“Dài cổ” ngóng sàn giao dịch nợ xấu
Dù đề xuất thành lập Sàn giao dịch nợ xấu đã được đưa ra từ nhiều năm nay, nhưng đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy.
Ông Nguyễn Tiến Đông, Chủ tịch HĐQT VAMC từng có kiến nghị khi kết thúc thời hạn hiệu lực của Nghị quyết số 42 (tháng 8/2022) hoặc một thời hạn sớm hơn, cần trình Quốc hội luật hóa Nghị quyết số 42 theo hướng áp dụng cho tất cả các chủ thể tham gia thị trường mua, bán nợ xấu, đồng thời chỉ đạo sửa đổi, bổ sung những bất cập, vướng mắc của các quy định pháp luật có liên quan trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 42.
Công bằng mà xét, Nghị quyết 42 đã thực sự là một cú hích lớn đẩy các TCTD vào con đường rộng rãi, thuận tiện chạy đà phá bom nợ xấu. Nếu không có Nghị quyết 42, các TCTD cũng không thể dễ dàng phát mãi, đấu giá, thanh lý tài sản thu hồi nợ. Các “con nợ” cá nhân, tổ chức cũng không dễ dàng hợp tác chủ động trả nợ nếu còn có điều kiện, khả năng. Điều này góp phần cho số liệu nợ xấu nội bảng của các TCTD vơi nhanh, và vẫn ở mức “đẹp” dưới 3% kể cả trong dịch như hiện tại.
Nhưng Nghị quyết 42, bên cạnh vai trò khơi rộng khung pháp lý cho các TCTD mạnh tay mua bán xử lý nợ, vẫn chưa lấp được vùng trống của việc thiếu một sàn giao dịch nợ xấu – điều mà khoảng hơn 15 năm qua thị trường tài chính – ngân hàng vẫn không ngừng được đón nhận các ý kiến góp ý, các bài viết bàn lui tính tới của các chuyên gia.
Với tình hình nợ xấu có thể bùng phát khi COVID-19 thấm qua lõi kinh tế, doanh nghiệp và “thấm” đến hệ thống ngân hàng, việc “đón trước” bom nợ xấu để xử lý chủ động, không tạo vùng rủi ro cho hệ thống, phải đồng nghĩa có hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu một cách hoàn thiện, đồng bộ, tạo sự kết nối và mở rộng với các chủ thể tham gia không chỉ ở trong nước. Đặc biệt, phải có sự phối hợp cùng các Luật khác để tránh chồng chéo (ví dụ Luật Nhà ở với quyền sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam)…
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận