menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Khả Ngân

Đàn ông mua cổ phiếu, phụ nữ sắm túi hiệu

Trong thập kỷ qua, túi xách thường xuyên lọt vào top 5 bảng xếp hạng các khoản đầu tư xa xỉ hàng năm do Knight Frank tổng hợp. Đặc biệt, qua 2 năm đại dịch Covid, túi xách hàng hiệu đứng đầu trong danh sách 10 khoản đầu tư xa xỉ phổ biến, với mức tăng trưởng từ 17% so với cùng kỳ các năm trước...

Khi nền kinh tế diễn ra những biến động khó lường, việc mỗi người tìm cho mình một kênh đầu tư an toàn là điều hiển nhiên. Chưa bao giờ kinh nghiệm mua hàng hiệu kiếm lời lại trở thành tin tức được quan tâm như thời gian gần đây. Nguyên nhân cũng bởi một số hãng như Chanel, Hermès, Louis Vuitton... thông báo tăng giá, khiến nhiều phụ nữ "nhẩm tính" và phát hiện ra có một kênh đầu tư dành riêng cho mình, đó là những chiếc túi xách hàng hiệu.

“MỎ VÀNG” TRONG TỦ QUẦN ÁO

Trước đây, những chiếc túi xách hàng hiệu đắt tiền bị cho là phù phiếm và việc vung tiền chi cho những món đồ này không được coi là cách tiêu tiền thông minh. Nhưng giờ đây, mọi sự đã khác. Thực tế là trong vòng 2 năm qua, giá một số mẫu túi cổ điển của Chanel đã tăng gần 25%. Các “ông lớn” khác như Hermes, Louis Vuitton, Gucci đều có những sự thay đổi nhất định về giá sản phẩm của mình, dao động từ 13 - 29%/ mẫu sản phẩm.

Đặc biệt hơn, đối với những chiếc túi kinh điển như Louis Vuitton Speedy, Hermes Kelly, Chanel Boy… dân tình hoàn toàn có thể kiếm bộn tiền so với giá từng mua, nếu bán lại. Trào lưu thời trang bền vững cùng sự phát triển thương mại điện tử thời đại dịch đã giúp các phụ nữ sành điệu dễ dàng săn tìm, trao đổi các sản phẩm hàng hiệu vốn được sản xuất với số lượng giới hạn. Vô tình, nhiều phụ nữ “nghiện” mua sắm phát hiện ra họ đang giữ một “mỏ vàng” thực sự trong tủ quần áo.

Chính nhờ sự tác động qua lại giữa phụ nữ và thị trường đó nên năm vừa qua, nhà mốt Dior đã mạnh tay khai thác tiếp kho lịch sử họa tiết và thắng liên tục với các túi monogram cổ điển, vượt qua Gucci từng làm mưa làm gió trước đó mấy mùa liền. Lấy ví dụ chiếc Dior vintage saddle bag vào năm 2016 với giá chỉ 1,5 triệu đồng thì đến năm 2018 chiếc túi này được mua bán lại với giá 9 triệu đồng, tăng 600% và cho đến năm 2022 giá mua bán lại đã vào khoảng 12 đến 15 triệu đồng, tăng 1.000%.

Những người trong giới kinh doanh túi xách hàng hiệu đánh giá rằng đây là một xu hướng mới nhưng không bất ngờ. Bởi từ trước tới nay, túi xách đắt tiền luôn có thị trường rộng lớn, đặc biệt giờ đây, người ta không chỉ chuộng đồ mới, mà còn chuộng cả đồ “vintage” - cổ điển xưa cũ. Bên cạnh đó, ngay cả khi nền kinh tế trải qua những biến động hoặc gặp khó khăn, thì những món đồ xa xỉ vẫn giữ nguyên ý nghĩa biểu trưng cho sự giàu có, thượng lưu và vì vậy không chịu ảnh hưởng bởi những biến động suy thoái.

Tresor Anne Tan, CEO của HuntStreet – trang giao dịch các sản phẩm xa xỉ đã qua sử dụng, cho biết: "Tâm lý ngại mua và bán các sản phẩm xa xỉ second hand đã dần mờ nhạt, đặc biệt là ở châu Á. Người tiêu dùng ngày nay nhìn chung theo dõi mức giá sát sao hơn và cũng có ý thức về thời trang hơn, về những thứ mà họ sẽ mua và sử dụng".

Bên cạnh sự "độc nhất vô nhị" và chất lượng của sản phẩm, yếu tố văn hóa cũng đóng vai trò quan trọng. Bà Anne Tan cho hay: "Nền văn hóa đại chúng nói chung và Kpop nói riêng cũng đóng một phần quan trọng trong việc thúc đẩy nhu cầu mua sắm đồ hiệu. Thậm chí, nền tảng TikTok được sử dụng rất nhiều trong thời kỳ đại dịch cũng tạo thành xu hướng đối với một số mẫu mã nhất định".

PHẢI CÓ ĐỦ HIỂU BIẾT MỚI LÊN “SÀN GIAO DỊCH”

Năm ngoái, lần đầu tiên có một báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu Thị trường nghệ thuật (Art Market Research - AMR) chứng minh rằng những chiếc túi xách sang trọng, vốn dùng để giữ tiền, có khả năng đem lại cho người sở hữu nhiều tiền hơn nữa.

“Đây là hạng mục sưu tầm phát triển nhanh nhất và cũng là hạng mục đầu tiên có phụ nữ là động lực thúc đẩy chính,” CEO của AMR, Sebastian Duthy nói. “Thị trường thứ cấp cho túi xách đã trở nên phổ biến đến mức một số túi hàng hiệu mới toanh đang được bán đấu giá với số tiền gấp 2,5 lần giá niêm yết”.

Thực tế là trong vòng 2 năm qua, giá một số mẫu túi cổ điển của Chanel đã tăng gần 25%. Các “ông lớn” khác như Hermes, Louis Vuitton, Gucci đều có những sự thay đổi nhất định về giá sản phẩm của mình, dao động từ 13 - 29%/ mẫu sản phẩm.

Thật vậy, chỉ cần nhìn vào danh sách của AMR về 10 chiếc túi Hermès đắt nhất được bán đấu giá, là có thể thấy rõ ràng số tiền có thể kiếm được từ hạng mục này. Nghiên cứu chỉ ra rằng túi Birkin có giá trị gia tăng 42% trong năm qua, trong khi trung bình các tác phẩm nghệ thuật của Banksy chỉ tăng 23%. Vì vậy, nếu đặt 2 hạng mục trên lên bàn cân, tác phẩm nghệ thuật đường phố nổi tiếng nhất thế giới cũng chẳng là gì so với túi xách Birkin.

Tại Việt Nam, thị trường bán - buôn đồ xa xỉ cũng diễn ra vô cùng sôi động. Sự thay đổi về giá cả và một số chi tiết về mẫu mã khiến những chiếc túi hiệu tưởng chừng "tiêu sản" lại trở thành món hời với nhiều người và nhanh chóng được xem như một xu hướng đầu tư mới. Chỉ cần gõ tên những thương hiệu đắt đỏ trên khung tìm kiếm là có thể dễ dàng tìm ra hàng tá những group kín trên mạng xã hội chuyên kinh doanh những món đồ hiệu sang tay này.

Thế nhưng, đầu tư vào đồ xa xỉ cũng đi kèm nhiều rủi ro. Hình thức này hoàn toàn không phù hợp với những người ít vốn, sống dựa trên thu nhập cá nhân hay mới bắt đầu làm quen với đồ hiệu. Tùy thuộc vào ảnh hưởng văn hóa, độ phổ biến và hình ảnh thương hiệu, một món đồ hiệu có thể lên hay xuống giá bất ngờ, dẫn đến thua lỗ. Chưa kể, trong hầu hết các trường hợp, giá bán lại của một món đồ xa xỉ phụ thuộc vào mức độ bảo quản của chủ sở hữu. Muốn có lời nhiều, chi phí bảo dưỡng, và "spa" cho đồ xa xỉ không hề nhỏ.

Đàn ông mua cổ phiếu, phụ nữ sắm túi hiệu
Tác phẩm nghệ thuật đường phố nổi tiếng nhất thế giới cũng chẳng là gì so với túi xách Birkin.

Tiếp đến, người đầu tư phải tiếp cận được sự khan hiếm của sản phẩm. Vì sao túi xách Hermès Birkin và Kelly đắt đỏ? Vì để được mua túi, bạn phải là thành viên VIP lâu năm của thương hiệu, có mối quan hệ tốt với người bán hàng, rồi bạn mới được họ “đề bạt” vào danh sách “được quyền” mua Birkin và Kelly… Các sản phẩm phiên bản giới hạn, sản xuất ở số lượng ít, có khả năng cháy hàng… cũng được đón nhận tương tự.

Một yếu tố quan trọng cần xem xét là không phải tất cả các túi xách hiệu đều sẽ tăng giá. Chỉ một số túi xách nhất định mới có tiềm năng tăng giá, người đầu tư phải có gu thẩm mỹ và nhìn trước được xu hướng. Ông Sebastian Duthy, Giám đốc điều hành của Art Market Research, chuyên theo dõi giá của các mặt hàng xa xỉ cho biết: “Thị trường túi xách thứ cấp cho tôi thấy rằng đó không phải là nơi để kiếm tiền nhanh chóng. Nếu bạn chỉ mua theo người khác, rất có thể bạn sẽ bị mất tiền. Ngoài ra, bạn phải có “ví dày” rồi đi đến phân khúc cao nhất của thị trường chỉ để bắt đầu học hỏi”.

Tóm lại, đầu tư hàng hiệu không phải là cuộc thi thố xem ai dám vung tiền nhiều nhất, mà nó là một cuộc chiến xem ai mới là người biết nắm lấy cơ hội, có hiểu biết vững chắc về các nguyên tắc đầu tư, thông tin sản phẩm và thị trường. Nếu thiếu một trong các yếu tố đó, hãy chọn hình thức đầu tư khác ít rủi ro, mạo hiểm hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại