24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Vũ Hồng Hoa
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đại dịch kéo dài, cuộc sàng lọc doanh nghiệp địa ốc trên sàn chứng khoán càng thêm khắc nghiệt

Trong khi nhiều doanh nghiệp tiếp tục đạt lợi nhuận tăng trưởng tốt thì cuộc sàng lọc đang thể hiện ở nhiều trường hợp khó khăn, thua lỗ trong bối cảnh đại dịch kéo dài...

Hơn một năm qua, dịch bệnh COVID-19 xẩy ra đã đảo lộn mọi mặt đời sống, xã hội và các hoạt động kinh tế. Trong vòng quay của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp (trong đó có doanh nghiệp bất động sản) đã phải thay đổi chiến thuật kinh doanh, gần như rút vào hoạt động cầm chừng để vượt qua khó khăn, duy trì công ăn việc làm cho người lao động.

Đặc biệt, từ đầu tháng 4 trở lại đây, dịch bệnh bùng phát trở lại lần thứ 4 khiến nhiều tỉnh thành phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động trong nền kinh tế bị gián đoạn, hàng loạt doanh nghiệp địa ốc quy mô vừa và nhỏ gặp khó khăn, thậm chí không cầm cự nổi...

Song trong cuộc thử thách và có tính sàng lọc này, khi COVID-19 đã và đang có xu hướng ảnh hưởng tiêu cực kéo dài, vẫn có những doanh nghiệp trụ vững và phát triển nhờ kế hoạch kinh doanh hợp lý trong đại dịch.

Theo khảo sát của BizLIVE, mặc dù dịch bệnh hoành hành nhưng quý 2 vừa qua, nhiều “ông lớn” bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán vẫn công bố lợi nhuận tăng mạnh; có doanh nghiệp đạt hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí có đơn vị lãi ròng cả chục nghìn tỷ đồng ngay trong những tháng dịch bệnh bùng phát.

Điển hình như, Công ty Cổ phần Vinhomes (thuộc Tập đoàn Vingroup). Với vị thế là doanh nghiệp lớn nhất cả nước trong lĩnh vực bất động sản hiện nay, với hàng loạt dự án lớn phủ khắp Bắc – Trung – Nam, quý 2 vừa qua doanh nghiệp này công bố doanh thu và lợi nhuận hợp nhất tăng vọt so với cùng kỳ.

Theo công bố của Vinhomes, quý 2 vừa qua tổng doanh thu thuần hợp nhất của doanh nghiệp đạt hơn 28.700 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp đạt hơn 13.200 tỷ đồng, lãi ròng hơn 10.300 tỷ đồng, tăng gần ba lần so với cùng kỳ năm 2020.

Theo báo cáo, để có phần lợi nhuận trên, trong quý 2 vừa qua, Vinhomes đã mở bán dự án The Metrolines nằm trong đại đô thị Vinhomes Smart City theo hình thức trực tuyến thu hút 16.000 người xem.

Trong tháng 5/2021, mô hình kinh doanh bất động sản O2O (Online – to – Offline) của Vinhomes đã ra mắt ứng dụng kết nối hệ thống đại lý phân phối và cư dân, góp phần hoàn thiện hệ sinh thái đa điểm chạm.

Tại dự án Vinhomes Ocean Park, Biển hồ nước mặn nhân tạo Crystal Lagoons lớn nhất Việt Nam đã mở cửa cho cư dân trải nghiệm, khẳng định đặc quyền tận hưởng sống và nghỉ dưỡng ngay tại các đại đô thị Vinhomes...

Có quy mô nhỏ hơn và đại diện cho khối doanh nghiệp đứng đầu khu vực miền Nam, quý 2 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (NVL) cũng đạt mức lãi khủng.

Theo công bố của doanh nghiệp này, trong quý, bất chấp dịch bệnh COVID-19 hoành hành và kéo dài tại TP.HCM khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc đi vào hoạt động cầm chừng thì doanh nghiệp địa ốc này vẫn công bố mức doanh thu tăng trưởng khá cao.

Theo báo cáo tài chính mới được công bố cách đây không lâu, trong quý 2, NVL đạt doanh thu hợp nhất gần 7.097 tỷ đồng, tăng gần 282% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, doanh thu từ bán hàng đạt 6.344 tỷ đồng, tăng 541% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 2.014 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm trước.

Một doanh nghiệp khác cũng công bố mức lãi không kém cạnh đó là trường hợp của Công ty Cổ phần Hưng Thịnh. Quý 2, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons (HTN) cũng ghi nhận doanh thu thuần 1.696 tỷ đồng, gấp 3 lần và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ 82,4 tỷ đồng, gấp 31 lần cùng kỳ. Lãi gộp của doanh nghiệp ghi nhận 145 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đột biến 102,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 2,4 tỷ đồng.

Tương tự, 6 tháng đầu năm 2021, Công ty Công ty Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) cũng công bố doanh thu thuần đạt 744 tỷ đồng (tăng 17%) và lãi ròng đạt 115 tỷ đồng (tăng 95%).

Tuy nhiên, đi cùng với đó, hàng tồn kho tại Hải Phát tăng 68% so với đầu năm, lên 3.833 tỷ đồng, phần lớn do tăng giá trị bất động sản để bán đang xây dựng. Tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 95 tỷ đồng, tập trung tại các dự án Tây Nam An Khánh, Tân Tây Đô... Đồng thời, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 48% lên 2.908 tỷ đồng, chủ yếu do tăng khoản phải thu theo các hợp đồng hợp tác đầu tư.

Đáng chú ý, mặc dù lợi nhuận ròng tăng cao nhưng dòng tiền kinh doanh của Hải Phát xuống mức âm 1.550 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm 181 tỷ đồng. Đồng thời, dòng tiền thuần trong kỳ âm gần 516 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ âm gần 169 tỷ đồng.

Có phần ảm đạm, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, HOSE: SGR) ghi nhận 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần giảm 8%, xuống còn 30 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 102 tỷ đồng. Kinh doanh thua lỗ, dòng tiền kinh doanh tại SGR cũng âm gần 14 tỷ đồng.

Cùng hoàn cảnh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (mã CK: NRC) ghi nhận doanh thu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 4,8 tỷ đồng, chỉ bằng 1/20 so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế lỗ 69 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi sau thuế 2,3 tỷ đồng.

Không chỉ lỗ nặng, dòng tiền kinh doanh tại Danh Khôi còn âm hơn 15,4 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 dương hơn 2,4 tỷ đồng. Nguyên nhân do hàng tồn kho bất ngờ tăng gấp 4,4 lần so với đầu năm, lên hơn 36 tỷ đồng. Hơn nữa, tiền và các khoản tương đương tiền cũng ‘lao dốc’ từ 13,4 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 1,8 tỷ đồng..

Thê thảm nhất có lẽ phải kể đến là trường hợp của Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO Group, Mã: CEO). Quý 2 vừa qua, doanh nghiệp địa ốc với “siêu dự án” nghỉ dưỡng đang triển khai ở Vân Đồn này báo doanh thu thuần giảm 32% xuống còn 282,6 tỷ đồng và lỗ gần 165 tỷ đồng trong khi cùng kỳ 2020 chỉ lỗ 110 tỷ đồng.

Cùng với đó, dòng tiền kinh doanh tại doanh nghiệp cũng âm hơn 91 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2020 ghi nhận dương hơn 208 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm hơn 37 tỷ đồng; hoạt động đầu tư tài chính cũng âm 16 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt hơn 165 tỷ đồng. Do đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ tại CEO Group âm hơn 144 tỷ đồng trong khi cùng kỳ đạt hơn 31 tỷ đồng...

Như trên, đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đối với nền kinh tế, bao gồm lĩnh vực bất động sản, hơn một năm qua. Khoảng thời gian đó đã bào mòn sức đề kháng của nhiều doanh nghiệp, cũng như đòi hỏi sự linh hoạt, thích nghi... Song, tác động tiêu cực chưa dừng lại khi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp và kéo dài. Theo đó, cuộc sàng lọc các doanh nghiệp địa ốc trên sàn chứng khoán dự báo sẽ tiếp tục thể hiện, thậm chí có thể khắc nghiệt hơn trong các kỳ công bố kết quả kinh doanh tới đây.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả