Dân giàu nước mạnh
Khát vọng “Việt Nam hùng cường”, hay nói đầy đủ là mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng vào năm 2045, vốn chỉ là một cách nói để “hâm nóng” lại triết lý dân giàu, nước mạnh, vốn đã được nói đến hàng thế kỷ.
Phải chăng đó là vì chiến lược xem khu vực kinh tế Nhà nước với các tập đoàn, tổng công ty khổng lồ đóng vai trò dẫn dắt, trụ cột cho nền kinh tế đã thực sự thất bại. Suốt một thời gian dài, qua nhiều đợt cải cách, các doanh nghiệp nhà nước vẫn không hiệu quả, đảm đương được vị thế trụ cột cho nền kinh tế.Thế nhưng tại sao mãi cho đến những năm gần đây, đặc biệt là trong nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ thì chủ trương này mới được quyết liệt thực hiện và vai trò của khu vực kinh tế tư nhân thực sự được tô đậm, nâng tầm mạnh mẽ.
Đại dịch Covid-19 vừa qua đã thực hiện một bài kiểm tra khắc nghiệt để xem đâu mới là rường cột thực sự của kinh tế nước nhà.
Hơn 3 thập niên kể từ khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa và hội nhập, khu vực tư nhân cũng đã tự thân khởi nghiệp bằng chính sự thôi thúc của tinh thần doanh nhân chứ không phải những phong trào “start-up” hoành tráng, đình đám như bây giờ.
Trải qua nhiều sóng gió, xuất phát từ chỗ không được thừa nhận, rồi bị hạn chế, nhiều lần vấp ngã rồi gượng dậy, thất bại để vươn lên. Đó là còn chưa so sánh với những sự ưu ái, bảo bọc từ bầu sữa ngân sách cho đến các thể chế đặc thù mà các doanh nghiệp nhà nước từ lâu đã thụ hưởng.
Từ khi Covid mới bắt đầu lây lan mất kiểm soát ở Vũ Hán thì các doanh nghiệp tư nhân đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình tác động sắp tới. Họ còn đưa ra các kịch bản với các mức độ ảnh hưởng tiêu cực từ thấp đến cao để có giải pháp đối phó và thậm chí là thích ứng.
Từ chuyện làm sao để chủ động nguồn nguyên vật liệu, chuyển đổi kênh phân phối, đáp ứng các thay đổi trong hành vi khách hàng cho đến chuyện chăm lo cho sức khỏe nhân viên lẫn chuyện hỗ trợ đời sống cho họ nếu lỡ như mọi thứ trở nên tồi tệ. Họ chưa từng xin một cơ chế hỗ trợ nào và thực sự cũng chưa nhận được bất cứ trợ giúp nào nếu nhìn ở bình diện chung của nền kinh tế.
Vì vậy, để dân giàu và nước mạnh, thiết nghĩ cần có nhiều kế hoạch hành động hơn chỉ là lời nói. Những khuyến nghị sau được lắng nghe kỹ lưỡng cần có chiến lược để hóa thành thể chế, truyền dẫn vào cuộc sống hơn là những hội nghị thường niên. Cốt lõi của vấn đề đó là trao cho khu vực kinh tế tư nhân đúng thứ họ đang cần.
Hiểu rõ và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu đó sẽ là một động lực to lớn để thúc đẩy thành phần kinh tế này phát triển, đó cũng là trách nhiệm chung của toàn xã hội để đổi mới mô hình kinh tế, phù hợp với các xu hướng phát triển của giai đoạn mới.
Đương nhiên là doanh nghiệp đang cần rất nhiều thứ, nhưng cái quan trọng nhất chính là việc được nhìn nhận và đối đãi đúng với tầm quan trọng của họ đối với sự phát triển và thịnh vượng của đất nước, của dân tộc.
Vai trò của doanh nghiệp và tầng lớp doanh nhân, chủ yếu là khu vực tư nhân cần được thừa nhận một cách thẳng thắn chính là rường cột của nền kinh tế nước nhà, là lực lượng tiên phong và nòng cốt trong trận chiến chống suy thoái kinh tế lẫn động lực tăng trưởng và làm giàu cho đất nước.
Chính Thủ tướng đã nhìn nhận trong hội nghị được tổ chức vào ngày 6-3 vừa qua tại TPHCM khi nhìn nhận các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn và đang nỗ lực đầu tư vào nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo là hạt nhân chính để hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cường.
Vì vậy, chính lúc này cần có một sự thay đổi rõ rệt nếu không muốn nói là một cuộc cách mạng trong tư duy và nhận thức về vai trò cho đến chính sách của Nhà nước đối với doanh nghiệp và doanh nhân.
Tất cả cần được bắt đầu bằng việc thẳng thắn nhìn nhận và đi đến quyết tâm thay thế luận điểm về vai trò trụ cột, dẫn dắt nền kinh tế của khu vực nhà nước sang khu vực tư nhân. Đó sẽ là quyết tâm cao nhất để hiện thực hóa chủ trương dân giàu và nước mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận