Đại lý tăng giá xe khiến hãng ôtô bị vạ lây
Đại lý tăng giá xe vô tội vạ khiến các hãng sản xuất chịu tiếng xấu, thể hiện qua chỉ số hài lòng của khách hàng.
Chỉ số độ hài lòng về bán hàng (SSI) 2022 theo nghiên cứu của J.D. Power cho thấy, điểm bình quân năm nay thấp hơn so với 2021. Sự thay đổi đến từ hai yếu tố. Đầu tiên, lượng hàng tồn trên khắp nước Mỹ vẫn ở mức thấp hơn so với nhu cầu. Thứ hai, các đại lý mạnh tay tăng giá xe so với giá bán đề xuất (MSRP), đặc biệt đối với những mẫu xe mới ăn khách và khan hàng.
Tình trạng tăng giá xe vô tội vạ của các đại lý cũng được đánh giá là chưa từng có. Kết quả nghiên cứu khẳng định, việc tăng giá tác động lớn khi khách hàng chấm điểm hài lòng. Cũng lần đầu tiên trong hơn một thập kỷ qua, số điểm bình quân về độ hài lòng đã giảm giữa bối cảnh lượng hàng trong kho của các đại lý giảm trong lúc giá xe tiếp tục tăng.
Tổng điểm được tính theo 6 yếu tố chính, gồm quá trình giao xe (26%), nhân sự của đại lý (24%), quá trình thỏa thuận (19%), hoàn thiện hồ sơ (18%), điều kiện của đại lý (10%), và website của đại lý (4%).
Ở thị trường phổ thông, Buick được chấm điểm cao nhất về độ hài lòng, với 825 điểm trên thang điểm 1.000. Lần lượt tiếp theo là Dodge, Subaru, Chevrolet và GMC. Trong số 11 thương hiệu có điểm trên mức bình quân của phân khúc, có 8 hãng xe Mỹ, và 3 còn lại của Nhật.
Ở phân khúc cao cấp, thương hiệu xe Italy, Alfa Romeo đứng đầu với 833 điểm. Lần lượt tiếp theo là Porsche, Lexus, Cadillac và Infiniti. Điểm bình quân của phân khúc là 806, và thấp hơn mức này là 5 thương hiệu đến từ 5 quốc gia khác nhau.
Việc đại lý tăng giá xe thực tế tác động lên khách hàng ở thị trường phổ thông nhiều hơn so với phân khúc cao cấp. Nghiên cứu cho thấy, 25% người mua xe phổ thông phải trả cao hơn mức đề xuất so với 19% người mua xe sang. Và tất nhiên, phải chi nhiều tiền hơn so với mức đáng ra là thấp hơn, gần như sẽ không ai thấy hài lòng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận