Đăng ký vốn hơn 500.000 tỷ đồng thành lập công ty: Luật sư nói về lỗ hổng pháp lý
Không ít doanh nghiệp tùy tiện đăng ký số vốn điều lệ “khủng” như để lòe thiên hạ, nhưng luật pháp lại không quy định mức trần cho số vốn điều lệ.
“Ðại gia” ở nhà cấp 4
Dư luận đang xôn xao việc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (Auto Investment Group) mới thành lập vào tháng 5 với số vốn điều lệ là 500.000 tỷ đồng tại TPHCM. Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, cũng chính cá nhân góp 499.998 tỷ đồng, chiếm 99,99% cổ phần.
Chưa kể, ông Quốc Anh còn góp vốn vào Công ty CP Tập đoàn Kinh doanh Tự động Toàn Cầu, Công ty CP Tập đoàn Công cụ Tự động Toàn Cầu. Sở hữu số cổ phần tại ba doanh nghiệp nói trên của ông Quốc Anh lên đến 500.076 tỷ đồng. Tuy nhiên, ông Quốc Anh lại ở nhà cấp 4, đi thuê văn phòng với giá 1,2 triệu đồng/tháng để làm việc.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết, có nhiều người nghi ngờ nói ông chỉ “làm màu” nhưng ông đón nhận việc này với tâm thế bình thản.
“Mọi người nghĩ số vốn này là quá lớn, nhưng đối với chúng tôi không có gì ghê gớm. Nhiều khi tiền tôi kéo về còn hơn số đó, hơn 500.000 tỷ đồng có là gì đâu. Sau khi tôi đăng ký số vốn này, có nhiều ý kiến khác nhau, làm ảnh hưởng uy tín, làm phiền đến cuộc sống của tôi quá. Ngày 15/6, tôi sẽ có buổi giao lưu trực tuyến với tất cả mọi người, ai muốn đặt câu hỏi gì thì tôi sẽ trả lời. Ngày đó, tôi cũng sẽ đưa sản phẩm ra cho mọi người thấy là bên tôi đang làm thật, có chủ đầu tư góp tiền vào đàng hoàng”, ông Quốc Anh khẳng định.
Trả lời về việc góp tới 500.076 tỷ đồng để thành lập hai công ty nhưng bản thân lại ở trong căn nhà cấp 4, ông Quốc Anh nói đó là phong cách sống của mỗi người và việc đi thuê văn phòng với giá 1,2 triệu đồng/tháng là do nhân viên thích làm việc ở nhà.
Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty CP Tập đoàn Ðầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu |
Bịt kẽ hở thế nào?
Theo luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TPHCM, với quy định tại khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020 thấy rằng, vốn điều lệ tại thời điểm thành lập doanh nghiệp nó có thể chỉ là cam kết góp. Vì vậy, việc đăng ký vốn điều lệ không bị giới hạn với một con số tối đa là bao nhiêu, bởi nó tùy thuộc vào khả năng góp vốn của những người muốn thành lập doanh nghiệp.
Sau đó, các thành viên/cổ đông phải thực hiện việc góp vốn/thanh toán trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Riêng đối với công ty cổ phần thì cho phép điều lệ hoặc hợp đồng mua cổ phần có thể thỏa thuận thời gian ngắn hơn.
Nếu quá thời hạn 90 ngày mà việc góp vốn/thanh toán cổ phần không đủ với số vốn điều lệ đã đăng ký thì doanh nghiệp phải đăng ký giảm vốn điều lệ bằng với số vốn đã góp, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ.
Báo cáo công an
Ngày 1/6, Sở KH&ÐT TPHCM cho biết, đã báo cáo Bộ Công an và Công an TPHCM, sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký chứng nhận kinh doanh của một số cá nhân tại hàng loạt doanh nghiệp, với tổng số vốn điều lệ lên đến hơn 500.000 tỷ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, trước thông tin này, ông Quốc Anh nói: “Mọi người cứ đợi 30 ngày nữa sẽ biết tôi làm gì thôi. Việc Sở Kế hoạch Ðầu tư TPHCM báo cáo Bộ Công an về số vốn điều lệ của Auto Investment, tôi cũng chả ngán ngại gì. Vì tôi làm thật việc thật, không đùa”.
“Hiện nay, chưa có quy định về việc phạt đối với thành viên không góp đủ vốn như đã cam kết mà chỉ có cơ chế xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đăng ký. Theo đó, hành vi này bị phạt số tiền từ 10-20 triệu đồng theo Khoản 3 Điều 28 Nghị định 50/2016…” - luật sư Phát nói.
Luật sư Phát nói thêm, hiện nay, có không ít doanh nghiệp tùy tiện trong việc đăng ký số vốn điều lệ, việc đăng ký vốn điều lệ đôi khi như để “lòe” thiên hạ thay vì phản ánh đúng năng lực tài chính của họ. Thậm chí, họ cũng không thực hiện việc giảm vốn điều lệ theo các quy định nếu không góp đủ. Họ cũng không ý thức được trách nhiệm của mình trong trường hợp công ty thua lỗ, họ phải chịu trách nhiệm trên số vốn đang sở hữu trong công ty, dẫn đến khá nhiều doanh nghiệp có vốn điều lệ ảo.
“Theo tôi, cần nâng cao công tác giám sát trong việc doanh nghiệp có thực hiện việc góp vốn theo vốn điều lệ đã đăng ký hay không, doanh nghiệp có thực hiện thủ tục giảm vốn nếu không góp đủ hay không, để từ đó sớm phát hiện các vi phạm nhằm xử phạt doanh nghiệp. Và để làm được tốt việc quản lý, bên cạnh khâu giám sát, cũng cần nâng mức phạt vi phạm hành chính lên, không phạt ở mức 10-20 triệu như hiện nay và cần giải thích luôn cho các chủ doanh nghiệp biết lúc tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh”, ông Phát nêu kiến nghị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận