Đại biểu Quốc hội: Cần tổ chức giao dịch trái TPDN riêng lẻ theo hình thức tập trung
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam khẳng định thị trường trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên để phát huy tốt vai trò của thị trường này cần tăng cường công khai, minh bạch thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Đại biểu cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tác dụng làm giảm áp lực đối với các kênh tín dụng, góp phần tài trợ vốn cho phát triển nền kinh tế đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong trái phiếu nói riêng cũng như thị trường chứng khoán nói chung. Tuy nhiên trên thị trường trái phiếu thời gian vừa qua, đã có nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng theo quy định của pháp luật gây ra nhiều lo ngại về rủi ro cho các hà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ lẻ, gây mất cân đối với nền kinh tế khi dòng vốn đi vào những thị trường rủi ro, có tính đầu cơ cao thay vì đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh thực tế để phát triển kinh tế - xã hội…
Đề xuất các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu trong thời gian tới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam đề nghị, cần tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hình thức giao dịch tập trung để tăng cường công khai, minh bạch cũng như tăng cường quản lý, giám sát chặt thị trường. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hơn các tổ chức phân phối bán trái phiếu doanh nghiệp để tránh những hành vi có tính chất lôi kéo, xúi giục người dân mua trái phiếu rủi ro.
Sớm rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Trước một số vấn đề nổi lên về thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh quan tâm và cho ý kiến làm rõ một số nhiệm vụ, giải pháp để phát triển an toàn, bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đai biểu cho biết, thị trường trái phiếu doanh nghiệp có tốc độ phát triển mạnh mẽ với sự tăng trưởng trở thành một kênh cấp vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp.
Nhưng cùng với sự tăng trưởng nóng là những rủi ro tiềm ẩn về chất lượng sản phẩm khi có nhiều loại trái phiếu phát hành không tài sản bảo đảm, không bảo lãnh thanh toán, không xếp hạng tín nhiệm. Nhiều trái phiếu doanh nghiệp sắp đến kỳ đáo hạn nhưng sức khỏe của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản đang sụt giảm do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid - 19 nên dễ đối mặt với rủi ro doanh nghiệp không có khả năng trả nợ đến hạn.
Đại biểu cũng ghi nhận, ngay khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp manh nha những rủi ro thì cơ quan quản lý nhà nước đã kịp thời phát đi những cảnh báo rủi ro. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện để tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mặc dù vậy, qua những vụ việc như vụ Tân Hoàng Minh cho thấy, cơ chế chính sách của nhà nước đã bị lợi dụng, dẫn đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp bộc lộ những bất cập, hạn chế như điều kiện phát hành còn lỏng lẻo; tiêu chí đánh giá xếp hạng doanh nghiệp phát hành và sự kiểm tra, giám sát quản lý của cơ quan chủ quản và các cơ quan liên quan chưa quyết liệt. Nhiều cá nhân đầu tư chưa có được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật và hiểu biết về thị trường.
Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới được an toàn bền vững, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát lại các cơ chế chính sách, tập trung sơ kết, tổng kết để sớm sửa đổi hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, cần tiếp tục siết chặt hơn các quy định quản lý nhà nước về phát hành trái phiếu doanh nghiệp như về điều kiện để được phát hành trái phiếu doanh nghiệp, doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, bắt buộc phải có đánh giá xếp hạng tín nhiệm, cần có quy định pháp lý để thúc đẩy sự ra đời của tổ chức xếp hạng tín nhiệm và giám sát hoạt động của các tổ chức này. Cần sửa đổi quy định để nâng cao mức độ công khai hóa, minh bạch hóa thông tin cũng như các quy định an toàn tài chính. Sửa đổi quy định về mục đích phát hành trái phiếu nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc sử dụng tiền huy động đúng mục đích.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành đầu tư, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp. Tiến hành xử phạt nghiêm, công bố rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Trường hợp xác định có dấu hiệu tội phạm và khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước tình trạng liên tiếp xuất hiện những sai phạm, rủi ro tiềm ẩn và thông tin không chính xác trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến tâm lý gây lo lắng cho nhà đầu tư, tiềm ẩn áp lực tiêu cực cho dòng chảy vốn đầu tư xã hội, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng những vi phạm đó chỉ là cá biệt riêng lẻ và việc xử lý nghiêm minh là hành động cần thiết nhằm đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành ổn định thị trường. Do đó, cần tăng cường tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác, kịp thời cho các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng để tăng tính thanh khoản, quay vòng vốn và chia sẻ hạn chế rủi ro trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng và thị trường tài chính nói chung cần phải có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp. Thực tiễn đặt ra yêu cầu cần phải sớm xây dựng khung khổ pháp lý để hình thành, phát triển thị trường nợ mua bán nợ chuyên nghiệp.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận