Đàm phán Nga - Ukraine, cánh cửa khép lại?
Tổng thống Ukraine vừa kích hoạt một sắc lệnh của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NSDC) Ukraine nhằm loại trừ mọi khả năng tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga.
Việc Nga sáp nhập 4 vùng lãnh thổ của Ukraine khiến nhiều nhà quan sát lo ngại các kịch bản tương tự có thể xảy ra ở các khu vực khác trong phạm vi ảnh hưởng của Nga. Nam Ossetia, một khu vực ly khai của Gruzia, đã tính toán đến một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Nga, hay Transnistria ở miền đông Moldova cũng muốn sáp nhập vào Nga....
Trước hành động của Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết rằng Kiev sẽ không bỏ cuộc trong cuộc chiến giành lại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, đồng thời kích hoạt một sắc lệnh của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia (NSDC) Ukraine nhằm loại trừ mọi khả năng tổ chức các cuộc đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tài liệu được công bố trên trang web của Tổng thống Ukraine nhấn mạnh lập trường của NSDC cho rằng việc tổ chức các cuộc đàm phán với ông Putin là không thể. Với sắc lệnh này, ông Zelensky cũng chỉ thị Chính phủ chuẩn bị các đề xuất về việc thành lập một hệ thống đảm bảo an ninh đa cấp được thiết kế để tăng cường tiềm lực quốc phòng của Ukraine.
Bên cạnh đó, trong một thông báo được đưa ra sau cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Modi, nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh thêm rằng nước này sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống đương nhiệm của Nga. .
Nhà khoa học chính trị Sergej Sumlenny lập luận, động thái của Tổng thống Ukraine cho thấy, gần như không có cơ hội để hai bên đàm phán chấm dứt chiến tranh vào thời điểm hiện tại. Điều này đồng nghĩa với việc, chắc chắn chiến sự Nga-Ukraine sẽ còn kéo dài trong những tháng tới.
Quân đội Ukraine ở thành phố Lyman ngày 3/10. Ảnh: AP.
Trên thực tế, Moscow và Kiev đã không ngồi vào bàn đàm phán kể từ khi các cuộc thảo luận ở Istanbul kết thúc vào cuối tháng 3/2022. Phía Nga ban đầu bày tỏ sự lạc quan về tiến trình hòa bình, sau đó cáo buộc Ukraine quay lưng lại với tất cả những kết quả đạt được ở Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết mất lòng tin vào đoàn đàm phán của Ukraine.
Các chuyên gia cảnh báo, nếu các bên không thúc đẩy quá trình nối lại đàm phán, cuộc chiến Ukraine- Nga sẽ leo lên nấc thang mới. Chính quyền Ukraine từ chối gặp gỡ các đại điện của Nga để đàm phán chấm dứt chiến tranh, chủ yếu là vì phương Tây tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Các chuyên gia cho rằng nếu Nga thực sự bước vào một cuộc chiến quy mô đầy đủ chống lại Ukraine thì những hậu quả cho đôi bên sẽ nặng nề hơn nhiều, thậm chí Nga có thể phải dùng tới một số vũ khí hạt nhân có uy lực mạnh nhưng chưa được sử dụng cho tới nay.
Theo ông David Pyne, cựu sĩ quan tham mưu Lục quân Mỹ, các quốc gia phương Tây cần thúc đẩy Ukraine trở lại với bàn đàm phán để tránh những tổn thất gia tăng trong thời gian tới, đồng thời tránh làm bùng nổ xung đột hạt nhân với Nga.
Đồng quan điểm, ông Herb Boyd, giảng viên Đại học New Rochelle, Mỹ, cho rằng chi phí của cuộc chiến kéo dài ở Ukraine bắt đầu tác động tới suy nghĩ của người Mỹ. Đây có thể là một trong những động lực thúc đẩy các bên hướng tới con đường đàm phán ngoại giao.
"Điều quan trọng của bất kỳ thỏa thuận nào phải có một mục đích chung và những điều khoản được tất cả các bên đồng thuận. Dù giữa Moscow, Kiev và phương Tây đang có quan điểm rất khác nhau, nhưng vẫn có những mục tiêu chung mà các bên có thể đạt được, ngay cả khi đó chỉ là nhằm ngăn tình hình leo thang gây thêm tổn hại cho các bên", ông Eugene Chausovsky – một chuyên gia phân tích cao cấp Âu-Á thuộc hãng tình báo địa chính trị Stratfor nhận định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận