc chiến Gaza khiến nền kinh tế tê liệt cũng như khả năng lò lửa lan rộng khắp Trung Đông”, Riccardo Fabiani, giám đốc dự án Bắc Phi tại Crisis Group có trụ sở tại Brussels, nói với hãng tin Bloomberg.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận