Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ xăng dầu 'thiếu thật hay giả'
Xăng dầu thiếu thật hay giả trên thị trường cần được cơ quan quản lý đánh giá, làm rõ để có giải pháp căn cơ, lâu dài, theo đại biểu Quốc hội.
Thị trường xăng dầu bất cập thời gian qua khi thiếu nguồn cung cục bộ một lần nữa được các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội, ngân sách năm 2022, và dự toán kế hoạch 2023, sáng 28/10.
Đại biểu Tạ Thị Yên (tỉnh Điện Biên) nhận xét, Việt Nam có chiến lược an ninh năng lượng quốc gia, hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn đảm bảo tới 70-80% sản lượng tiêu thụ trong nước, chỉ phải nhập khẩu 20%. Nhưng thời gian qua đã xảy ra hiện tượng "hết xăng" tại một loạt các cây xăng ở TP HCM, Hà Nội.
"Việc xăng dầu thiếu thật hay giả cần phải nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá để có giải pháp căn cơ, lâu dài", bà Yên đề nghị.
Theo nữ đại biểu tỉnh Điện Biên, xăng dầu là nhiên liệu, đầu vào của nền kinh tế, một trong những trụ cột quan trọng chính của an ninh năng lượng quốc gia. Giá xăng, dầu tác động tới hầu hết ngành kinh tế và đời sống, sinh hoạt của người dân. Vì thế, giá xăng dầu ổn định, các cân đối vĩ mô sẽ ổn định, sản xuất kinh doanh phát triển, tăng trưởng kinh tế và nhà nước lại thu được thuế, phí từ nền kinh tế.
"Cách can thiệp tốt nhất của Nhà nước đối với thị trường xăng dầu là bằng chính sách tài khóa, thông qua thuế, phí và làm tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan", bà nói.
Xăng dầu trong nước nhiều xáo trộn, nhất là ở khu vực phía Nam, khi một số cửa hàng đóng cửa, bán nhỏ giọt, còn doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ than lỗ do chiết khấu (phần chi phí để lại của doanh nghiệp đầu mối, phân phối cho đơn vị bán lẻ) xuống thấp, thậm chí bằng 0.
Tại phiên thảo luận hôm qua (27/10), nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, sự phối hợp điều hành của các bộ liên quan còn lúng túng.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhận xét, tình hình thiết hụt xăng dầu vẫn đang xảy ra cục bộ, chưa được xử lý dứt điểm. Việc này gây bức xúc và làm ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nói, cơ quan quản lý cần sớm khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng trên thị trường xăng dầu và rút ra bài học kinh nghiệm quản lý, điều hành để không tái diễn.
Trước đó, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP HCM cũng từng nêu trong đơn gửi Chính phủ đầu tháng 10 rằngg, điều hành của hai Bộ Công Thương, Tài chính có vấn đề.
Theo các doanh nghiệp, hai cơ quan được giao nhiệm vụ điều hành thị trường và giá xăng dầu thời gian qua bị cho rằng "phản ứng chậm, và đùn đẩy trách nhiệm". Trước khi quyết định điều chỉnh chi phí kinh doanh xăng dầu được Bộ Tài chính đưa ra ngày 7/10, Bộ Công Thương cho hay đã ít nhất 4 lần đề xuất cơ quan này điều chỉnh, nhưng chưa được đồng thuận. Bộ này đánh giá việc điều chỉnh chậm là nguyên nhân khiến chiết khấu giảm về 0, cửa hàng bán lẻ bị lỗ...
Trong khi đó, Bộ Tài chính cho rằng việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp...
Sau thời gian tạm ổn, tình hình xăng dầu, nhất là phía Nam vẫn thiếu hụt. Nhiều cửa hàng bán lẻ ở miền Tây khó khăn về nguồn cung, báo lỗ buộc phải xin đóng cửa. Như tại Sóc Trăng, theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, tỉnh này thiếu khoảng 75.000 m3 xăng dầu trong những tháng cuối năm nay, đầu năm sau.
Tại TP HCM, Sở Công Thương cho biết hiện có khoảng 10% cửa hàng xăng dầu bán lẻ trong tình trạng hết hàng, đóng cửa hay bán nhỏ giọt.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận