Đại gia Phan Thành Muôn vừa bị khởi tố là ai?
Ông Phan Thành Muôn được cơ quan điều tra xác định là Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh - một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản với vốn điều lệ 900 tỷ đồng.
Trụ sở CTCP sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Ảnh Tuổi trẻ.
Như đã đưa tin, trên cơ sở kết quả điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 3/11/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”, xảy ra tại CTCP Tập đoàn đầu tư Khoáng sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh) và các đơn vị liên quan.
Đồng thời, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 9 bị can. Trong đó, bị can Phan Thành Muôn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Thịnh bị khởi tố về 2 tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Khoản 2, Điều 227 và Khoản 3, Điều 221, Bộ luật Hình sự.
6 bị can, gồm: Vũ Đức Phương Linh, Phó Tổng Giám đốc CTCP Titanium Hưng Thịnh; Ngô Quang Anh, Giám đốc Công ty Thân Gia; Hoàng Thượng Hạ (Quốc tịch Trung Quốc); Nguyễn Anh Tuấn, Kế toán trưởng CTCP sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh; Nguyễn Thị Hằng, Thủ quỹ Công ty Hưng Thịnh; Hậu Tú Doanh, nhân viên kinh doanh CTCP Titanium Hưng Thịnh bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại Khoản 3, Điều 221, Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, 2 bị can Phạm Văn Dương, Giám đốc điều hành mỏ CTCP sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh; Nguyễn Văn Chiến, Tổng Giám đốc CTCP Titanium Hưng Thịnh bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên", quy định tại Khoản 2, Điều 227, Bộ luật Hình sự.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn, Công ty Hưng Thịnh hoạt động chính trong lĩnh vực khoáng sản, được thành lập vào tháng 3/2015 với vốn điều lệ 900 tỷ đồng, góp bởi 3 cổ đông là ông Phan Thành Muôn (69%), ông Phan Thành (30%) và ông Phạm Văn Định (1%).
Đến tháng 9/2017, bà Trương Thị Kim Soan trở thành cổ đông lớn nhất tại Công ty Hưng Thịnh với tỷ lệ nắm giữ 69%. Sinh năm 1974, bà Trương Thị Kim Soan từng có thời gian là chủ sở hữu Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và sản xuất Tân Cẩm Xương. Bà Soan cũng nắm đến 51% vốn tại Công ty TNHH Khoáng sản Thiên Ân (tháng 6/2017).
Dù vậy, 2 tháng sau đó cơ cấu cổ đông của Công ty Hưng Thịnh lại trở về như khi mới thành lập. Cập nhật tại ngày 25/9/2024 tại cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh là ông Phạm Văn Định (SN 1976).
Doanh nhân sinh năm 1976 này đến tháng 9/2024 cũng là Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Zirconium và Titanium Hưng Thịnh. Vào tháng 11/2023, UBND tỉnh Bình Thuận đã có quyết định cho Titanium Hưng Thịnh thuê 3.549.401,4m2 để thực hiện dự án khai thác quặng titan-zircon sa khoáng tại khu vực Thiện Ái thuộc huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Công ty này ra đời vào năm 2014 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, chủ sở hữu là CTCP Khoáng sản Đô Thành. Hai năm sau, vào tháng 9/2016, Công ty Hưng Thịnh trở thành chủ sở hữu Titanium Hưng Thịnh. Sau nhiều lần điều chỉnh tăng, vốn điều lệ của Titanium Hưng Thịnh tại ngày 26/7/2022 đạt mức 800 tỷ đồng.
Năm 2014, ông Phạm Văn Định và Phan Thành Muôn còn góp vốn thành lập Công ty TNHH Khoáng sản Hưng Thịnh Sài Gòn. Tại ngày 25/9/2024, công ty này có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó Công ty Hưng Thịnh nắm 45%, số còn lại thuộc về ông Phạm Văn Định.
Trước đó vào tháng 3/2013, một cá nhân có cùng tên Phan Thành Muôn đã cùng CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu dịch vụ và đầu tư Tân Bình – Tanimex (TIX) góp vốn thành lập Công ty TNHH Khoáng sản Phú Thiện có vốn điều lệ 20 tỷ đồng với tỷ lệ lần lượt là 5% và 95%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường