Đàm phán hạt nhân Iran: Vẫn vật cản niềm tin
Kể từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, chưa bao giờ cơ hội hồi sinh JCPOA lại gần đến như vậy, thậm chí là ngay trong tuần này.
Tám vòng đàm phán gay go tại Vienna, Áo, suốt từ tháng 4/2021 tới nay, giữa Iran với Đức, Pháp, Anh, Nga và Trung Quốc, trong khi Mỹ tham gia gián tiếp thông qua trung gian là Liên minh châu Âu (EU), cuối cùng cũng đã đưa đến kết quả.
Từ hàng chục vấn đề tranh cãi, giờ rút lại chỉ còn tồn tại ba điểm khác biệt, gồm: mức độ rút lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, việc đảm bảo Mỹ sẽ không rút khỏi thỏa thuận một lần nữa và việc thực hiện cam kết hạt nhân của Iran.
Ấy thế nhưng vào thời điểm mà các nhà quan sát cho rằng “thỏa thuận đã trong tầm tay”, cả Washington lẫn Tehran đều tỏ ra ngập ngừng. Iran e ngại việc Mỹ có thể sẽ một lần nữa đơn phương rút khỏi JCPOA như đã làm vào năm 2018 nên muốn có một “tuyên bố chính trị” từ Quốc hội Mỹ, trong đó cam kết quay trở lại thỏa thuận hạt nhân và thực hiện nó.
Còn Mỹ thì lại không tin Iran sẽ không ủ mưu tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân khi đã đủ khả năng làm giàu uranium lên tới 60% nhờ các máy ly tâm tiên tiến, mặc dù Tehran khẳng định chương trình hạt nhân của mình chỉ có mục đích hòa bình.
Hóa ra, mất bao công sức đàm phán, cái thiếu không phải là những chi tiết kỹ thuật, những câu chữ ngoại giao còn chưa thống nhất, mà là niềm tin.
Kể từ khi Mỹ rút khỏi JCPOA và tăng cường cấm vận Iran, niềm tin đã trở thành thứ hiếm hoi trong quan hệ giữa hai nước. Nếu cứ nhìn nhau đầy nghi kỵ như vậy, các cuộc đàm phán chỉ là “trò chơi chính trị”, không biết bao giờ mới đi đến thỏa thuận cuối cùng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận