Dân bị lừa mua nhà xây trái phép
Gần chục hộ dân có hoàn cảnh khó khăn tại tổ 130, phường Hoà Minh, quận Liên Chiểu, TP Ðà Nẵng thấp thỏm lo âu vì bị lừa mua phải nhà xây trái phép, buộc phải tháo dỡ. Trong các loại giấy tờ người dân được giao khi mua nhà trái phép có xác nhận của lãnh đạo địa phương từ năm 2000; công an đang xác minh.
Theo phản ánh của các hộ dân, từ năm 2021 qua thông tin giới thiệu, có 8 hộ dân đã mua nhà xây dựng hoàn chỉnh, có đường bê tông, có điện, nước đầy đủ tại tổ 130, để ở từ đó đến nay.
Đầu tháng 8, UBND phường Hòa Minh ra thông báo về việc xử lý công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, các hộ dân mới biết đã bị lừa mua phải nhà xây dựng trái phép và gửi đơn đề nghị lên cơ quan chức năng của thành phố.
Gia đình ông Trần Văn Cây (72 tuổi, trú tại tổ 130) có 6 nhân khẩu mua lại căn nhà 90m2 của ông Nguyễn Sanh (trú tại tổ 95, phường Hoà Minh) với giá 950 triệu đồng. Do hoàn cảnh khó khăn, để có đủ tiền, gia đình phải vay mượn khắp nơi. Khi mua nhà, ông Sanh cung cấp cho gia đình ông Cây các giấy tờ liên quan như: đơn xin xác nhận có nhà ở do UBND phường Hòa Minh xác nhận ngày 7/8/2017, đơn xin giao đất xây nhà ở cũng do UBND phường Hòa Minh xác nhận ngày 6/4/2000, cùng hợp đồng điện, nước đầy đủ.
“Thấy nhà xây kiên cố, giấy tờ có dấu đỏ xác nhận của chính quyền địa phương nên chúng tôi tin tưởng. Chúng tôi đã bị lừa mua nhà trái phép, chỉ mong cơ quan chức năng giúp người dân tháo gỡ”, ông Cây nói.
Tương tự, từ tháng 2/2021, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền (44 tuổi) gom góp, vay mượn mua nhà được xây dựng kiên cố, khang trang tại cùng thửa đất trên từ ông Nguyễn Tấn Hùng (trú tại phường Hòa Minh) với giá 760 triệu đồng. Khi mua nhà, chị Tuyền cũng được giao các loại giấy tờ tương tự của gia đình ông Cây.
Là mẹ đơn thân, nuôi con nhỏ và mẹ già đau yếu, chị Tuyền than thở, nếu phải dỡ nhà, gia đình không biết sống như thế nào.
“Họ xây nhà trái phép nhưng từ đầu chính quyền không phát hiện xử lý. Do bức xúc về chỗ ở và thiếu hiểu biết pháp luật, chúng tôi đã bị lừa”, chị Tuyền bức xúc.
Khu vực tổ 130 nằm trong quy hoạch giải tỏa để làm đường vành đai số 2 đã được đo đạc, kiểm kê. Tổng cộng có 8 nhà được chính quyền phát hiện xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, phải cưỡng chế, tháo dỡ. Theo lãnh đạo UBND phường Hòa Minh, lợi dụng thời điểm chính quyền lo tập trung lực lượng phòng chống dịch COVID-19 nên một số người đã xây dựng nhà trái phép và bán lại cho người dân. Do khu vực này xa khu dân cư, địa bàn rộng nên việc xây dựng trái phép không được phát hiện xử lý từ đầu. Sau dịch COVID-19, đi kiểm tra chính quyền mới phát hiện sự việc.
Công an vào cuộc
Trong số các giấy tờ, người dân nhận khi mua nhà trái phép có đơn xin giao đất xây nhà ở có dấu đỏ của UBND phường kèm chữ ký của ông Đàm Quang Hưng (Chủ tịch UBND phường Hòa Minh) từ năm 2000. Ông Hưng sau đó giữ chức Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu. Tháng 5/2022, ông Đàm Quang Hưng bị khởi tố, bắt giam để điều tra về hành vi “Nhận hối lộ” trong một vụ việc ông Hưng bị tố cáo trực tiếp nhận tiền “lót tay” với một số tiền lớn từ bà Trần Thị Phương Dung (sinh năm 1974, trú phường Thanh Bình, quận Hải Châu) để xử lý hồ sơ đất đai có nguồn gốc mua bán trái quy định pháp luật. Bà Dung đã bị khởi tố, bắt tạm giam trong một vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Ngày 23/10, trao đổi với phóng viên, ông Ðinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, cho biết, cơ quan công an đang vào cuộc xác minh các loại giấy tờ mà người dân tổ 130 nhận được khi mua phải nhà xây dựng trái phép.
Ngày 23/10, trao đổi với phóng viên, ông Đinh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, cho biết, cơ quan công an đang vào cuộc xác minh các loại giấy tờ mà người dân tổ 130 nhận được khi mua phải nhà xây dựng trái phép. “UBND TP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo xử lý vụ việc. Nếu cán bộ, công chức có liên quan sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, ông Phúc cho biết.
Ông Phúc thông tin thêm, UBND phường Hòa Minh đã tổ chức buổi làm việc giữa người mua nhà và người bán để hai bên thỏa thuận, tìm hướng xử lý nhưng chỉ có 1 người bán lên làm việc, còn những người bán khác không hợp tác. Qua làm việc, người dân không đồng thuận việc tháo dỡ nhà xây dựng trái phép vì cho rằng mình là nạn nhân, sai phạm là của người bán. Tuy nhiên, xét theo giấy tờ, người mua nhà không phải là người sở hữu tài sản. Vì vậy, chính quyền địa phương vận động và tính phương án hỗ trợ họ mua nhà ở xã hội để sớm ổn định cuộc sống.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận