Đài Loan điều tra chống bán phá giá với xi măng, clinker từ Việt Nam
Ngày 12-8, Đài Loan (Trung Quốc) khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CPBG) đối với mặt hàng xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam.
Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành kết luận cuối cùng vụ việc rà soát hoàng hôn lần thứ hai lệnh áp thuế CBPG với tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương, ngày 12-8, cục này đã nhận được thông tin về việc Đài Loan (Trung Quốc) đã chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá (CBPG) với xi măng và clinker có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Mặt hàng bị điều tra là xi măng và clinker được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Đài Loan (Trung Quốc) 2523.29.90.00.2 và 2523.10.90.00.3.
Bên yêu cầu điều tra chống bán phá giá là Hiệp hội các nhà sản xuất xi măng Đài Loan (Trung Quốc). Ngày khởi xướng là 8-8-2024. Thời kỳ điều tra bán phá giá là từ ngày 1-7-2023 đến ngày 30-6-2024. Biên độ phá giá cáo buộc với Việt Nam là 16,99%. Doanh nghiệp xuất khẩu bị cáo buộc bán phá giá. Nguyên đơn nêu tên 7 doanh nghiệp của Việt Nam.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, cũng trong ngày 12-8, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã đăng công báo kết luận cuối cùng vụ việc rà soát hoàng hôn lần thứ hai lệnh áp thuế CBPG với tháp gió có mã HS 7308.20.0020 và 8502.31.0000 nhập khẩu từ Việt Nam.
Tại kết luận này, DOC cho rằng, việc ngừng áp thuế chống bán phá giá đối với tháp gió nhập khẩu từ Việt Nam có khả năng dẫn đến việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá với biên độ phá giá bình quân gia quyền lên đến 58,24%.
Theo Cục Phòng vệ thương mại, các nhà xuất khẩu mới của Việt Nam (nếu có) cần liên hệ với DOC trước khi xuất khẩu để được tính toán mức thuế riêng, nếu không sẽ phải chịu mức thuế CBPG 58,24%. Đồng thời, doanh nghiệp có thể liên hệ với Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương để được hỗ trợ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận