Đại hội cổ đông để tránh nguy cơ “vỡ trận” thời dịch
Nhiều doanh nghiệp thông báo chốt danh sách để tổ chức họp đại hội đồng cổ đông (ÐHCÐ) vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, nhưng khả năng tổ chức thành công hoặc chất lượng đại hội dự kiến không cao trong bối cảnh dịch Covid-19 xuất hiện trở lại: Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khác có người nhiễm bệnh, nâng tổng số người nhiễm bệnh trên cả nước từ 16 (đã chữa khỏi) lên 31 người, tại 11 địa phương.
Cuối tuần qua, ngày 7/3, ÐHCÐ của BIDV đã diễn ra trong không khí vắng vẻ, khi đêm trước đó, Bộ Y tế công bố phát hiện bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17, có khả năng lây cho nhiều người khác.
Tại Hải Phòng, theo lịch từ trước, ÐHCÐ của Công ty cổ phàn Ðầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) diễn ra từ 8h15 - 11h30 ngày 7/3, nhưng đã phải rút gọn chương trình tối đa. Ðến 8h30, đại hội đã xong toàn bộ nội dung đọc tờ trình thảo luận và bỏ phiếu, kết thúc vào lúc 9h.
Việc HHS rút ngắn thời gian ÐHCÐ do yêu cầu của TP. Hải Phòng về việc tránh tụ tập đông người để phòng chống dịch Covid-19 khi thành phố này cách ly bố của bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Toàn bộ cổ đông của HHS đều đeo khẩu trang, rửa tay diệt khuẩn, đo thân nhiệt trước khi bước vào cuộc họp. Sau khi đại hội kết thúc, công an khu vực đã có mặt để nhắc nhở về việc không tụ tập đông người.
Do thời gian diễn ra ÐHCÐ ngắn nên một số cổ đông đến trễ đã không kịp tham gia phần thảo luận đặt câu hỏi. Chất lượng đại hội vì thế bị ảnh hưởng.
Ngay từ ngày đầu tháng 3, Hội đồng quản trị Eximbank thông qua Nghị quyết 133 về việc chấp hành ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM đề nghị Eximbank không tổ chức ÐHCÐ bất thường trong thời điểm hiện nay, tức hoãn đại hội dự kiến diễn ra ngày 5/3.
Khi đó, Việt Nam chưa có thông tin về bệnh nhân Covid-19 thứ 17.
Vậy ở thời điểm này, khi dịch bệnh có nguy cơ bùng phát kể từ sau khi “bệnh nhân số 17” được phát hiện, lây nhiễm chéo sang một số người cùng với phát hiện thêm các ca nhiễm bệnh khác thì các doanh nghiệp có được tổ chức ÐHCÐ hay không?
Nếu để đáp ứng yêu cầu “không tụ tập nơi đông người để phòng chống dịch” của chính quyền các thành phố lớn, thì khả năng các ÐHCÐ khó có thễ diễn ra vào nửa cuối tháng 3, đầu tháng 4.
Do đó, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cần có khuyến cáo với các công ty đại chúng và cho phép doanh nghiệp tự động gia hạn thời gian tổ chức đại hội cho các công ty.
Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu thông tin của cổ đông, các công ty nên chủ động công bố các tài liệu cần thiết như báo cáo thường niên, tài liệu ÐHCÐ, nhưng cũng cần dự tính thời gian tổ chức đại hội phù hợp để tránh lãnh phí các chi phí tổ chức.
Nếu công bố triệu tập ÐHCÐ mà đến phút cuối phải hoãn, huỷ sẽ tốn kém chi phí không nhỏ.
Nếu ÐHCÐ diễn ra trong thời gian hạn hẹp quá cũng ảnh hưởng đến chất lượng khi các cổ đông không thể đối thoại, chất vấn nhiều với lãnh đạo công ty.
Trong thời điểm này, công ty thực hiện tổ chức ÐHCÐ trực tuyến là lý tưởng nhất, nhưng xem ra số công ty có thể tổ chức không nhiều.
Vào thời điểm cổ đông, nhà đầu tư đang khát thông tin, giá cổ phiếu giảm mạnh, trong khi các ÐHCÐ chưa thể diễn ra, các doanh nghiệp nên tăng cường công bố thông tin trên các kênh truyền thông đại chúng để củng cố niềm tin trên thị trường, tránh tình trạng cổ phiếu bị bán tháo quá đà.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận