menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hải Long

Đảng Dân chủ "thay ngựa giữa dòng", đảng Cộng hòa mất mục tiêu: Biến số 270 vẫn chờ bất ngờ tháng 10

Càng sát ngày bầu cử, sẽ càng có thể xảy ra những điều bất ngờ hoặc sự cố rủi ro, điều mà nước Mỹ vẫn thường nhắc nhở: "Bất ngờ tháng 10".

Việc Tổng thống Biden quyết định rút khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng là sự cố lớn nhất làm đảo chiều cuộc đua trong một năm 2024 bầu cử đầy biến động.

Một năm bầu cử Tổng thống đầy biến động và khác biệt

Điều khác biệt bắt đầu ngay từ khi cuộc bầu cử được khởi động, với Biden-Trump, đó là một cuộc tái đấu chưa từng có, giữa một Tổng thống đương nhiệm và một cựu Tổng thống chỉ ngay sau 4 năm. Và đây cũng là cặp đấu nhiều tuổi nhất trong lịch sử bầu cử Tổng thống Mỹ.

Đây cũng lần đầu tiên, một ứng cử viên (ƯCV) - một cựu tổng thống (Donald Trump) - bị tòa án truy cứu trách nhiệm hình sự và những bê bối pháp lý khác, khi đang tranh cử.

Nhìn lại, mới chỉ qua hơn nửa năm tranh cử, thực tế đã xảy ra một loạt các biến cố hiếm có. Lần đầu, sau hơn 40 năm, mới có một ƯCV, cũng là cựu tổng thống bị mưu sát (Donald Trump), sau vụ Tổng thống Reagan năm 1981.

Đặc biệt, lần đầu sau hơn 50 năm, một Tổng thống đương nhiệm quyết định rút khỏi cuộc đua, sau khi đã đạt vượt số đại biểu cần thiết tại các vòng sơ bộ để được đề cử (Joe Biden) - gần nhất trước đó là khi Tổng thống Johnson rút vào 1968. Cũng là lần đầu tiên, sau hơn 50 năm, kể từ 1972, một trong hai đảng lớn ở Mỹ sẽ phải lựa chọn ƯCV Tổng thống không qua bầu cử sơ bộ, như đảng Dân chủ tìm người thay thế Biden.

Có lẽ một tháng vừa qua là thời điểm có nhiều biến động, sự cố nhất, đã làm đảo lộn cuộc đua vào Nhà Trắng. Khởi đầu là ngày 27/6, khi ông Biden có màn trình diễn yếu kém trong cuộc tranh luận với ông Trump, làm dấy lên những lo ngại về tuổi tác, sức khỏe của ƯCV này, khiến đảng Dân chủ phân hóa, mất lòng tin vào Biden và sức ép rất lớn đòi phải "thay ngựa giữa dòng".

Hai tuần sau, ngày 13/7, ông Trump bị mưu sát khi đang vận động tranh cử và chỉ thoát chết nhờ vào sự may mắn. Tại Đại hội đảng Cộng hòa ngay sau đó 2 ngày (từ 15-18/7), ông Trump đã trở thành biểu tượng người hùng, không chỉ của đảng mà còn của cử tri nước Mỹ.

Đại hội tôn vinh và đoàn kết nhất trí cao xung quanh ứng viên Donald Trump và chủ thuyết MAGA - Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại của ông. Đồng thời, đại hội cũng nhất trí đề cử cặp Trump - Vance để đối đầu với ông Biden. Một ƯCV Donald Trump và một đảng Cộng hòa tràn đầy khí thế và phấn khởi khi phần thắng dường như đã trong tay, trước một đối thủ Biden yếu kém, già nua, liên tục bị dẫn điểm trong các cuộc thăm dò dư luận quan trọng.

Với ông Biden, trong các lý do để quyết định rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng ngày 21/7, ngoài sức ép từ đảng Dân chủ, còn có lý do thực chất bên trong chính là bản thân ông cũng đã nhận thấy không còn "cơ" để có thể chiến thắng ông Donald Trump.

Quyết định rút lui của ông Biden đã tạo ra cục diện và hệ lụy rất khác, với cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Việc Tổng thống Biden rút lui khỏi cuộc đua không chỉ tạo ra khoảng trống đối với phía Dân chủ, mà còn đảo lộn kịch bản đã dự liệu của Trump và phía Cộng hòa.

Đảng Dân chủ "thay ngựa giữa dòng", đảng Cộng hòa mất mục tiêu: Biến số 270 vẫn chờ bất ngờ tháng 10

Với Dân chủ, dương nhiên việc "thay ngựa giữa dòng" là điều cực chẳng đã, nhất là khi cuộc đua đã ở vào thời điểm quyết liệt, chỉ còn 1 tháng là tới Đại hội của đảng Dân chủ và 4 tháng là tới bầu cử.

Nhưng không thay thì nguy cơ hiện hữu, không chỉ ở việc sẽ mất ghế Nhà Trắng, mà còn có thể mất cả đa số Hạ viện và Thượng viện vào tay Cộng hòa trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 sắp tới. Vì vậy, thay còn hơn không và còn có thể có cơ hội mới.

Trong khi đó, với Trump và Cộng hòa, nếu mọi trù tính lâu nay đều tập trung nhắm vào Biden và khai thác các điểm yếu của ông, như tuổi tác già nua, thì nay đã không còn nữa.

Trái lại, ông Trump bỗng trở thành ƯCV nhiều tuổi nhất và sẽ phải đối diện với một ƯCV Kamala Harris trẻ hơn gần hai thập kỷ, một phụ nữ da màu, năng động và không kém phần quyết liệt, với lợi thế có thể tranh thủ các bộ phận cử tri khác nhau như da màu, phụ nữ, giới trẻ và về các vấn đề như sức khỏe sinh sản, phúc lợi và các giá trị dân chủ.

Với Dân chủ và ứng viên tiềm năng, Phó Tổng thống Kamala Harris, ưu tiên hàng đầu là phải gấp rút củng cố và ổn định nội bộ.

Và trên thực tế, chỉ trong vòng 24 giờ, bà Kamala Harris đã làm được 2 kỳ tích lịch sử: một mặt đã quyên góp ngay được 81 triệu USD tiền vận động cho chiến dịch của mình, mặt khác cũng đã nhanh chóng giành được số đại biểu ủng hộ vượt xa mức cần thiết theo qui định của đảng Dân chủ để có thể trở thành ƯCV chính thức. Đây là điều chưa từng có.

Đến đầu tháng 8 vừa rồi, tức là sau chưa đầy hai tuần, đảng Dân chủ đã bỏ phiếu sơ bộ bằng trực tuyến và bà Kamala Harris đã được đại đa số phiếu đại biểu ủng hộ để trở thành ƯCV mới của đảng này. Và cũng chỉ trong vòng hai tuần, số tiền Harris quyên góp được cũng là kỷ lục, nay đã vượt trên 300 triệu USD.

Việc Tổng thống Biden rút lui và Phó Tổng thống đương nhiệm Kamala Harris trở thành ƯCV của Dân chủ thực sự đã tạo ra một cuộc đua mới đầy ẩn số, buộc cả hai phía đều phải điều chỉnh chiến lược tranh cử của mình.

Trên thực tế, bà Kamala Harris đã phải cùng lúc khẩn trương triển khai chiến dịch tranh cử mới do chính mình đứng tên với một loạt đầu việc: qui tụ sự ủng hộ của Dân chủ, tranh thủ các nguồn lực, đưa ra thông điệp mới của riêng mình và vận động tranh cử ở các địa phương.

Việc bà nhanh chóng được các nhân vật chủ chốt của Dân chủ ủng hộ, tạo ra thế mạnh cho bà vận động cử tri của đảng ở các địa phương, khi cuộc tái đấu trở lại.

Trên thực tế, chỉ 2 ngày sau khi ông Biden tuyên bố rút lui, bà Harris đã tiến hành ngay cuộc vận động đầu tiên ở bang Wiscosin - một trong những bang chiến trường rất quyết liệt. Đồng thời, trong mấy ngày qua, bà cũng đang gấp rút lựa chọn một ứng viên liên danh với mình trong cuộc đua sắp tới.

Đồng thời, bà Kamala Harris đã nhanh chóng định hình lại chiến lược và thông điệp tranh cử của mình, khác biệt so với ông Biden, để đối đầu với ông Donald Trump.

Ba điểm trong thông điệp của bà Kamala Harris:

Một là, lựa chọn "Tương lai-Giá trị" đối nghịch với "Quá khứ-Bất ổn", để nhắm vào ông Donald Trump, với một hồ sơ mới: một bên là sức trẻ, năng động (Harris 59 tuổi), trong khi ông Donald Trump đã 78, được cho là không có gì mới và gây chia rẽ nước Mỹ.

Hai là, lấy chủ đề "công tố đối lập tội phạm", để nhấn hồ sơ bà Harris từng là công tố viên, trong khi ám chỉ rằng ông Trump liên quan đến những rắc rối pháp lý.

Ba là, đẩy mạnh truyền thông, chuyển tải thông điệp tích cực về những thành tựu trong nhiệm kỳ mà 4 năm qua của Biden-Harris.

Trong cuộc đua mới này, rõ ràng cả hai phía, Cộng hòa và Dân chủ, mỗi bên đều có những điểm thuận nghịch mới, khác nhau, và không còn như trước nữa. Đây là điểm khác biệt của cuộc đua năm nay, với những ẩn số phức tạp còn ở phía trước, mặc dù chỉ còn hơn 3 tháng nữa là tới ngày bầu cử.

Phía Dân chủ, sau một thời gian "bi quan" vì sự thất thế của ông Biden, nay có phần lấy lại được niềm tin và sự hưng phấn, chí ít là có hi vọng mới, có thể đảo chiều được cuộc đua với ông Trump và đảng Cộng hòa.

Đảng Dân chủ "thay ngựa giữa dòng", đảng Cộng hòa mất mục tiêu: Biến số 270 vẫn chờ bất ngờ tháng 10

Cũng xin nhắc lại, Đại hội đảng Cộng hòa (15-18/7) kết thúc và nhất trí đề cử cặp Trump - Vance, cùng cương lĩnh của đảng, với trọng tâm chiến lược là nhắm vào ông Biden, trong khi chỉ 3 ngày sau, ông Biden bất ngờ công bố rút lui (ngày 21/7).

Lâu nay, ông Trump và đảng Cộng hòa tự tin, tập trung nhắm vào ông Biden, thì điều này giờ đây đã không còn nữa.

Nay ông Trump và đảng Cộng hòa phải đối diện với đối thủ mới, rõ ràng, có sự hụt hẫng và lúng túng nhất định. Vì vậy, phía Cộng hòa và ông Trump đã buộc phải chuyển hướng sang công kích từ ông Biden sang cá nhân bà Kamala Harris - nhưng điều này sẽ không hẳn hiệu quả như trước đây.

Như vậy, với việc Biden rút, không chỉ đảng Dân chủ bị ảnh hưởng, mà đảng Cộng hòa cũng đứng trước những thách thức mới - cả hai phía đều phải điều chỉnh chiến lược và gấp rút tranh thủ thời gian khi bầu cử ngày càng đến gần.

Câu hỏi đặt ra là, trong cuộc đua mới này, ai sẽ lợi thế hơn ai: Liệu ông Trump có tiếp tục giữ được việc dẫn điểm khá dài trước đây như khi đối đầu với ông Biden. Và liệu bà Kamala Harris, với sự hưng phấn mới, có thể đảo chiều được hay không, khi thời gian còn lại rất eo hẹp.

Đây là những câu hỏi khó. Câu trả lời sẽ phải quay trở lại cái gốc của bầu cử tổng thống ở nước Mỹ: Đó là ai sẽ có cơ lớn hơn để giành được 270 phiếu đại cử tri, cái lâu nay vẫn thường được quyết định ở các bang tranh chấp, nơi nhiều khi, chỉ bằng một đa số nhỏ, có thể làm đảo chiều cả cuộc đua.

Trước khi đi vào các kịch bản có thể có của cuộc bầu cử, cũng nên chia sẻ về một hiện tượng mới của năm nay: Sự hưng phấn mới, một khi có nhân tố bất ngờ mới.

Như khi ông Donald Trump trở thành người hùng sau vụ bị mưu sát, hay bà Kamala Harris bỗng trở thành ứng viên khi Dân chủ phải "thay ngựa". Những sự kiện này rõ ràng có tác động, nhưng sẽ chỉ là nhất thời, nếu các bên không có những biện pháp hiệu quả để duy trì. Nước Mỹ vẫn thường gọi đây là những "tuần trăng mật", đến rồi sẽ đi, khó có thể kéo dài.

Cuộc đua sắp tới sẽ còn đảo chiều ở chỗ, không thể chỉ là cuộc đấu chỉ trích cá nhân, mà đồng thời còn phải là "cuộc đấu chính sách", về những câu chuyện sát sườn với quan tâm và lợi ích của cử tri.

Vẫn là… ẩn số 270 đại cử tri

Với bầu cử tổng thống ở Mỹ, con số 270 vẫn luôn mang nhiều bí ẩn. Đó là số đại cử tri cần phải đạt để có thể trúng cử thành tổng thống.

Ở đây có hai điểm cần chú ý:

Một là, các bang được phân bổ số đại cử tri tương ứng với số đại biểu quốc hội (thượng viện và hạ viện), công với 3 đại biểu dành cho thủ đô (tổng cộng 538 đại cử tri, 270 là quá bán của số này).

Hai là, nguyên tắc ai giành đa số ở bang nào, thì được tất cả số đại cử tri của bang đó (trừ 2 bang Maine và Nebraska có thêm qui định ngoại lệ). Theo đó, trên thực tế, nhiều khi có được đa số phiếu phổ thông trên toàn liên bang, nhưng vẫn không trúng cử, do không giành được đủ số phiếu đại cử tri từ các bang (như bầu cử năm 2016, Donald Trump có số phiếu phổ thông toàn quốc ít hơn Hillary Clinton 2 triệu phiếu, nhưng vẫn chiến thắng, do đạt được đa số phiếu đại cử tri 304-227).

Cuộc đua mới, với cặp đối thủ Trump-Harris, hiện mới hơn hai tuần và cũng chỉ là mới bắt đầu. Tuy nhiên, các cuộc thăm dư luận sơ bộ cũng đã cho thấy một số điểm đáng chú ý. Thứ nhất, bà Kamala Harris, dù mới nhập cuộc, vẫn bám sát ông Donald Trump, thậm chí có lúc có nơi còn nhỉnh hơn.

Thứ hai, độ chênh giữa hai bên không nhiều, thường +/-2 điểm phần trăm, báo hiệu một cuộc đua gay go và còn nhiều ẩn số phía trước.

Thứ ba, cả hai hiện đều chưa vượt quá 50%, thường xoay quanh tỉ lệ 45-47%, cho thấy chưa bên nào vượt ngưỡng quá bán, đó là chưa kể các thăm dò dư luận còn có sai số.

Thứ tư, do tỉ lệ hai bên sát sao như vậy, nên cuộc đua sắp tới sẽ lại càng phụ thuộc vào các bang chiến trường, tức là những nơi tranh chấp, cử tri nơi đó không đứng hẳn về ủng hộ bên nào, nên các bên sẽ phải tập trung giành giật và tranh thủ.

Điều này báo hiệu cuộc đua phía trước còn rất quyết liệt và gay go với cả hai phía từ nay đến tháng 11. Ông Donald Trump hiện vẫn chưa thể bứt phá, sau kỳ đại hội của đảng Cộng hòa, như kỳ vọng, nên sẽ phải tiếp tục điều chỉnh chiến lược trước ứng cử viên mới của đảng Dân chủ.

Về phía Dân chủ, sự xuất hiện của bà Kamala Harris, thay ông Biden, có thể tạo ra sự hưng phấn mới với cử tri, hiện giữ được thế ngang ngửa với đối thủ, nhưng điều này sẽ không kéo dài và do phải nhập cuộc giữa chừng, nên sẽ càng phải khẩn trương tiếp cận cử tri chung và trên toàn tuyến, không chỉ với cử tri của Dân chủ.

Nỗi ám ảnh đa chiều của các cuộc thăm dò dư luận

Bên cạnh đó, câu chuyện thăm dò dư luận liên quan đến các cuộc tranh cử tổng thống, không chỉ có những sai số, mà có khi còn trái ngược với kết quả cuối cùng, như với cuộc bầu cử năm 2016.

Khi đó, cho tới sáng ngày bỏ phiếu (8/11/2016), các hãng thăm dò lớn vẫn đánh giá khả năng thắng của Hillary Clinton lên tới hơn 70%, nhưng cuối cùng kết quả ngược lại và Trump thắng.

Chiến thắng của ông Donald Trump là rất bất ngờ đối với toàn bộ nước Mỹ. Đến nay người ta vẫn còn tiếp tục phân tích bài học từ cuộc bầu cử này. Nhiều câu hỏi đặt ra, trong đó có cả việc, liệu có phải do dư luận đã đánh giá Trump quá thấp do ông vốn là người "ngoài luồng" (showbiz và doanh nghiệp), lần đầu tiên tham gia vào đấu trường chính trị nước Mỹ.

Có lẽ bài học đáng lưu ý nhất chính là: Bằng chủ nghĩa dân túy, Trump đã khơi dậy được bộ phận cử tri vốn chán ngán và phản kháng với chính trị dòng chính nước Mỹ, đặc biệt là các bang thuộc vùng "Vành đai Rỉ sắt" (Rust Belt).

Trước kia, đây vốn là khu vực chế tạo phồn vinh của nước Mỹ, nhưng đã trở hoang rỉ do các tập đoàn đa quốc gia Mỹ chuyển chế tạo ra bên ngoài, nhất là sang Trung Quốc, khiến cho nhiều cư dân ở đây bị thất nghiệp, khó khăn về cả kinh tế và xã hội.

Thăm dò dư luận khi đó đã không phát hiện được điều này, những người âm thầm, không bày tỏ chính kiến, nhưng một khi họ đã đi bỏ phiếu, thì có thể làm đảo chiều các dự đoán, nhất là khi cuộc đua có sự cạnh tranh sát sao giữa các ứng viên.

Còn với cuộc bầu cử năm 2020, giữa hai ông Trump và Biden, thì các cuộc thăm dò dư luận lại khá chính xác. Trước hết, dự báo được xu thế đảo chiều giữa Trump và Biden, trước tác động của đại dịch Covid.

Ông Trump từ lợi thế tổng thống đương nhiệm, với thành tích kinh tế (tăng trưởng hơn 3%) và đối ngoại được nhìn nhận, khi phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, bỗng trở nên bất lợi, khi chủ quan và lúng túng xử lý Covid, làm người dân bất mãn vì cuộc sống bị cách ly, đảo lộn, sản xuất đình trệ…

Từ thế thượng phong, ông Trump cuối cùng lại nhận một kết cục thất bại.

Thứ hai, theo khá sát sự chuyển hướng ở các bang tranh chấp, dù tỉ lệ thăm dò nhiều khi rất sát sao, nhưng lại là các bang có vai trò quyết định sự thắng thua của các ứng cử viên.

Cuộc đua "3 trong 1": Liệu có xảy ra "bất ngờ tháng 10"

Bầu cử 2024 là một cuộc đua "3 trong 1", vì không chỉ có việc giành ghế ở Nhà Trắng, mà còn các cuộc ganh đua để giành đa số ở hai viện Quốc hội, Thượng viện và Hạ viện. Đây là những cơ chế quan trọng hàng đầu trong cán cân quyền lực của nước Mỹ.

Dịp bầu cử này, sẽ bầu lại 1/3 Thượng viện và toàn bộ Hạ viện. Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ chắc chắn cũng sẽ đẩy mạnh vận động ở các cuộc đua này, vì tỉ lệ chênh lệch giữa 2 bên hiện rất sát sao. Ở Thượng viện, hai đảng cân bằng, mỗi bên có 50/100 thượng nghị sĩ và đảng Dân chủ chỉ có thể giữ được đa số với cái lá phiếu quyết định của Chủ tịch Thượng viện là đương kim Phó tổng thống Kamala Harris. Trong khi đó đảng Cộng hòa kiểm soát đa số ở Hạ viện, nhưng độ chênh cũng chưa đầy 10 ghế (220-212). Với mỗi bên, chỉ một chút sao nhãng, sẽ có thể dẫn tới việc mất quyền kiểm soát của mình.

Đảng Dân chủ "thay ngựa giữa dòng", đảng Cộng hòa mất mục tiêu: Biến số 270 vẫn chờ bất ngờ tháng 10

Lựa chọn phó tướng là điều quan trọng, không chỉ là liên danh, mà còn phải tạo thêm những điểm cộng lớn hơn cho chiến dịch tranh cử của bà Kamala Harris.

Về phần mình, bà Kamala Harris chắc chắn sẽ tận dụng việc lựa chọn liên danh ứng viên Phó Tổng thống (có thể sẽ công bố trong một hai ngày tới) và Đại hội đảng Dân chủ sắp tới (19-22/8) để phát huy đà mới và mở rộng cơ sở ủng hộ của mình.

Thông thường, bà Harris sẽ phải tìm một phó tướng dựa trên mấy điểm: là nhân vật chủ chốt và có uy tín trong đảng, chia sẻ và thể hiện các chủ thuyết tranh cử của bà, và bổ khuyết cho những điểm còn yếu của mình, như gần với dòng chính của đảng Dân chủ, vì bản thân bà được đánh giá là thuộc phái thiên tả.

Thêm nữa, dường như bà Harris đang hướng tới việc tìm một nhân vật như vậy từ các bang chiến trường, chẳng hạn như thống đốc hay là một thượng nghị sĩ ở các bang này, thì điều này sẽ tạo thêm sức nặng cho bà Harris trong cuộc tranh đua với ông Trump ở các bang cọ xát gay go này.

Một số cái tên đang nổi lên như Thượng nghị sĩ Mark Kelly (Arizona) thống đốc Josh Shapiro (Pennsylvania), Roy Cooper (North Carolina) và Andy Beshear (Kentucky)… là những người mà bà Kamala Harris đang lựa chọn một để làm phó tướng của mình. Và ngay ngày 6/8, bà Harris đã công bố lựa chọn của mình. Đó là Thống đốc bang Minnesota Tim Walz.

Với những tín hiệu như vừa đề cập, cuộc đua sắp tới sẽ là một cuộc đấu gay go và còn nhiều ẩn số, cho tới tận phút cuối từ nay đến bầu cử vào đầu tháng 11/2024.

Nhân đây, cũng xin chia sẻ thêm rằng, các bang được gọi chiến trường vì họ có thể đảo chiều khi ủng hộ Dân chủ, khi ủng hộ Cộng hòa, để so với các bang kiên định hơn trong ủng hộ một bên.

Các bang này không nhất thiết cố định nhưng thường tập trung ở các các vùng được gọi là "Vành đai Rỉ sắt" (Rust Belt) và "Vành đai Mặt trời" (Sun Belt). Việc hình thành các bang kiên định Xanh - Đỏ nêu trên cũng chỉ mới có lịch sử khoảng hơn ba thập kỷ, từ đầu những năm 1990 (bắt đầu từ cuộc bầu cử 1992, với sự thắng cử của Tổng thống Bill Clinton).

Nói như vậy, để chú ý, nếu mỗi bên chỉ dựa vào các bang ủng hộ mình, thì sẽ không thể đạt đủ số 270 đại cử tri cần thiết để trúng cử. Vì vậy, bên nào cũng luôn cần phải tranh thủ các bang "lung lay" này.

Và cuộc bầu cử 2024 lần này cũng vậy, chắc chắn cả hai bên Trump và Harris sẽ đều phải tập trung vào các bang được gọi là tranh chấp, để có thể giành được 270 phiếu đại cử tri cần thiết.

Dù cuộc đua Trump-Harris mới chỉ bắt đầu nhưng rõ ràng đã bước ngay vào giai đoạn rất quyết liệt giữa hai bên. Vì vậy, thời gian tới, với không đầy 100 ngày còn lại, chắc chắn sẽ vẫn còn nhiều kịch tính và những điều đáng theo dõi.

Với tình hình tranh cử sát sao như hiện nay và trong bối cảnh nước Mỹ ngày càng phân hóa chính trị, thì cuộc đua sắp tới sẽ càng quyết liệt và vẫn tập trung ở một số bang chiến trường, trong vòng 10 bang, thuộc hai vành đai "Rust Belt" (như Michigan, Pennsylvania, Wiscosin …) và "Sun Belt" (như Georgia, Arizona, Nevada…).

Hiện các cánh cửa dẫn tới Nhà Trắng vẫn đang để ngỏ đối với cả hai phía ông Trump và bà Harris. Điều có ý quyết định là ai sẽ giành được phần hơn ở các bang chiến trường, tranh thủ được sự ủng hộ của các cử tri do dự và trung lập ở các khu vực này.

Đảng Dân chủ "thay ngựa giữa dòng", đảng Cộng hòa mất mục tiêu: Biến số 270 vẫn chờ bất ngờ tháng 10

Mặt khác, phút thứ 89 chưa phải là hết trận. Càng sát ngày bầu cử, sẽ càng có thể xảy ra những điều bất ngờ hoặc sự cố rủi ro, điều mà nước Mỹ vẫn thường nhắc nhở - "Bất ngờ tháng 10" - tháng ngay trước bầu cử, khi các bên không còn đủ thời gian để xoay sở hoặc khắc phục.

Trong chưa đầy 100 ngày sắp tới, chắc chắn sẽ còn những diễn biến kịch tính và nhiều điều đáng xem xét, khi phía trước của cuộc bầu cử vẫn là những ẩn số.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả