Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: “Cần phải thanh tra toàn bộ đất dành cho giáo dục tại các khu đô thị”
ĐBQH Lê Thanh Vân: “Nhiệm kỳ của một lãnh đạo là 5 năm, phát biểu thì rất hăng, nhưng có khi hết nhiệm kỳ rồi vẫn không xử lý được, người dân vẫn khổ sở chạy ngược chạy xuôi lo chỗ học cho con”.
Trân trọng giới thiệu tới quý độc giả!
Câu chuyện nhiều khu đô thị (KĐT) ở Hà Nội “quên” trường học đã kéo dài rất nhiều năm nay khiến không ít gia đình khổ sở tìm nơi học tập cho con, chất lượng giáo dục đào tạo bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, thực trạng này cũng cho thấy Luật Quy hoạch kiến trúc, Luật Xây dựng mà Quốc hội ban hành và các Nghị định của Chính phủ chưa được thực hiện đúng.
Trả lời Reatimes về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội, TS. Lê Thanh Vân – Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội (người luôn rất tâm huyết với những vấn đề liên quan tới đời sống an sinh của người dân) nói thẳng, nhiều năm qua Hà Nội không chấn chỉnh xử lý dứt điểm được tình trạng này, vì vậy cần có chỉ đạo ở tầm Chính phủ để qua đó giải quyết nút thắt và không lặp lại ở các địa phương khác. Đồng thời, Quốc hội cũng cần phải giám sát quá trình thực thi luật để giúp Chính phủ và các địa phương giải quyết triệt để vấn đề này, bởi giáo dục là quốc sách hàng đầu, là tương lai của dân tộc.
BAO NHIÊU LÔ ĐẤT DÀNH CHO GIÁO DỤC ĐỂ HOANG, BAO NHIÊU LÔ ĐẤT
"LÒNG VÒNG" CHUYỂN MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG?
PV: Thưa ĐBQH Lê Thanh Vân, ông có suy nghĩ gì khi nhiều KĐT ở Hà Nội “quên” trường học, khiến cho người dân rất vất vả tìm nơi học tập cho trẻ nhỏ?
Không chỉ thiếu trường học, các KĐT còn thiếu cả cơ sở y tế, văn hóa, thể thao… người dân thì chỉ biết kêu trời. Các KĐT thiếu trường học cũng khiến cho nhiều trường học ở các khu vực lân cận bị quá tải, dẫn tới chuyện có những lớp lên tới 60 học sinh, cao gấp hai lần so với quy định từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, như vậy không thể đảm bảo chất lượng dạy và học.
Điều này cho thấy chính quyền thành phố Hà Nội những năm trước đây và các sở ngành có liên quan chưa làm tốt vai trò quản lý, dẫn tới người dân chạy đôn chạy đáo tìm nơi học cho con là rất đáng trách.
Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 đã có quy định bắt buộc về đất để phát triển các cơ sở giáo dục khi quy hoạch các KĐT. Các quy định được cụ thể hóa hơn ở Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị, Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng...
Các chỉ tiêu, tỷ lệ đất phát triển các cơ sở giáo dục trong các đồ án quy hoạch được quy định tại Quy chuẩn xây dựng Việt Nam - QCXDVN 01:2008/BXD về quy hoạch xây dựng.
Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 đã quy định trách nhiệm của chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được phép bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi đã hoàn thành xong việc xây dựng nhà, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực…
Còn ở Luật Nhà ở 2014 thì quy định chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại phải xây dựng nhà ở và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong dự án theo đúng quy hoạch chi tiết, nội dung quyết định chủ trương đầu tư dự án … phải tuân thủ tiến độ của dự án đã được phê duyệt”.
Nghị định số 11/2013/NĐ-CP cũng nêu đối với các dự án khu đô thị: Chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội, theo tiến độ phù hợp với các công trình nhà ở, đảm bảo chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân đến ở. Trường hợp chính quyền địa phương trực tiếp đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trong các khu đô thị bằng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước thì đơn vị được Nhà nước giao làm chủ đầu tư xây dựng công trình phải thực hiện đầu tư xây dựng các công trình này theo đúng tiến độ của dự án đã được phê duyệt và bảo đảm sự thống nhất trong tổng thể dự án như là chủ đầu tư thứ cấp.
Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở phải có thuyết minh về “Khu vực đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học, y tế, dịch vụ, thể thao, vui chơi, giải trí, công viên), trừ trường hợp khu vực của dự án đã có công trình hạ tầng xã hội”; “Chủ đầu tư dự án phải xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo nội dung và tiến độ dự án đã được phê duyệt; “Việc bàn giao nhà ở cho người sử dụng chỉ được thực hiện sau khi đã hoàn thành nghiệm thu đưa công trình nhà ở và các công trình hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu ở nêu trong nội dung dự án được phê duyệt vào sử dụng…”.
Với hàng loạt quy định như vậy, nhưng hàng vạn người dân sống trong các KĐT vẫn không được hưởng các công trình hạ tầng xã hội, trong đó thiếu trường học là thí dụ điển hình nhất, cho thấy quá trình thực thi luật không nghiêm túc.
PV: Xảy ra thực trạng KĐT "quên" trường học, hẳn là có trách nhiệm rất lớn của lãnh đạo UBND thành phố và các đơn vị thuộc Hà Nội giai đoạn này, thưa ông?
Nhiệm kỳ của một lãnh đạo là 5 năm, phát biểu thì rất hăng nhưng có khi hết nhiệm kỳ rồi vẫn không xử lý được, người dân vẫn khổ sở chạy ngược chạy xuôi lo chỗ học cho con.
Có những ý kiến cho rằng, chủ đầu tư chỉ có chức năng làm nhà ở, không có chuyên môn phát triển giáo dục. Tuy nhiên, cách giải thích này chỉ là để né tránh trách nhiệm, bởi vì về nguyên tắc khi UBND thành phố ra quyết định phê duyệt triển khai dự án thì hồ sơ phải đầy đủ, phân định rõ khu đất nào bàn giao để cơ quan nhà nước đầu tư làm trường công, khu nào do chủ đầu tư trực tiếp triển khai mở trường tư thục, hoặc phối hợp xây dựng chuyển giao giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.
Nói tóm lại, sự việc nhiều KĐT bỏ đất hoang hóa nhiều năm trời không làm trường học hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng là trái với các quy định của pháp luật, cần thiết phải xử lý nghiêm minh.
Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ có bao nhiêu lô đất dành cho giáo dục trong các KĐT nhưng rồi lòng vòng chuyển mục đích sử dụng để làm công trình khác, nếu có thì phải truy xét trách nhiệm và thu hồi trả về đúng với mục đích sử dụng cho giáo dục.
CẦN SỰ CHỈ ĐẠO QUYẾT LIỆT TỪ CHÍNH PHỦ
PV: Theo ông, phải xử lý thực trạng này thế nào để qua đó rút kinh nghiệm, trở thành quy định chung cho các địa phương khác?
Các Nghị định hướng dẫn thực thi luật cũng đã có những mức phạt khác nhau, cao nhất là lên tới 300 triệu đồng đối với chủ đầu tư có hành vi bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành việc xây dựng theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực... hoặc chưa hoàn thành nghiệm thu đưa công trình nhà ở, công trình hạ tầng xã hội vào sử dụng.
Ngoài mức phạt tiền, chủ đầu tư còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy định hoặc cam kết và buộc bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng mức phạt như vậy là quá nhẹ so với lợi nhuận mà các chủ đầu tư thu về và cho tới nay cũng chưa thấy trường hợp nào phải khắc phục hậu quả.
Để chấm dứt tình trạng KĐT “quên” trường học, Chính phủ cần chỉ đạo cơ quan thanh tra vào cuộc, xử lý rõ trách nhiệm của địa phương và các chủ đầu tư không hoàn thành trách nhiệm xây dựng hạ tầng xã hội nhưng đã bán nhà cho người dân.
Cần phải truy xét trách nhiệm cụ thể của từng cá nhân từ khâu phê duyệt dự án cho tới kiểm tra, giám sát triển khai, bởi đây là vấn đề về tổ chức thi hành pháp luật, không phải vấn đề của các quy định pháp luật.
Cần phải làm rõ các khu đất dành cho giáo dục có bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang công trình khác không, có động cơ cố ý làm trái không?
PV: Ông có cho rằng, Quốc hội cũng cần vào cuộc để giúp cho Chính phủ và các địa phương xử lý triệt để vấn đề này?
Tôi cũng mong rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cần có ý kiến chính thức với Quốc hội và Chính phủ đề giải quyết triệt để vấn đề này.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hàng loạt cái tên khiến dư luận xã hội bức xúc vì bán nhà nhưng "quên" xây dựng trường mà cơ quan chức năng đã chỉ ra như: KĐT Xuân Phương Viglacera do Tổng công ty Viglacera làm chủ đầu tư; KĐT mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh do Công ty TNHH Một thành viên Kinh doanh Dịch vụ Nhà Hà Nội làm chủ đầu tư;
KĐT mới Pháp Vân – Tứ Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội) do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD, thuộc Bộ Xây dựng) đầu tư xây dựng từ năm 2002 và sau gần 20 năm thì mới chỉ có 1 trường mẫu giáo được hoành thành và đưa vào sử dụng, các ô đất còn lại dành xây trường đang để hoang hóa, bị chiếm dụng làm bãi đỗ xe trái quy định;
HUD cũng là đơn vị triển khai xây dựng KĐT Việt Hưng (Gia Lâm, Hà Nội) từ 2005, sau khi hoàn thành và bán cho dân về ở thì cho tới nay chỉ có 1 trường tiểu học hoàn thành, nhiều ô đất khác để xây trường học đã chuyển cho nhà đầu tư thứ phát và đến nay vẫn không xây trường.
KĐT Tây Nam hồ Linh Đàm cũng do HUD triển khai, quy hoạch 6 ô đất xây dựng trường học, tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học được đưa vào sử dụng, 5 lô đất còn lại quy hoạch xây dựng trường học chưa triển khai, trong đó 2 ô đất (NT1 và TH1) đã chuyển cho nhà đầu tư thứ phát; 2 ô đất (NT2, TH2) đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đất (TH4) chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng;
Khu nhà ở Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai) có hạng mục nhà tái định cư do Công ty CP đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội làm chủ đầu tư, nhưng không có trường học.
Bên cạnh đó, còn một loạt những cái tên khác như: Khu chức năng đô thị Ao Sào (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty CP đầu tư và phát triển Lũng Lô 5 làm chủ đầu tư; Dự án khu nhà ở Thạch Bàn (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) chủ đầu tư là Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị BQP; KĐT mới Vân Canh do HUD đầu tư; KĐT mới Phùng Khoang do Tập đoàn Nam Cường đầu tư… cũng rơi vào tình trạng “quên” xây trường học.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận