menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Ái Vy

Đài Loan (Trung Quốc) lo mất 'lá chắn silicon'

Ở Đài Loan (Trung Quốc), có một sự lo lắng rất lớn về áp lực chính trị và thương mại ngày càng tăng đối với nhà sản xuất chip quan trọng nhất thế giới, CNN nhận định ngày 9/12. Đó là sự lo lắng về việc mở rộng hoạt động của TSMC ở nước ngoài, nhất là tại Mỹ và các nước đồng minh.

TSMC đang xây dựng một nhà máy tại Nhật Bản và xem xét đầu tư vào châu Âu. “Chúng giống như Viên kim cương Hy vọng của ngành bán dẫn. Mọi người đều muốn chúng”, ông Dan Hutcheson, phó chủ tịch của TechInsights, một tổ chức nghiên cứu chuyên về chip, nhận định. (Viên kim cương Hy vọng là viên kim cương xanh lớn nhất thế giới, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia của Viện Smithsonian ở Washington).

“Khách hàng ở Trung Quốc muốn họ (TSMC) xây dựng (nhà máy sản xuất chip) ở đó. Khách hàng ở Mỹ muốn họ ở đó. Và khách hàng ở châu Âu cũng muốn chúng ở đó”, ông Hutcheson nói.

Ngoài nguy cơ TSMC sẽ mang theo công nghệ tiên tiến nhất của mình, nghĩa là tước đi một trong những tài sản độc nhất của Đài Loan (Trung Quốc) và giảm cơ hội việc làm tại hòn đảo này, còn có những lo ngại rằng sự gia tăng hợp tác của TSMC với các đối tác Mỹ và đồng minh có thể khiến Đài Bắc chịu áp lực lớn hơn từ Bắc Kinh vốn đã thề sẽ kiểm soát Đài Loan (Trung Quốc) bằng vũ lực nếu cần thiết.

TSMC được coi là báu vật của Đài Loan (Trung Quốc). Hãng cung cấp chip cho những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple, Qualcomm…

Hãng này sản xuất hàng loạt chất bán dẫn tiên tiến nhất trên thế giới, những thành phần quan trọng giúp vận hành trơn tru mọi thứ, từ điện thoại thông minh đến máy giặt.

TSMC được coi là vô cùng giá trị đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như đối với Trung Quốc - quốc gia tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của mình dù chưa bao giờ kiểm soát hòn đảo này - đến nỗi đôi khi TSMC còn được coi là một phần của “lá chắn silicon” chống lại một cuộc tấn công quân sự tiềm tàng của Bắc Kinh.

Sự hiện diện của TSMC tạo động lực mạnh mẽ cho phương Tây bảo vệ Đài Loan (Trung Quốc) trước bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thu hồi Đài Loan bằng vũ lực. Ông Hutcheson nói: “Ý tưởng là nếu Đài Loan (Trung Quốc) trở thành một thế lực về chất bán dẫn, thì Mỹ sẽ phải hỗ trợ và bảo vệ họ. Chiến lược đã thành công mỹ mãn”.

Thỏa thuận bí mật?

Một ngày trước lễ giới thiệu nhà máy sản xuất chip ở Mỹ hôm 6/12, ông Chiu Chenyuan, một nhà lập pháp của đảng đối lập ở Đài Loan (Trung Quốc), đã chất vấn lãnh đạo cơ quan đối ngoại Đài Loan (Trung Quốc) Joseph Wu về việc liệu có một “thỏa thuận bí mật” với Mỹ để gây bất lợi cho ngành công nghiệp chip của Đài Loan (Trung Quốc) hay không.

Ông Chiu tuyên bố, TSMC đang chịu áp lực chính trị phải chuyển hoạt động và công nghệ tiên tiến nhất của mình sang Mỹ. Ông trích dẫn việc chuyển 300 người, bao gồm các kỹ sư của TSMC, đến nhà máy ở bang Arizona.

Ông Wu trả lời rằng, không có thỏa thuận bí mật nào, cũng như không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm làm giảm tầm quan trọng của Đài Loan (Trung Quốc) đối với TSMC.

Ông Patrick Chen, trưởng bộ phận nghiên cứu của công ty dịch vụ tài chính CL Securities Đài Loan (trụ sở tại Đài Bắc), nói rằng, có mối quan tâm chung trên hòn đảo này về tầm quan trọng quốc tế ngày càng tăng của TSMC, áp lực mà hãng phải đối mặt để mở rộng hoạt động ở nước ngoài.

“Nó tương tự như những gì đã xảy ra ở Mỹ vào những năm 70 và 80 khi các công việc sản xuất đang được chuyển từ Mỹ sang các quốc gia khác. Nhiều việc làm trong nước bị mất đi, doanh nghiệp phá sản, thành phố đổ vỡ”, ông Chen nói.

CNN đã đề nghị TSMC bình luận về các kế hoạch mở rộng của mình. Giám đốc điều hành TSMC, ông C.C. Wei, từng nói: “Mọi khu vực đều quan trọng đối với TSMC” và hãng sẽ “tiếp tục phục vụ tất cả khách hàng trên toàn thế giới”.
Đài Loan (Trung Quốc) lo mất lá chắn silicon ảnh 2

Trụ sở nhà sản xuất chip TSMC ở Đài Loan (Trung Quốc). Ảnh: AP.

Tầm quan trọng gia tăng

Được Morris Chang thành lập năm 1987, TSMC không phải là một cái tên quen thuộc bên ngoài Đài Loan (Trung Quốc), mặc dù hãng sản xuất khoảng 90% chip máy tính siêu tiên tiến trên thế giới.

Chất bán dẫn là một phần không thể thiếu trong mọi thiết bị điện tử. Chúng khó sản xuất vì chi phí phát triển cao và mức độ kiến thức cần có để ra được sản phẩm, có nghĩa là chỉ có một số ít nhà sản xuất trên thế giới.

Theo các chuyên gia, lo ngại về việc mất quyền tiếp cận với các loại chip quan trọng, đặc biệt là khi căng thẳng leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, các chính phủ và các công ty lớn như Apple đã yêu cầu các công ty bán dẫn nội địa hóa hoạt động của họ.

Ông Chris Miller, tác giả cuốn sách “Cuộc chiến chip: Cuộc chiến vì công nghệ quan trọng nhất thế giới”, nhận định: “Quyết định mở rộng đầu tư vào Arizona của TSMC là bằng chứng cho thấy rủi ro chính trị và địa chính trị sẽ đóng một vai trò lớn hơn trước đây trong các quyết định về chuỗi cung ứng”. “Điều đó cũng cho thấy rằng khách hàng của TSMC đang yêu cầu đa dạng hóa hơn về mặt địa lý, đây là điều mà trước đây không phải là mối quan tâm chính của các khách hàng lớn”, ông nói.

Hôm 6/12, TSMC cho biết họ đang tăng đầu tư vào Mỹ bằng cách xây dựng một nhà máy bán dẫn thứ hai ở bang Arizona và nâng tổng vốn đầu tư ở đó từ 12 tỷ USD lên 40 tỷ USD.

Đài Loan (Trung Quốc) lo mất lá chắn silicon ảnh 3

Chip giúp vận hành trơn tru mọi thứ, từ điện thoại thông minh, máy giặt đến ô tô, tên lửa... Ảnh: Getty Images.

Giữ lại “bảo bối”

Ông Chang trước đây cho biết, nhà máy của họ ở Arizona sản xuất chip 3 nanomet, công nghệ tiên tiến nhất của hãng, vì những tiến bộ trong sản xuất chip đòi hỏi phải khắc các bóng bán dẫn ngày càng nhỏ hơn lên các tấm silicon. Những thông báo như vậy khiến các chính trị gia như ông Chiu lo lắng.

Ông Chiu lo Đài Loan (Trung Quốc) sẽ thiệt thòi khi TSMC được chào đón trên toàn cầu. Ông Chen công tác tại công ty CL Securities cho rằng, mối lo ngại về an ninh quốc gia giữa các chính phủ trên toàn cầu đang thúc đẩy sự mở rộng của TSMC.

Nhưng ông Chen tin rằng TSMC sẽ tiếp tục sản xuất công nghệ tiên tiến nhất tại Đài Loan (Trung Quốc). Ông giải thích: “Xét về mặt kinh tế là như vậy vì sản xuất tại Đài Loan (Trung Quốc) sẽ có chi phí thấp hơn do lương nhân công thấp hơn mà kỹ sư Đài Loan có chất lượng cao hơn”.

TSMC cần sự chấp thuận của cơ quan kinh tế Đài Loan để chuyển các công nghệ tiên tiến nhất ra nước ngoài, nhưng cơ quan này không chắc sẽ đồng ý. Nhiều chuyên gia tin rằng, vào thời điểm chip 3 nanomet được sản xuất tại Arizona, nhà máy của TSMC ở Đài Loan (Trung Quốc) sẽ phát triển các loại chip thậm chí còn nhỏ hơn, tiên tiến hơn.

Ông Hutcheson cũng tin rằng, TSMC sẽ giữ các nhóm phát triển tiên tiến nhất của mình ở Đài Loan (Trung Quốc). “Một khi bạn có một nhóm người làm công việc phát triển, họ sẽ làm việc rất chặt chẽ với nhau. Bạn không muốn phá vỡ điều đó. Làm điều đó thật không dễ dàng gì”, ông nói.

Đài Loan (Trung Quốc) lo mất lá chắn silicon ảnh 4

Cạnh tranh công nghệ, đặc biệt là bán dẫn, giữa Trung Quốc và Mỹ càng lúc càng gay gắt. Ảnh: Vanity Fair.

Mỹ dự kiến rót gần 250 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển (R&D) bán dẫn và một số ngành khoa học khác trong 5 năm tới. Quan tâm hơn đến các công nghệ mới nổi, đặc biệt là bán dẫn, Washington không chỉ muốn làm chủ mà còn muốn độc quyền tương đối về công nghệ để gia tăng sức cạnh tranh của kinh tế Mỹ, đồng thời hạn chế sức mạnh, tầm ảnh hưởng đang lên của Bắc Kinh, giới phân tích nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại