24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Văn Sơn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đại án Gang thép Thái Nguyên: Kê biên nhiều tài sản bị can đã chuyển nhượng, cho tặng

Đại án Gang thép Thái Nguyên: Kê biên nhiều tài sản bị can đã chuyển nhượng, cho tặng

Đại án Gang thép Thái Nguyên: Kê biên nhiều tài sản bị can đã chuyển nhượng, cho tặng

Đại án Gang thép Thái Nguyên: Kê biên nhiều tài sản bị can đã chuyển nhượng, cho tặng

Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phong tỏa, kê biên hàng loạt đất đai, bất động sản, tiền ngân hàng của các bị can trong đại án gang thép Thái Nguyên.

Trong đại án gang thép Thái Nguyên, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phong tỏa, kê biên hàng loạt đất đai, bất động sản, tiền ngân hàng của các bị can nguyên là lãnh đạo Tổng công ty thép Việt Nam và Công ty CP gang thép Thái Nguyên. Thậm chí nhiều tài sản là nhà đất bị can đã tặng cho con cái cũng bị kê biên.

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố 19 bị can là lãnh đạo, cán bộ trong ngành thép có sai phạm trong dự án gang thép Thái Nguyên, về các tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “thiếu trách nhiệm gây thất thoát lãng phí”.

Nhiều bị can “đầu vụ” có nhiều biệt thự, nhà, đất...

Cáo trạng cho biết cơ quan tố tụng đã thực hiện các lệnh kê biên tài sản là nhiều loại nhà đất, bất động sản của các bị can, đồng thời thực hiện lệnh phong tỏa, tạm dừng giao dịch những khoản tiền lên tới hàng tỉ đồng và cả triệu USD đối với các bị can và người thân bị can. Cụ thể, cơ quan tố tụng đã kê biên 2 tài sản nhà đất của bị can Trần Trọng Mừng, cựu Tổng giám đốc Công ty CP gang thép Thái Nguyên (TISCO) - người được xác định phải chịu trách nhiệm chính trong vụ án, gồm 1 căn nhà tại Q.Thanh Xuân (Hà Nội) và 1 thửa đất tại H.Lương Sơn (Hòa Bình). Một cựu tổng giám đốc khác của TISCO là Trần Văn Khâm cũng bị kê biên 6 bất động sản, gồm biệt thự liền kề, nhà, đất tại Hà Nội và TP.Thái Nguyên (Thái Nguyên). 5 tài sản nhà đất tại TP.HCM (HM:HCM) của bị can Đậu Văn Hùng, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty thép Việt Nam (VNS (HM:VNS)), cũng bị kê biên.

Đối với một số bị can khác, dù tài sản không thể hiện nhiều và đã ký hợp đồng cho tặng đối với con cái, cũng đã bị cơ quan tố tụng thực hiện lệnh kê biên. Trong đó, bị can Mai Văn Tinh, cựu Chủ tịch HĐQT VNS, bị kê biên căn hộ chung cư 144 m2 tại P.Láng Hạ (Q.Đống Đa, Hà Nội). Đây là căn hộ vợ chồng ông Tinh đã tặng cho con gái và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào tháng 3.2019. Tương tự, bị can Ngô Sỹ Hán, cựu Phó tổng giám đốc TISCO, cựu Trưởng ban Quản lý dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO, cũng bị kê biên 1 căn biệt thự liền kề tại Q.Hà Đông (Hà Nội). Căn nhà này đã được vợ chồng ông Hán ký hợp đồng tặng cho con vào tháng 3.2019.

Đáng chú ý, cơ quan tố tụng đã thực hiện lệnh phong tỏa, tạm ngừng giao dịch nhiều tỉ đồng của các bị can và người thân. Trong đó, bị can Đậu Văn Hùng bị phong tỏa gần 2,6 tỉ đồng và trên 153.000 USD trong các tài khoản ngân hàng; con trai bị can Hùng cũng bị tạm dừng giao dịch khoản tiền lên tới 1,84 triệu USD tại ngân hàng...

Động thái cần thiết

Liên quan đến việc kê biên, phong tỏa tài sản này, luật sư bào chữa cho các bị can đã có một số kiến nghị tới cơ quan tố tụng. Trong đó, luật sư của bị can Trần Văn Khâm có đơn kiến nghị giải tỏa 2 lô đất đã chuyển nhượng cho người khác trước khi vụ án này được khởi tố và 1 căn nhà tại TP.Thái Nguyên (là nơi ở của gia đình bị can) do cả gia đình cùng tạo lập. Bị can Đậu Văn Hùng có kiến nghị được hưởng chính sách hình sự đặc biệt bởi khai báo thành khẩn, có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ...

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Lê Ngọc Hà, Văn phòng luật sư Đa Phúc, cho biết việc cơ quan tố tụng áp dụng lệnh kê biên, phong tỏa tài sản đối với các bị can trong vụ án là một biện pháp cưỡng chế để đảm bảo cho việc bồi thường thiệt hại khi giải quyết vụ án, đồng thời cũng để xác định nguồn gốc tài sản này có liên quan đến hành vi phạm tội của bị can trong vụ án hay không và ngăn chặn hành vi tẩu tán tài sản (nếu có).

Liên quan đến việc tài sản của một số bị can đã cho tặng con cái hoặc chuyển nhượng trước khi vụ án được khởi tố nhưng vẫn bị kê biên, luật sư Phạm Văn Phất, Văn phòng luật sư An Phát Phạm, cho rằng các cơ quan tố tụng sẽ xem xét toàn diện, trong đó ngoài nguồn gốc tài sản còn xem xét cả thời điểm thực hiện giao dịch để xác định có phải nhằm mục đích tẩu tán, trốn tránh nghĩa vụ hay không.

“Nếu cứ cho rằng giao dịch dân sự để không động vào thì sẽ xảy ra câu chuyện tội phạm lợi dụng vào đó để tẩu tán trốn tránh nghĩa vụ. Pháp luật có nhiều quy định bảo vệ quyền tài sản hay người thứ ba ngay tình, nhưng trong vụ án này, kê biên, phong tỏa tài sản là biện pháp để tránh việc chuyển dịch, cũng như xem xét các yếu tố khác. Việc kê biên này chưa phải là giải quyết tài sản, sau này tài sản này mà “sạch” thì họ sẽ gỡ phong tỏa. Những việc này sẽ thông qua giai đoạn giải quyết vụ án, tức đến khi xét xử”, luật sư Phất nói.

Luật sư Phất đánh giá trong các vụ án tham nhũng thời gian gần đây, cơ quan tố tụng đã tập trung vào việc kê biên phong tỏa tài sản. Đây là những việc làm cần thiết nhằm đảm bảo cho việc thu hồi tài sản của nhà nước bị thiệt hại.

Tiếp tay cho nhà thầu Trung Quốc gây thiệt hại 830 tỉ đồng

Ngày 20.2.2019, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận thanh tra dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 TISCO, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an đề nghị điều tra 4 vụ có dấu hiệu sai phạm hình sự; đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ sang Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xử lý sai phạm các cá nhân, tập thể có liên quan.

Ngày 18.4.2019, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của TISCO và một số đơn vị liên quan.

Ngày 15.1.2020, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng đưa vụ án xảy ra tại TISCO và một số đơn vị liên quan vào diện theo dõi chỉ đạo.

Ngày 12.12.2020, Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố lần lượt 19 bị can.

Ngày 18.12.2020, Cơ quan điều tra Bộ Công an ban hành kết luận điều tra vụ án.

Ngày 5.2.2021, Viện KSND tối cao ra cáo trạng truy tố 19 bị can có liên quan.

Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do TISCO làm chủ đầu tư, HĐQT Tổng công ty thép Việt Nam là cấp quyết định đầu tư, được triển khai từ năm 2007, với tổng mức đầu tư dự kiến 3.843 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu trọn gói (EPC) là Tập đoàn khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC).

Quá trình thực hiện hợp đồng EPC, tổng thầu Trung Quốc MCC đã để xảy ra hàng loạt vi phạm, khi sau hơn 11 tháng ký hợp đồng vẫn chưa hoàn thành thiết kế, chưa lắp đặt các máy móc thiết bị, chưa ký hợp đồng với nhà thầu phụ... rồi rút hết người về nước, và nhiều lần đề nghị kéo dài thời gian, tăng giá hợp đồng không có căn cứ, không đúng pháp luật cũng như các điều khoản trong hợp đồng EPC đã ký.

Với chức trách nhiệm vụ được giao, các bị can Trần Trọng Mừng (đại diện chủ đầu tư) và Mai Văn Tinh (cấp quyết định đầu tư) đã không xem xét, chỉ đạo, xem xét chấm dứt hợp đồng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét, mà đã thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư; cùng với các bị can khác trong vụ án chỉ đạo cấp dưới điều chỉnh lại hợp đồng, điều chỉnh dự toán và chi phí; phá vỡ nguyên tắc thực hiện hợp đồng trọn gói, tạo điều kiện cho nhà thầu chối bỏ trách nhiệm...

Những vi phạm này là nguyên nhân chính dẫn đến dự án bị chậm tiến độ, làm phát sinh lãi vay, tăng chi phí đầu tư, gây thất thoát, lãng phí đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước, với khoản tiền thiệt hại được tính toán là trên 830 tỉ đồng.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả