Dân Canada quay cuồng với mối lo “cơm áo gạo tiền"
Dù đứng thứ 11 trên bản đồ kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều người dân ở “xứ sở lá phong” vẫn đang quay cuồng với mối lo “cơm áo gạo tiền”.
Sản phẩm gỗ mềm xẻ của Canada. Ảnh: CBC/TTXVN
Theo một nghiên cứu mới đây của Cơ quan Thống kê Canada, mặc dù là một quốc gia được đánh giá là thịnh vượng, đứng thứ 11 trên bản đồ kinh tế toàn cầu, nhưng nhiều người dân ở “xứ sở lá phong” vẫn đang quay cuồng với mối lo “cơm áo gạo tiền”.
Trên "mặt trận" tài chính, Canada là một trong những nước được đánh giá là “may mắn” nhất thế giới kể từ cuộc Đại suy thoái: lãi suất thấp, giá nhà tăng mạnh tại nhiều thành phố, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ đủ để đưa tỷ lệ thất nghiệp xuống mức cực thấp mà không kích thích lạm phát.
Cơ quan thống kê Canada cho biết nền kinh tế đã tạo được 369.000 việc làm trong 12 tháng qua, trong đó có 266.000 việc làm toàn thời gian. Nhưng một nghiên cứu mới đây của công ty phân tích Seymour Consulting lại cho thấy gần một nửa số người Canada bị mất ngủ là do lo lắng về tình hình tài chính cá nhân. Đáng chú ý, gần 4 trong số 10 người được khảo sát cho rằng các mối lo về tiền bạc ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.
Một báo cáo do nhà nghiên cứu Guy Gellatly và chuyên gia kinh tế Elizabeth Richards đồng thực hiện đã thổi bùng lên những cuộc tranh luận về tình trạng bất bình đẳng thu nhập tại Canada. Nghiên cứu cho thấy tài sản trong xã hội đã tăng nhanh rõ rệt, trong khi tỷ lệ nợ/thu nhập tại Victoria, Vancouver và Toronto đang “chạy ra ngoài khuôn khổ” so với các khu vực còn lại của Canada.
Một thống kê khiến nhiều người “giật mình” là 8,4% các gia đình ở Canada chỉ nắm trong tay chưa đến 500 CAD (8,6 triệu đồng) tài sản ròng. Và mặc dù thói quen vay mượn để chi tiêu của người dân Canada có thể “nguội” đi, nhưng nợ hộ gia đình vẫn đang phình lên. Tỷ lệ nợ/thu nhập của hộ gia đình tại Canada tiếp tục tăng trong nhiều năm sau cuộc suy thoái.
Đặc biệt, tỷ lệ này tăng mạnh trong năm 2015 và 2016, khi tốc độ tăng của thu nhập bị chậm lại do nền kinh tế phải điều chỉnh theo giá dầu hạ. Hiện tỷ lệ nợ/thu nhập của Canada cao hơn tới 20% so với hồi cuối năm 2007.
Những thống kê gây sốc: tỷ lệ nợ/thu nhập của hộ gia đình ở Victoria, Vancouver và Toronto đứng ở mức tương ứng 240%, 230% và 210% trong năm 2016, vượt xa mức trung bình tính trên toàn Canada là 165%.
Giới chuyên gia nhận định phần lớn nợ có “nguồn gốc” từ các chương trình hỗ trợ sinh viên, các khoản cho vay mua ô tô và thẻ tín dụng. May mắn là xu hướng tăng lãi suất nay đã dừng lại và tăng trưởng việc làm là điểm sáng trong nền kinh tế Canada. Nhưng nếu xuất hiện các dấu hiệu cho thấy hai nhân tố này “loạng choạng” thì gánh nặng nợ nần có thể sẽ trở thành một vấn đề lớn hơn đối với nền kinh tế.
Trong khi đó, bức tranh kinh tế của Canada năm 2019 được dự báo không mấy tươi sáng. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quyết định hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Canada trong năm 2019 xuống 1,9%, trong khi mức dự báo được công bố hồi tháng 10/2018 là 2%.
Tuy nhiên, hiện hầu hết các chuyên gia kinh tế và cả Ngân hàng trung ương Canada đều không dự báo về nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế này. Khả năng kinh tế Canada suy thoái trong 12 tháng tới chỉ khoảng 20%, theo khảo sát của Bloomberg.
Số người Canada chỉ còn lại chưa đầy 200 CAD (3,4 triệu đồng) sau khi trả nợ mỗi tháng đã tăng lên mức 48%, so với mức 46% của quý trước. Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính của nhiều người dân Canada đang xấu đi.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Ipsos, 35% người dân Canada cho biết lãi suất nếu bị tăng có thể đẩy họ đến chỗ phá sản, trong khi 54% lo ngại về khả năng hoàn trả nợ của mình.
Chủ tịch công ty MNP Ltd, Grant Bazian nhận định người dân Canada dường như không có kế hoạch thực tế để hoàn trả các khoản vay. Tình trạng này làm dấy lên câu hỏi nợ tiêu dùng sẽ được hoàn trả như thế nào, nếu các điều kiện kinh tế xấu đi hay lãi suất tăng. Ngân hàng trung ương Canada đã nâng lãi suất ba lần trong năm ngoái, đưa lãi suất chủ chốt lên mức 1,75% vào tháng 10/2018 và giữ ổn định ở mức này.
Cho dù nền kinh tế tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, nhiều người Canada tiếp tục chồng chất thêm nợ. Khoảng 4 trong 10 người tham gia khảo sát của MNP cho biết họ không thể kham nổi toàn bộ chi phí sinh hoạt cho gia đình trong 12 tháng tới mà không phải vay mượn thêm.
Theo ông Bazian, vấn đề không đơn giản là việc người dân đang tiêu xài quá khả năng của họ. Một thực tế là nhiều hộ gia đình không kiếm đủ tiền để sống mà không phải vay nợ, dù họ đã nỗ lực.
Theo khảo sát, mối lo không trả được nợ tăng mạnh nhất trong nhóm dân cư sống tại bốn tỉnh New Brunswick, Nova Scotia, Prince Edward Island và Newfoundland and Labrador, với 55% cho biết họ chỉ cách “bờ vực phá sản” 200 CAD hoặc ít hơn, tăng 10 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát hồi tháng 12/2018. Con số này là 51% đối với người dân sống ở Quebec và 48% đối với người dân ở Ontario.
Ủy ban Ngân hàng, Kinh doanh và Thương mại của Thượng viện Canada trong báo cáo mới đây cũng đã thừa nhận là một thập kỷ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tấn công nền kinh tế thế giới, những rủi ro đối với khu vực tài chính của Canada vẫn còn tồn tại.
Theo ủy ban trên, Canada thành công hơn nhiều cường quốc trong việc đối phó với khủng hoảng và tiếp tục “sở hữu” một trong những hệ thống tài chính vững mạnh nhất thế giới. Thế nhưng, những nhân tố như hoạt động tài chính ngầm, rủi ro an ninh mạng, nợ hộ gia đình ở mức cao,…có thể gây nguy hiểm cho “sức khỏe” tài chính của Canada. Ngân hàng trung ương Canada đánh giá nợ hộ gia đình và tình trạng mất cân bằng trên thị trường nhà đất là nguồn rủi ro chính đối với hệ thống tài chính.
Một trong những nỗi “thất vọng” lớn đối với nền kinh tế là tỷ lệ thất nghiệp thấp đã không thể khiến lương tăng mạnh. Chuyên gia kinh tế Armine Yalnizyan cho biết, mức tăng trưởng lương trung bình thấp hơn tỷ lệ lạm phát trong năm 2018 và trên thực tế đã chậm lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.
Canada đang cần người tiêu dùng vay mượn và chi tiêu. Theo chuyên gia Yalnizyan, 57% GDP phụ thuộc vào sức tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ của hộ gia đình.
Đảng Tự do đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015 với cam kết hỗ trợ tầng lớp trung lưu và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Sau khi lên nắm quyền, đảng Tự do đã giảm thuế đối với người có thu nhập trung bình, đưa ra các biện pháp nhằm giảm tỷ lệ đói nghèo ở trẻ em,…
Nhưng tình hình hiện nay cho thấy đảng Tự do có thể gặp khó khăn khi tự gán cho mình “mác” đấu tranh cho tầng lớp trung lưu trong cuộc tổng tuyển cử năm nay. Cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10 tới sẽ là phép thử để cân đo xem tình hình tài chính gây căng thẳng cho người dân Canada thế nào và họ trông chờ gì vào các chính trị gia.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận