Đại gia Trương Gia Bình bỏ túi cả chục tỷ đồng trong ngày thị trường lao dốc
Trong ngày nhiều tỷ phú trên sàn chứng khoán mất cả trăm đến nghìn tỷ đồng, đại gia Trương Gia Bình vẫn bỏ túi thêm cả chục tỷ đồng nhờ cổ phiếu FPT đi ngược thị trường.
Trong phiên giao dịch ngày 8/3, các chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam lao dốc mạnh kể từ sau 14 giờ. Kết phiên VN-Index mất 25,34 điểm (-1,69%) để đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày tại 1.473,71 điểm.
Chỉ số HNX-Index cũng đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày khi giảm 6,97 điểm (-1,54%) về 445,89 điểm. Sàn giao dịch UPCoM ghi nhận mức giảm 0,54% về 112,61 điểm.
Với đà giảm giá của các mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 8/3, khối tài sản của những tỷ phú hàng đầu trên sàn chứng khoán Việt Nam như Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Đỗ Anh Tuấn, Nguyễn Văn Đạt, Vũ Thị Hiền, Ngô Chí Dũng, Hoàng Anh Minh,... giảm từ vài chục tỷ đến cả nghìn tỷ đồng do đà giảm của các mã cổ phiếu nắm giữ. Trong khi đó, đại gia Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần FPT (FPT) lại bỏ túi thêm hơn 50 tỷ đồng nhờ cổ phiếu FPT đi ngược thị trường.
Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 8/3, mã cổ phiếu FPT vẫn ghi nhận mức tăng 1.000 đồng/cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 1,1%. Đây là mức tăng cao thứ hai trong rổ chỉ số VN30 sau VJC của CTCP Hàng không VietJet do nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo làm Tổng giám đốc.
Với việc đang trực tiếp nắm giữ hơn 55,4 triệu cổ phiếu FPT, khối tài sản của doanh nhân Trương Gia Bình ghi nhận mức tăng thêm 55,4 tỷ đồng. Tính theo giá thị trường, khối tài sản của doanh nhân 66 tuổi người Quảng Nam nắm giữ có giá trị 5.334 tỷ đồng. Ông Trương Gia Bình đứng thứ 34 trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam sau phiên giao dịch đỏ lửa.
Trong năm 2022, FPT của đại gia Trương Gia Bình đặt mục tiêu doanh thu 42.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.620 tỷ, lần lượt tăng 19% và 20% so với kết quả năm 2021. Mức kế hoạch doanh thu này cao nhất trong 4 năm trở lại đây còn lợi nhuận trước thuế là con số cao nhất từ trước đến nay nếu công ty hoàn thành.
Nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch ngày 9/3, chuyên gia các công ty chứng khoán tỏ ra khá thận trọng sau hai phiên giảm điểm liên tiếp đầu tuần.
Các chuyên gia của CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI) nhận định VN-Index đang có những bước đi khó lường trong biên độ rộng do diễn biến phức tạp của thế giới. Có thể thị trường sẽ e dè trong những phiên tới kể từ 09/03, hoặc có thể sẽ có những dòng tiền nhanh nhạy bắt đáy và đẩy chỉ số bật lên.
Các chuyên gia của CTCK Asean (Aseansc) nhận định xu hướng ngắn hạn của thị trường trở nên tiêu cực hơn khi chỉ số VN-Index ghi nhận một phiên giảm khá kèm thanh khoản gia tăng.
Aseansc dự báo trong phiên giao dịch 09/03 tới, chỉ số VN-Index sẽ có quán tính giảm điểm trong phiên sáng để VN-Index kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,465-1,470 điểm, và xa hơn là vùng hỗ trợ 1,455-1,460 điểm. Sự giằng co được kỳ vọng sẽ xuất hiện ở vùng giá thấp và có thể giúp chỉ số có sự hồi phục nhất định sau đó, trước khi có sự phân định xu hướng rõ ràng hơn về cuối ngày.
Trong khi đó, các chuyên gia của CTCK Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho rằng trên góc độ phân tích kỹ thuật, với phiên giảm mạnh 08/03 nhưng VN-Index vẫn đang giữ được biên độ dao động 1.470 - 1.520 điểm từ sau Tết đến nay và mẫu hình nến của 3 phiên gần đây khá giống với mẫu hình nến của 3 phiên từ 10/02 đến 14/02. Do đó, nếu như không có những sự kiện tiêu cực xảy ra trong đêm 08/03 thì VN-Index có thể hồi phục trở lại trong phiên tiếp theo 09/03.
Các chuyên gia của CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định thị trường tiếp tục diễn biến theo chiều hướng suy yếu sau khi VN-Index đánh mất vùng 1.500 điểm. Áp lực bán vẫn đang gây sức ép lên thị trường, thể hiện qua thanh khoản duy trì ở mức trên trung bình 50 phiên tại VN-Index và VN30-Index.
Nhìn chung thị trường vẫn trong chiều hướng giảm điểm, tuy nhiên, VN-Index đã lùi về gần hỗ trợ 1.470 điểm và VN30-Index đang ở vùng MA 200 - vùng 1.490 điểm, nên có khả năng nhịp giảm của thị trường có thể tạm thời sẽ được kiềm hãm và có động thái hồi phục nhẹ để thăm dò cung cầu.
Rủi ro vẫn đang tiềm ẩn và áp lực bán có thể sẽ tiếp tục gây áp lực khi thị trường hồi phục nên nhà đầu tư vẫn cần thận trọng, có thể cân nhắc nhịp hồi phục để tiếp tục cơ cấu danh mục và đưa tỷ trọng danh mục về mức an toàn để phòng ngừa rủi ro.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận