"Đại gia” thao túng thị trường chứng khoán bị bắt, doanh nghiệp bị ngân hàng thu nợ trước hạn
Chỉ trong thời gian ngắn các ngân hàng đã đồng loạt quyết định thu hồi hàng nghìn tỷ đồng nợ trước hạn với những doanh nghiệp liên quan đến các đại gia thao túng thị trường chứng khoán.
Kể từ cuối tháng 3 đến nay một loạt đại gia tên tuổi đã bị tạm giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Trong đó, những cái tên nổi bật có thể kể đến như ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch tập đoàn FLC, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần chứng khoán BOS; ông Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán Trí Việt và ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Louis Holdings.
Không chỉ mất đi người đứng đầu, những doanh nghiệp liên quan đến các đại gia bị tạm giam để điều tra về tội thao túng thị trường chứng khoán còn đối mặt với biện pháp mạnh tay thu hồi nợ trước hạn của các ngân hàng.
Mới nhất Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SHB) cho biết, đã có thông báo về việc thu giữ tài sản đảm bảo của Công ty CP Xuất nhập khẩu Louis Rice (tên cũ là Công ty TNHH MTV Louis Rice) để đảm bảo xử lý thu hồi nợ vay.
Trước đó, Louis Rice ký kết các hợp đồng tín dụng với SHB chi nhánh Phú Nhuận ngày 7/4/2021. Tuy nhiên, SHB quyết định chấm dứt cho vay, thu hồi trước hạn toàn bộ khoản nợ kể từ ngày 4/5 sau khi ông Đỗ Thành Nhân, nhà sáng lập Louis Holdings bị khởi tố và bắt tạm giam từ ngày 20/4 để điều tra về hành vi thao túng giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán.
Theo đó, SHB cho biết sẽ tiến hành thu giữ toàn bộ tài sản đảm bảo, gồm 2 xe ô tô 7 chỗ hiệu Ford Everest; 1 xe ô tô 5 chỗ hiệu RAM 1.500 (mẫu xe bán tải hạng sang có giá bán khoảng 5,5 tỷ đồng); 1 xe ô tô 4 chỗ nhãn hiệu Porsche 911 Targa 4S (mẫu xe mui trần đình đám, có giá bán trung bình hiện nay khoảng 9,17 tỷ đồng); 1 xe ô tô 4 chỗ Maybach nhãn hiệu Mercedes-Benz.
Ngoài 5 tài sản là ô tô, SHB còn thu giữ 4 tài sản thế chấp khác là bất động sản, gồm quyền sử dụng đất toạ lạc tại thửa đất số 289, tờ bản đồ 18, tại phường Mỹ Xuyên, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang; quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại thửa đất 218, tờ bản đồ số 4, phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An; 1 căn hộ chung cư số T4-A40.03 ở phường Thảo Điền, TP.Thủ Đức, TPHCM, quyền sử dụng đất tại thửa đất số 61, tờ bản đồ 38, phường 5, TP.Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Trước khi SHB thu hồi toàn bộ nợ vay trước hạn với Louis Rice liên quan đến ông Đỗ Thành Nhân, cả Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đều đã có động thái tương tự với tập đoàn FLC liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung.
Cụ thể, tại đại hội đồng cổ đông thường niên của STB tổ chức vào ngày 22/4/2022, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết ngân hàng đã thu nợ, xử lý được 2.600 tỷ đồng trong tổng số hơn 5.000 tỷ đồng dư nợ của FLC và Bamboo Airways.
Trong khi đó, Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho biết thêm, khoản nợ của riêng FLC tại Sacombank là 3.200 tỷ trong vòng 1 tháng nữa sẽ thu hồi xong. Trong khi đó, dư nợ của Hãng hàng không Bamboo Airways tại nhà băng này sẽ còn lại khoảng hơn 1.800 tỷ đồng.
Sau động thái thu hồi nợ sớm của Sacombank, đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng cho biết nhà băng này cũng đang rốt ráo thu hồi nợ trước hạn với FLC.
Theo đó, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho biết ngân hàng đang cho FLC vay khoảng 1.500 tỷ đồng tập trung vào 2 dự án ở Quảng Ninh.
Trong khi đó, số tài sản thế chấp của FLC tại ngân hàng là trên 2.000 tỷ là các bất động sản đã có sổ cấp cho nhà đầu tư. Riêng đối với Bamboo Airway, hiện ngân hàng cho vay khoảng 1.000 tỷ đồng nữa.
Giống như Sacombank, ngân hàng OCB cũng đang thương thảo thu nợ trước hạn với Tập đoàn FLC. Theo ông Tùng, dự kiến sau tháng 4 dư nợ của FLC đối với ngân hàng có thể giảm ngay 1.200 - 1.500 tỷ đồng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận