Đảm bảo an ninh nguồn nước: Cần làm đường dẫn kín bơm nước mặt từ Sông Đà
“Về lâu dài, UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị Cty Nước sạch Sông Đà phải nghiên cứu 1 tuyến ống dẫn nước kín, tránh rủi ro, bơm trực tiếp từ nước mặt sông Đà lên khu xử lý. Nước cung cấp cho người dân Thủ đô sẽ đảm bảo”- là đề nghị của UBND tỉnh Hòa Bình đối với Cty Nước sạch Sông Đà nhằm đảm bảo chất lượng nước và an ninh nguồn nước.
Với trách nhiệm là địa phương đầu nguồn bảo vệ nguồn nước, theo ông Nguyễn Văn Toàn - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hoà Bình, tỉnh Hòa Bình đã ban hành 2 Quyết định phê duyệt phương án bảo vệ nhà máy nước sạch Vinaconex, trong đó có việc bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước; phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt cho Cty CP nước sạch Hòa Bình và Cty CP nước sạch Vinaconex; Quyết định số 92 về việc phê duyệt danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trong đó có dòng sông Đà chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình.Gần đây nhất, ngày 15/5/2019, Quyết định số 990/QĐ-UBND phê duyệt phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước và chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Đầm bài trên địa bàn xã Phú Minh và xã Hợp Thành, huyện Kỳ Sơn được ban hành. Các cơ quan chức năng đã thực hiện.
Tuy nhiên, theo ông Toàn, hồ Đầm Bài là hồ chứa nước của nhà máy (các hạng mục của hệ thống nhà máy nước Sông Đà nằm tại tỉnh Hòa Bình bao gồm: Họng thu, kênh, mương dẫn nước thô, hồ Đầm Bài là hồ chứa nước, các trạm bơm, các bể xử lý nước sạch) có diện tích rộng gần 70ha, lưu vực 16km2 nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn. Tỉnh đề nghị Cty Nước sạch Sông Đà có phương án lấy nước mặt bơm trực tiếp từ sông Đà lên để xử lý theo chu trình khép kín và an toàn tuyệt đối. Và trách nhiệm của Cty Nước sạch Sông Đà là nước phải đảm bảo chất lượng mới được cấp bán cho nhân dân.
Theo đại diện tỉnh Hòa Bình, hiện tại nguồn nước mặt sông Đà chưa có dấu hiệu ô nhiễm nên vẫn được dùng để cung cấp nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch phục vụ sinh hoạt, cụ thể là nhà máy nước sạch Hòa Bình; Nhà máy nước sạch của Cty CP Nước sạch Sông Đà và một số nhà máy đang xây dựng trên địa bàn tỉnh. Việc đổ trộm dầu thải tại xã Phúc Tiến chỉ gây ra ảnh hưởng các dòng suối tự nhiên đổ về hồ Đầm Bài, chưa ô nhiễm nguôn nước trên sông Đà.
Hồ Đồng Bài (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình), nơi nhà máy nước Sông Đà lấy nước trực tiếp để xử lý.
Trước sự việc đổ trộm dầu thải gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho nhà máy nước sạch Sông Đà làm ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của nhiều hộ dân TP Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu Cty CP Đầu tư nước sạch sông Đà lập, thực hiện phương án chi tiết để xử lý triệt để ô nhiễm nguồn nước, đất, bùn, cỏ cây nhiễm dầu thải để bảo vệ chất lượng nguồn nước cấp cho nhà máy bao gồm: Khoanh vùng ô nhiễm, triển khai các biện pháp thu gom dầu thải, bùn đất, cỏ cây, nước có nhiễm dầu thải để không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước đầu vào của nhà máy; khẩn trương di chuyển toàn bộ chất thải nhiễm dầu thải để tạm thời trong khuôn viên nhà máy và chuyển giao cho các đơn vị có giấy phép vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại theo quy định; đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc xác định thủ phạm đổ dầu thải.
Sự cố là bài học sâu sắc cho lãnh đạo và các cơ quan ban ngành của tỉnh. Lãnh đạo UBND huyện Kỳ sơn chỉ đạo kịp thời; bà con thu gom xử lý khắc phục.
Ông Nguyễn Đăng Khoa - Phó Tổng Giám đốc Cty Nước sạch Sông Đà tại họp báo.
Khi được hỏi để đảm bảo an ninh nguồn nước khi nào Cty Nước sạch Sông Đà triển khai lấy nước cấp kín không qua hồ Đầm Bài thì Phó Tổng Giám đốc Cty Nước sạch Sông Đà Nguyễn Đăng Khoa cho biết: Để đảm bảo an ninh nguồn thì lấy nước sông Đà không qua hồ chứa Đầm Bài là giải pháp dài hạn đòi hỏi thẩm tra của cơ quan chức năng. Người dân Thủ đô không chờ dài như vậy được. Hiện doanh nghiệp này bơm nước từ sông Đà vào hồ chứa là Đầm Bài. Và như vậy, để chờ chu trình xử lý nước kín không qua hồ chứa Đầm Bài nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho nguồn nước sạch thì triệu hộ dân Hà Nội sẽ tiếp tục chờ.
Việt Nam có 108 lưu vực sông, 3.450 sông, suối tương đối lớn và tổng lượng nước trung bình hàng năm khoảng 830 tỷ m3, nhưng chủ yếu từ nước ngoài chảy vào, lượng nước nội sinh chỉ khoảng 37% tổng lượng nước, bình quân đầu người đạt khoảng 9.000 m3/năm. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận