Đảm bảo quyền lợi người mua nhà – Bài cuối: Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh
Lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã cố tình thực hiện các giao dịch mua bán nhà ở không minh bạch, chạy theo lợi nhuận đã phớt lờ các quy định pháp luật.
Theo các chuyên gia, giao dịch mua bán nhà ở đã được luật hoá, bị ràng buộc cả về trách nhiệm dân sự lẫn hình sự.
Tuy nhiên, thời gian qua, lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã cố tình thực hiện các giao dịch không minh bạch, chỉ vì chạy theo lợi nhuận đã phớt lờ các quy định pháp luật.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh khuyến cáo các doanh nghiệp thành viên cần tuân thủ pháp luật trong kinh doanh, đầu tư bất động sản, đồng thời nâng cao uy tín, chất lượng dự án, thương hiệu doanh nghiệp, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Bàn về góc độ pháp lý dân sự, Luật sư Trần Bá Thường, Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, để hạn chế các tranh chấp dân sự trong mua bán nhà đất, cơ quan quản lý nhà nước cần có hợp đồng mua bán thống nhất theo mẫu chung, thay vì đưa ra mẫu hợp đồng cho các bên tham khảo như quy định hiện nay.
Đối với khách hàng, Luật sư Trần Bá Thường cho rằng, cần kiểm tra uy tín của chủ đầu tư xem có từng bị kiện tụng tranh chấp không, có nhiều dự án đã bàn giao cho khách và hoàn thành xây dựng hay chưa…,Bên cạnh đó, cần đến UBND phường, xã nơi có dự án để kiểm tra pháp lý, quy hoạch.
“Trước khi đặt cọc, khách hàng cần đề nghị chủ đầu tư cho xem dự án đã được ngân hàng bảo lãnh theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản để đảm bảo đủ tài chính thực hiện dự án. Nếu dự án xây dựng hình thành trong tương lai phải trực tiếp xem hệ thống hạ tầng…”, Luật sư Trần Bá Thường nêu quan điểm.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư chính vẫn chủ yếu là do bán tài sản hình thành trong tương lai khi nhiều giao dịch diễn ra trong tình trạng “bán lúa non”, chưa đủ pháp lý. Có hiện tượng nhiều tổ chức, cá nhân mạo danh dự án (dự án "ma", không có dự án đăng ký, đất cá nhân sở hữu nhưng ủy quyền cho công ty môi giới giao dịch) để đưa ra giao dịch giống như dự án nhà ở.
Các bất động sản chưa đủ điều kiện vẫn là nơi diễn ra nhiều tranh chấp, không những xảy ra ở dự án mới mà còn âm ỉ, chuyển nhượng nhiều lần ở các dự án tồn đọng trước đây bị vướng mắc không triển khai được. Hướng rủi ro ở các dự án này là dự án không thể triển khai được, bị thu hồi hoặc thường bị chậm về thời gian rất nhiều so với lời giới thiệu “có cánh” của các chủ đầu tư.
Về hình thức, các giao dịch tại giai đoạn này là các giao dịch với văn bản như “văn bản đăng ký”, “cam kết”, “thỏa thuận”… mà khách hàng phải đóng cho chủ đầu tư một khoản tiền. Có những dự án phải nộp trên 50-70% giá trị bất động sản nhưng lại không rõ ràng về thời hạn để ký chính thức hợp đồng mua bán nhà khi đủ điều kiện giao dịch.
Về phần khách hàng, do tình trạng đầu cơ bất động sản, kiếm lợi nhuận cao, tâm lý "lướt sóng" nên dù các rủi ro nhưng khách hàng vẫn “liều mình” giao dịch. Hoặc có những khách hàng chưa đầu tư vào bất động sản bao giờ, không am hiểu pháp lý và hình thức giao dịch, thông tin về đối tác giao dịch nhưng cũng tham gia.
Đồng quan điểm, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Sở Công Thương các tỉnh, thành phụ trách lĩnh vực quảng cáo, tổ chức sự kiện, đăng ký hợp đồng, nhưng không kiểm tra, xử lý các trường hợp quảng cáo sai sự thật, không đúng quy định pháp luật, nên các chủ đầu tư không bị xử lý trong việc “thả bẫy” khách hàng.
Nhiều sự kiện giới thiệu sản phẩm dự án có tổ chức bốc chương trình khuyến mại mang tính may rủi (bốc thăm trúng thưởng), tặng quà bằng hiện vật có giá trị cao để lôi kéo khách hàng tham dự, nhưng không đăng ký tại Sở Công Thương…
Bàn về giải pháp hạn chế rủi ro, tranh chấp, đảm bảo quyền lợi người mua nhà, theo Luật sư Trần Đức Phượng, việc phát hiện và xử lý trong lĩnh vực bất động sản của các cấp chính quyền vẫn chưa chủ động, mức xử phạt còn nhẹ, không áp dụng các biện pháp bổ sung như đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản, nên việc vi phạm vẫn ở mức cao.
Vì thế, để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, các cấp chính quyền và ban ngành cần đổi mới trong quản lý, có phối hợp liên ngành, thường xuyên để xử lý nghiêm minh những vi phạm pháp luật nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Đáng chú ý, cơ quan quản lý nhà nước cần thay đổi trong việc thực hiện các thủ tục cấp giấy phép xây dựng. Bởi lẽ hiện nay việc cấp giấy phép xây dựng chỉ yêu cầu có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất, còn nộp tiền hay chưa thì hồ sơ cấp giấy phép không yêu cầu. Hiện nay, nhiều dự án xây xong và giao cho khách nhưng tính tiền sử dụng đất chưa có. Đây là sự lỏng lẻo trong quy định cấp giấy phép xây dựng, diễn ra ở nhiều địa bàn, trong đó có Tp. Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Hồ Chí Minh, trên thực tế, nhiều chủ đầu tư chưa đủ các điều kiện như xây xong móng, làm hạ tầng, trồng cây xanh…, nhưng đã ký kết hợp đồng mua bán căn hộ với người mua để huy động vốn. Nếu dự án chậm tiến độ hoặc thâm chí không thể thực hiện, quyền lợi của người mua nhà bị ảnh hưởng và các tranh chấp sẽ xảy ra, gây bất ổn trật tự xã hội chung.
“Các sai phạm, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý hành chính lẫn hình sự. Tuy nhiên, điều trước tiên là người mua cần chuẩn bị cho mình kiến thức pháp luật, chủ động tìm hiểu thông tin pháp lý liên quan để tránh bị đưa vào thế bị động trong các hợp đồng mua bán, đặt cọc… và nhất quyết phải trực tiếp đến dự án để quan sát, tìm hiểu, hạn chế chỉ nghe qua các lời quảng cáo, chào hàng hấp dẫn”, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Tp. Hồ Chí Minh khuyến cáo./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận