Đáng lo ngại: Delta lần đầu tiên trở thành biến thể trội ở Mỹ
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết biến thể Delta (phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ) đã lần đầu tiên trở thành biến thể trội ở nước này.
Theo CDC Mỹ, số ca nhiễm biến thể Delta đã lần đầu tiên vượt qua số ca nhiễm biến thể Alpha, chiếm 51% số ca mắc mới COVID-19 trong khoảng thời gian hai tuần trước ngày 3/7.
Đây là mức tăng đáng kể so với con số khoảng 30% mà CDC Mỹ thống kê được trong khoảng thời gian hai tuần trước ngày 19/6.
“Khả năng lây lan (của biến thể Delta - PV) rõ ràng cao hơn so với virus SARS-CoV-2 nguyên bản. Nó cũng có liên quan đến việc gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh so với biến thể Alpha, điều này được phản ánh thông qua số người phải nhập viện”, Cố vấn y tế Nhà Trắng, bác sĩ Anthony Fauci cảnh báo trong một cuộc họp báo vào tháng trước.
Bên cạnh việc cảnh báo công chúng về biến thể Delta, các quan chức Mỹ vẫn nhấn mạnh tiêm chủng là cách tốt nhất để ngăn ngừa nguy cơ lây bệnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vắc xin Pfizer có hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng ở những người nhiễm biến thể Delta.
Biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ và đã lan ra hơn 100 quốc gia.
Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo về biến thể Delta - mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là dễ lây truyền hơn biến thể Alpha tới 55% - để thuyết phục người Mỹ đi tiêm chủng.
Theo các quan chức, Mỹ đang trên đà cán mốc 160 triệu người được tiêm phòng, nhưng vẫn còn hơn 1.000 hạt ở nước này mà các quan chức y tế xác định là có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn 30%. Điều này cho thấy nguy cơ tiềm tàng là không nhỏ khi nước Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại, Giám đốc CDC Rochelle Walensky nói với các phóng viên vào tuần trước.
Ông Biden từng đặt mục tiêu 70% người trưởng thành ở Mỹ được tiêm ít nhất một mũi vắc xin trước ngày quốc khánh 4/7, nhưng mục tiêu không thành do số người được tiêm chủng mới chỉ đạt 67%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận