24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Bằng Việt Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đại dịch Corona - Thách thức và thời cơ cho doanh nghiệp

Vấn đề là ta cần tập trung quyết liệt hành động và chuyển đổi nhanh, thay vì ngồi dậm chân than khóc. Bạn đã đủ nhanh chưa?

Dù không mong muốn, và dù đi kèm với rất nhiều những thiệt hại, cũng nên thấy rằng đại dịch này cũng là một thời cơ cực tốt để “mượn dịch” bẻ 2 trong số 3 bất cập lớn nhất của các doanh nghiệp và của nền kinh tế Việt Nam hiện tại là “ý thức người lao động” và “năng lực tổ chức điều hành”.

Virus Corona đang càn quét khắp thế giới. Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng nó thậm chí có thể sẽ là thảm hoạ lớn nhất đối với loài người trong suốt 700 năm vừa qua, có nguy cơ vượt qua Dịch hạch đen - thảm hoạ đã tiêu diệt đến 200 triệu người (gần 1/3 dân số thế giới) thời thế kỷ 14 nếu chúng ta không kiểm soát được đủ tốt trong thời gian vài tuần tới.

Dĩ nhiên là chúng ta đều hy vọng những điều tốt đẹp hơn xảy ra cho loài người và cho Việt Nam. Do đó, hãy dành chút thời gian phân tích thêm về cơn đại dịch này để xác định những gì có thể làm cho các doanh nghiệp của chúng ta.

Những doanh nghiệp bị tác động

Dễ thấy rằng những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch Corona sẽ là du lịch - nhà hàng - khách sạn - nghệ thuật biểu diễn - vận tải hành khách - đào tạo giáo dục cùng những nhà cung cấp cho chúng. Trong số đó, các nhà sản xuất rượu bia sẽ nhận thêm thiệt hại đáng kể sau khi vừa bị ảnh hưởng bởi Nghị định 100.

Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, cho dù hoạt động trong ngành nào, cũng sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Hãy hình dung thử, chỉ cần một trường hợp bị phát hiện có nghi vấn nhiễm bênh là cả phân xưởng, nhà máy và những người có tiếp xúc sẽ bị cô lập, gây gián đoạn sản xuất và kinh doanh.

Các đơn vị sử dụng nhà cung cấp, vật tư nguyên vật liệu… từ những địa phương có các ca nhiễm bệnh cao cũng sẽ bị gián đoạn hoạt động. Đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình LEAN, JIT hoặc không kho.

Các doanh nghiệp vận tải hàng hoá, logistics và dịch vụ kho vận cũng vì thế mà sẽ suy giảm đơn hàng và doanh thu. Thậm chí, họ còn thiệt hại kép vì chi phí nhân sự trên một đơn vị hàng hoá sẽ tăng cao.

Thế ai sẽ hưởng lợi?

Hưởng lợi dễ thấy nhất sẽ là ngành y tế khi được quan tâm hơn, đầu tư thêm, và thêm đáng kể lượng bệnh nhân - những “khách hàng không thể trả giá”. Nhưng chỉ doanh nghiệp có lợi, chứ các y bác sĩ thì không có lợi gì đâu, chưa nói là thêm mệt nhọc và thậm chí rủi ro.

Bên có lợi nhất phải nói là các đơn vị cung cấp và phân phối vật tư tiêu hao cho ngành y tế, đặc biệt là những vật tư vật liệu “theo sóng” chính sách hoặc thậm chí là được chỉ định thầu.

Các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại bị ảnh hưởng vì mọi người ngại những nơi tụ tập đông người. Do đó nhu cầu sẽ chuyển dịch nhẹ về cho các cửa hàng tiện lợi, các tiệm tạp hoá gần nhà, các sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp có hệ thống bán hàng online đủ mạnh.

Thanh toán điện tử vì vậy sẽ có thể tăng nhẹ, ngân hàng và các cổng/ví điện tử sẽ có thể được hưởng lợi. Giao hàng (delivery) cũng sẽ được hưởng lợi không ít từ trào lưu này.

Digital marketing và quảng cáo trực tuyến cũng có thể vì vậy mà hưởng lợi mạnh. Đặc biệt, là khi doanh nghiệp quá “bí” trong thị trường truyền thống nên buộc phải đổ tiền mạnh hơn cho kênh online.

Đó là trong ngắn hạn, còn nếu đại dịch Corona dai dẳng, nhưng không bùng phát quá mạnh thì sao?

Doanh thu xe cá nhân có thể tăng nhẹ lại, vì người dân sẽ cảm thấy an toàn hơn khi đi xe cá nhân thay vì đi xe “chung”. Quán cafe vắng khách hơn, nhưng nếu nhu cầu là đủ bền vững thì các sản phẩm thay thế như cafe bột pha sẵn và cafe nguyên liệu để tự pha có thể sẽ tăng nhẹ.

Các quán ăn uống sẽ giảm lượng khách đến, nhưng nếu có kết nối với các ứng dụng giao thức ăn sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn trước khi phụ thuộc quá nhiều vào các ứng dụng ấy và bị bất lợi trong trung dài hạn.

Nhu cầu giáo dục là luôn mạnh, đặc biệt là ở Việt Nam. Nhưng vì không thể đến lớp, nên các giải pháp học từ xa hay tự học ở nhà sẽ tăng. Giải trí là nhu cầu không quá bức thiết, nhưng trong trung dài hạn vẫn sẽ có một phần chuyển dịch qua kênh trực tuyến. Do vậy, các đơn vị cung cấp nội dung số, cổng trò chơi và giải trí có thể sẽ khởi sắc hơn.

Các nhà cung cấp giải pháp công nghệ thông tin cho doanh nghiệp để trực tuyến hoá (đến gần người dùng hơn) hay tự động hoá (giảm phụ thuộc vào nhân sự) sẽ có một giai đoạn phát triển mạnh mẽ. Các nhà phát triển hay nội địa hoá phầm mềm cũng sẽ có lợi khi mà nhu cầu người dân sẽ tăng trong khi họ lại có các đặc thù rõ nét nên ít có thể sử dụng trực tiếp các phần mềm của thế giới.

Doanh nghiệp cần và nên làm gì?

Dù không mong muốn, và dù đi kèm với rất nhiều những thiệt hại, cũng nên thấy rằng đại dịch này cũng là một thời cơ cực tốt để “mượn dịch” bẻ 2 trong số 3 bất cập lớn nhất của các doanh nghiệp và của nền kinh tế Việt Nam hiện tại là “ý thức người lao động” và “năng lực tổ chức điều hành”.

Là lãnh đạo doanh nghiệp, có lẽ chúng ta luôn biết rõ những bất cập ấy, nhưng hoặc là thấy chưa quá cần kíp, hoặc đã thấy gấp, nhưng lại chưa nhận được sự đồng thuận rộng rãi trong doanh nghiệp nên chưa thay đổi được. Đây là thời cơ cực tốt để làm được điều đó! Người Việt Nam chúng ta luôn có sức bật cực kỳ kinh khủng những khi họ cùng đồng thuận được về một “kẻ thù chung” nào đó.

Vấn đề là lãnh đạo doanh nghiệp cần chỉ mặt được kẻ thù đó và có “hành động của chúng ta" cụ thể trong doanh nghiệp của mình.

Thứ nhất, thay đổi ý thức của người lao động: Thái độ (đối với công việc, công ty, đồng nghiệp và khách hàng), mức độ tuân thủ kỷ luật, tính chuyên nghiệp và khả năng phối hợp. Trong giai đoạn này, làm 5S, HACCP, AT-VS-MT… hay quản trị rủi ro sẽ cực kỳ nhẹ nhàng và “thiên thời, địa lợi, nhân hoà". Làm một được mười, nhưng nhớ là phải làm thật, nhanh và quyết liệt.

Thứ hai, chuyển đổi năng lực tổ chức điều hành: Xem xét và phân tích lại hệ thống quy trình điều hành cùng mô hình kinh doanh, cải tiến quyết liệt và áp dụng công nghệ vào tổ chức và điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh để giảm thiểu phụ thuộc vào nhân sự, lượng nhân sự sử dụng, thời gian giao hàng và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vẫn phải làm thật, nhanh và quyết liệt, nhưng cần cẩn thận và khoa học hơn vì phạm vi cùng mức độ ảnh hưởng sẽ cao hơn rất nhiều, và chi phí đầu tư cũng sẽ tương đối đáng kể. Việc này lưu ý rằng không nhất thiết đồng nghĩa với ERP, cách mạng công nghiệp 4.0 hay mây hoá.

La Quán Trung trong Tam quốc diễn nghĩa có viết “thiên hạ hợp rồi lại tan, tan rồi lại hợp”. Thay đổi là điều chúng ta không thể ngăn cản được, nhất là khi đó lại là những thảm hoạ (do tự nhiên hay con người). Sự thay đổi có thể sẽ là thảm hoạ cho những người hay doanh nghiệp bảo thủ như tư đồ Vương Doãn hay thái phó Viên Ngỗi, nhưng lại là cơ hội cho những kiêu hùng dám nghĩ, dám làm như Viên Thiệu, Tào Tháo, Lưu Bị, hay Tôn Kiên.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Trần Bằng Việt Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả