24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Minh Chín
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT khi bệnh viện thiếu thuốc

Đấu thầu thuốc, vật tư y tế chậm khiến không ít bệnh viện thiếu, ảnh hưởng tới quyền lợi của người bệnh, đặc biệt người khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT). Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) đã có những chia sẻ để làm rõ hơn về thực tế trên và giải pháp đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT.

Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT Lê Văn Phúc cho hay, Thường trực Chính phủ vừa họp, ngay sau đó Bộ Y tế, Tài chính và BHXH Việt Nam cũng họp phân tích nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ việc thiếu thuốc, vật tư y tế. BHXH Việt Nam thường xuyên yêu cầu BHXH các địa phương theo dõi số lượng thuốc còn, thời hạn hợp đồng để thông báo kịp thời các bệnh viện, địa phương sớm đấu thầu đảm bảo nguồn cung ứng.

Dù vậy, vẫn có 7 địa phương đã hết hợp đồng thuốc, vật tư từ cuối năm 2021 nhưng tới nay chưa đấu thầu lại cho năm nay. Một số địa phương dù được quyền mở rộng danh mục đấu thầu, nhưng chưa thực hiện. Dịch COVID-19 nên nhân lực ngành y tế tập trung cho chống dịch làm ảnh hưởng tới việc tổ chức đấu thầu thuốc. “Do chậm đấu thầu mới dẫn tới một số bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế phục vụ người bệnh”, ông Phúc nói.

PV - Có bệnh nhân BHYT khi nằm viện điều trị phải ra ngoài tự mua thuốc, vật tư do bệnh viện hết, BHXH Việt Nam có giải pháp gì để đảm bảo quyền lợi người bệnh, có hoàn tiền cho người bệnh đã chi mua thuốc?

Ông Lê Văn Phúc: Trong các quy định liên quan về quỹ BHYT chi trực tiếp cho người bệnh không có khoản chi bù tiền mua thuốc, vật tư do bệnh viện hết. Các quy định đã phân rõ trách nhiệm cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư cho người bệnh. Về quỹ BHYT, muốn thanh toán khoản chi trên phải có ý kiến chấp thuận và hướng dẫn từ các cấp thẩm quyền để BHXH Việt Nam thực hiện. Luật BHYT có trao quyền cho bộ trưởng Bộ Y tế có thể quy định về thanh toán quỹ BHYT trong một số trường hợp đặc biệt, BHXH Việt Nam đang chờ Bộ Y tế cho ý kiến.

PV - Có ý kiến cho rằng, việc đấu thầu thuốc, vật tư y tế năm nay chậm một phần do quy định giá trúng thầu năm sau phải thấp hơn năm trước, gây khó cho các hội đồng đấu thầu khi giá cả tăng cao, ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Ông Lê Văn Phúc: Không có quy định nào yêu cầu giá đấu thầu thuốc, vật tư y tế năm sau phải thấp hơn năm trước. Các quy định chỉ hướng dẫn cơ quan đấu thầu tham khảo xây dựng giá kế hoạch không cao hơn giá của năm liền trước. Chẳng hạn, một loại thuốc có giá tham khảo 10-15 đồng, giá kế hoạch chỉ cần không cao hơn 15 đồng. Tuy nhiên, một số hội đồng đấu thầu xây dựng giá kế hoạch bằng bình quân giá năm trước, hoặc thấp hơn. Trong điều kiện giá cả tăng hiện nay, việc xây dựng giá kế hoạch quá thấp dẫn tới không có đơn vị tham gia thầu.

PV - Hiện những địa phương nào đang thiếu thuốc, vật tư y tế nhiều nhất, thưa ông?

Ông Lê Văn Phúc: Một số địa phương thiếu thuốc nhiều như: Bắc Giang, Bình Dương, Hà Nam, Cần Thơ, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bạc Liêu... Riêng Bắc Ninh, dù hội đồng đấu thầu đã chọn được nhà thầu và báo cáo UBND tỉnh công nhận kết quả, nhưng sau 2 tháng vẫn chưa được phê duyệt. Có tỉnh thành, một số loại thuốc, vật tư chậm đấu thầu 3 tháng chưa đấu thầu lại rất phổ biến, như TPHCM, Hà Nội, Nghệ An...

PV - Có ý kiến đề xuất bỏ đấu thầu thuốc, vật tư y tế tập trung và trao cho các bệnh viện chủ động thực hiện, quan điểm của ông ra sao?

Ông Lê Văn Phúc: Hiện đấu thầu thuốc, vật tư y tế có cả 3 cấp thực hiện, gồm đấu thầu tập trung quốc gia (Bộ Y tế thực hiện), cấp địa phương và cấp cơ sở y tế tự thực hiện. TPHCM đã phân cấp đấu thầu cho các bệnh viện trên địa bàn là chính, nhưng thực tế vẫn có bệnh viện chậm triển khai. Một số bệnh viện cũng không hào hứng tự thực hiện do phải bố trí nhân lực, mất nhiều thời gian, như Bệnh viện K (Hà Nội), có 70 tổ đấu thầu, có người tham gia cùng lúc 7-8 tổ. Ngoài ra, khi phân cấp hết cho các bệnh viện sẽ xảy ra tình trạng một thuốc nhưng có nhiều giá giữa các đơn vị, việc thanh toán, giải thích với các cơ quan chức năng rất khó. Với đấu thầu tập trung, có thể điều tiết thuốc, vật tư giữa các cơ sở với nhau, đảm bảo nguồn cung ứng linh hoạt, đấu thầu riêng không làm được.

PV - Cảm ơn ông!

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết thêm, Bộ Y tế đã mở hồ sơ thầu tập trung với một số loại thuốc. Hy vọng tháng 7 này sẽ có kết quả chọn nhà thầu để cung ứng. Gói thầu thuốc của Bộ Y tế thực hiện có số lượng lớn, tổng giá trị gần 10.000 tỷ đồng, tương đương 1/4 tổng giá trị thuốc BHYT thanh toán trên toàn quốc (mỗi năm BHYT thanh toán khoảng 40.000 tỷ đồng tiền thuốc).

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả