menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Lan Anh

Đại biểu đề nghị làm rõ việc “đôi bên cùng có lợi” khi kiểm toán

ĐBQH chất vấn Tổng Kiểm toán việc khi phát hiện sai phạm, có kiểm toán viên gợi ý chia chác khoản tiền sai phạm để bỏ qua theo phương châm “đôi bên cùng có lợi”.

Sáng 5/6, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Lần đầu tiên đăng đàn, ông Tuấn nhận được 57 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn, trong đó có nhiều câu hỏi "nóng" về kiểm toán được đặt ra.

Kiên quyết không để “con sâu làm rầu nồi canh”

Tham gia chất vấn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (đoàn Quảng Trị) cho biết, có ý kiến cho rằng mặc dù có nhiều cố gắng của ngành nhưng đâu đó vẫn có hành vi tiêu cực của một số kiểm toán viên Nhà nước trong hoạt động kiểm toán.

Khi phát hiện sai phạm, có kiểm toán viên gợi ý chia chác khoản tiền sai phạm để bỏ qua theo phương châm “đôi bên cùng có lợi”.

"Quan điểm của Tổng Kiểm toán Nhà nước về vấn đề này thế nào? Có cần xây dựng cơ chế thanh tra, giám sát độc lập, thường xuyên hoạt động kiểm toán Nhà nước không?”, ông Thắng chất vấn.

Đại biểu đề nghị làm rõ việc “đôi bên cùng có lợi” khi kiểm toán
Đại biểu Hoàng Đức Thắng, đoàn Quảng Trị (Ảnh: Media Quốc hội).
Trả lời, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn “khẳng định và thừa nhận có nhưng rất ít”. Đây chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh" và kiên quyết loại bỏ những con sâu này để giữ được đạo đức, chuẩn mực.

Trong luật pháp đã quy định rất rõ những hành vi không được làm, nghiêm cấm của kiểm toán Nhà nước. Trong hoạt động, Kiểm toán Nhà nước còn có chuẩn mực số 30 về đạo đức công vụ.

Trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản để kiểm soát chặt chẽ được hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của những cá nhân trong thực hiện công vụ và tăng cường kiểm tra giám sát và xử lý nghiêm đối với những trường hợp này.

“Tôi cho rằng với cơ chế hiện tại trong hoạt động kiểm toán, quy trình quy chế về kiểm soát phòng chống tham nhũng của ngành đã tương đối đầy đủ từ vai trò trách nhiệm của từng kiểm toán viên”, ông Tuấn nói.

Đại biểu đề nghị làm rõ việc “đôi bên cùng có lợi” khi kiểm toán
Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn, khi đi kiểm toán, kiểm toán viên phải ghi nhật ký từng ngày, ghi nhật ký điện tử và chuyển về cơ sở dữ liệu của Trung ương cho Vụ Kiểm soát chất lượng theo dõi và Thanh tra kiểm toán theo dõi.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh vai trò của thanh tra kiểm toán, thanh tra công vụ và một cơ quan nữa là Vụ kiểm soát chất lượng, làm sao để kiểm soát chặt chẽ, công tâm khách quan hoạt động này”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cho biết, trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, cơ quan Kiểm toán Nhà nước có vai trò, trách nhiệm đặc biệt quan trọng trong việc tham gia phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Những năm vừa qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất lớn trong công cuộc phòng, chống tham nhũng nhưng vẫn còn tồn tại tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm.

Với vị trí là người đứng đầu một trong những cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị Tổng Kiểm toán cho biết cần phải làm gì để một mặt xử lý nghiêm những hành vi tham nhũng, mặt khác vẫn nuôi dưỡng được niềm tin, bảo vệ được những người dám nghĩ, dám làm, mong muốn được cống hiến cho đất nước?

Đại biểu đề nghị làm rõ việc “đôi bên cùng có lợi” khi kiểm toán
Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội (Ảnh: Media Quốc hội).
Trả lời, Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn nói rằng, để tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tiêu cực mà không giảm tính năng động dám nghĩ dám làm, cần làm tốt 3 việc.

Thứ nhất, xây dựng thiết chế phòng ngừa hiệu quả để không thể tham nhũng. Thứ hai, xây dựng thiết chế về phát hiện, xử lý nghiêm minh, không dám tham nhũng. Thứ ba, xây dựng chế độ đãi ngộ hợp lý để không muốn, không cần tham nhũng.

Ông Tuấn cho biết, việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, có 3 nguyên nhân. Thứ nhất là thuộc về ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Nguyên nhân thứ hai về trình độ, năng lực chưa theo yêu cầu. Thứ ba, thuộc về chỉ đạo chưa sát.

Về giải pháp, ông Tuấn nêu rõ, trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trình độ năng lực, đặc biệt là hoàn thiện thể chế rõ quyền và nghĩa vụ của từng công chức, gắn với quyền lợi, đi đôi với kiểm tra, giám sát.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả