Đại dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương họp “khẩn”
Trước những diễn biến khó lường của dịch Covid – 19, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp bàn về các giải pháp ứng phó. Theo đó, nội dung trọng tâm xoay quanh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thị trường và đảm bảo hàng hóa.
Trước tình trạng số lượng ca nhiễm Covid – 19 tại Việt Nam và trên thế giới ngày càng tăng, chiều 20/3, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cùng các Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Hoàng Quốc Vượng, Cao Quốc Hưng,… tổ chức cuộc họp nhằm ứng phó dịch bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Dương Duy Hưng, Vụ Trưởng Vụ Kế hoạch cho biết, từ cuối tháng 1/2020, Bộ Công Thương đã có chỉ đạo, tổ chức triển khai hàng loạt biện pháp ứng phó trước nguy cơ dịch Covid-19 thâm nhập vào Việt Nam.
"Các biện pháp ứng phó nhằm tới 3 nhóm nội dung bao gồm: Kiểm tra kiểm soát tốt thị trường, bảo đảm ổn định cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ chống dịch cho người dân. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch bệnh, việc tổ chức nguồn cung khẩu trang phục vụ người dân theo tiêu chuẩn của ngành y tế là cấp thiết. Ngoài ra, cần đảm bảo điều tiết xuất nhập khẩu giải quyết khó khăn vướng mắc cho thị trường và doanh nghiệp", ông Hưng nói.
Cũng theo lãnh đạo Vụ Kế hoạch, đối với tình hình hiện tại, đối với vấn đề sản xuát kinh doanh cho doanh nghiệp cần thực hiện yêu cầu xử lý những vấn đề cấp bách, vừa triển khai các giải pháp trong trung và dài hạn.
"Ngoài các văn bản chỉ đạo xử lý thường xuyện, Bộ Công Thương cũng ban hành một số chỉ đạo mang tính bao quát. Trong đó, chỉ thị số 04 ngày 31/1/2020 của Bộ trưởng Công Thương về việc tăng cường các giải pháp ứng phó với dịch bệnh Covid-19; chỉ thị số 05 ngày 26/2/2020 về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19,…
Theo đó, các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của ngành Công Thương trước những diễn biến mới của Covid – 19", ông Hưng thông tin thêm.
Trước những khó khăn về việc tìm kiếm thị trường thay thế bao gồm cung ứng nguyên vật liệu và xuất khẩu hàng hóa, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị tại nước ngoài rà soát các đơn vị có khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu thay thế và nhu cầu nhập khẩu của các thị trường đó.
"Mặt khác, ở trong nước cũng tích cực làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất lớn ở một số ngành nghề đẻ nắm rõ nhu cầu, kế hoạch của các doanh nghiệp và kết nối với các đối tác
Hầu hết các hệ thông phân phối lớn đều tham gia vào hoạt động tiêu thụ hàng hóa cho nông dân. Bên cạnh đó, Bộ cũng làm việc với hiệp hội logistics để đề nghị giảm giá từ 15-20% cho các siêu thị tham gia bình ổn thị trường", đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Ngoài ra, nhằm bảo đảm cung ứng hàng hóa phục vụ người dân, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các dơn vị liên quan đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho người dân.
"Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp cam kết bình ổn giá nhất là trường hợp trên địa bàn có bệnh nhân dương tính với Covid-19. Đồng thời yêu cầu Sở Công thương các địa phương đánh giá nhu cầu, nguồn cung các loại hàng hóa trên địa bàn để có các phương án dự phòng.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng đã kết nối hỗ trợ cung ứng các mặt hàng khẩu trang, tổng hợp nhu cầu của các địa phương gửi Tập đoàn Dệt may Việt Nam, đồng thời cũng cấp thông tin các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này để các địa phương biết, liên hệ chủ động đặt hàng", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận