Đại biểu HĐND Hà Nội 'truy' trách nhiệm nợ 1.200 tỷ đồng tiền thuê nhà chuyên
Ngày 7/7, Kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố. Đây cũng là nhóm vấn đề được đông đảo cử tri, nhân dân quan tâm.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trịnh Xuân Quang (Tổ Thanh Xuân), ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, hiện công ty quản lý 803 điểm nhà chuyên dùng.
Tính đến hết năm 2018, hoạt động thuê nhà tại Hà Nội xuất hiện một số vướng mắc, trong đó phải kể đến vướng mắc từ thực hiện Luật Quản lý tài sản công, chưa có cơ sở ký tiếp hợp đồng thuê nhà đối với nhà tiêu dùng còn lại.
Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, có 357 điểm vi phạm, hình thành qua quá trình sử dụng, qua nhiều đơn vị quản lý; nguyên nhân chủ yếu sử dụng qua các thời kỳ bố trí cho người vào ở, liên doanh liên kết, cho thuê lại, sử dụng sai mục đích…
Đáng chú ý, một số đơn vị hành chính sự nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để nộp tiền thuê nhà.
“Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, công ty 100% vốn nhà nước nợ tiền thuê nhà, chúng tôi đã báo cáo Sở Tài chính, Sở báo cáo TP để làm rõ khoản tiền ngân sách bố trí kinh phí cho khoản này”, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Lưu, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, đối với vấn đề thu nợ, Sở Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các vấn đề. Trong quá trình phát sinh các khoản nợ này, Sở đã đề nghị Công ty phân loại và thu nợ. Thời gian tới, Sở sẽ khẩn trương cùng Công ty phân loại sơ bộ đôn đốc thực hiện.
Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp Trung ương, Sở sẽ kiến nghị cơ quan chủ quản có biện pháp thu hồi. Đối với tổ chức, cá nhân sẽ phân loại, có biện pháp hành chính để tuyên truyền, vận động.
Sở Tài chính cho rằng, những nội dung này sẽ được làm rõ trong quý III/2022 và sớm có kế hoạch thu hồi. Trong trường hợp cần thiết thì đề xuất thành phố thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.
Tiếp tục tranh luận về vấn đề này, đại biểu Đoàn Việt Cường (Tổ Đông Anh) nêu rõ: Vẫn còn 800 hợp đồng thuê nhà chuyên dùng từ lâu chưa được gia hạn nhưng vẫn đang sử dụng. Vậy từ lúc hết hợp đồng đến nay, việc xác định thu tiền những trường hợp này thế nào? Đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội làm rõ biện pháp xử lý trong thời gian tới.
Ngoài ra, đại biểu Đoàn Việt Cường cho rằng, Thành phố cần đánh giá rà soát lại hoạt động của công ty để đảm bảo hiệu quả quản lý, khai thác quỹ nhà, tài sản nhà nước hiệu quả, chặt chẽ?
Đồng tình với đại biểu Việt Cường, đại biểu Nguyễn Minh Đức đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét lại công tác tổ chức, mô hình hoạt động của Công ty xem có đủ năng lực khai thác tài sản công lớn.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Thanh Xuân), TP Hà Nội đã có văn băn yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý tài sản công nhưng đến nay quy chế sử dụng, đấu giá nhà chuyên dùng vẫn chưa được ban hành, đơn giá thuê nhà 10 năm vẫn chưa được thay đổi. Đề nghị Giám đốc Sở Tài chính là rõ trách nhiệm của cá nhân và các đơn vị có liên quan?
Sau khi nghe lãnh đạo các Sở, ngành liên quan trả lời chất vấn, đại biểu Vũ Ngọc Anh (Tổ Bắc Từ Liêm) cho rằng, nội dung trả lời chưa thỏa đáng, chưa làm rõ trách nhiệm của từng ngành, ở đây có dấu hiệu buông lỏng quản lý.
“Số tiền nợ 1.200 tỷ đồng kéo dài nhiều năm, nhưng trả lời của các đồng chí không rõ trách nhiệm, không rõ lộ trình giải pháp. Vì vậy, cần xem xét lại trách nhiệm của cá nhân các đồng chí được giao nhiệm vụ và lãnh đạo thành phố; yêu cầu các đồng chí cần nêu rõ lộ trình từng tháng từng năm để giải quyết vấn đề”, đại biểu Vũ Ngọc Anh nói.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận