menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dong Bac Pro

Đặc thù cơ cấu nguồn điện, giá điện Việt Nam

Đối với ngành điện Việt Nam thì chi phí phát điện chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá thành.

Theo xu thế phát triển chung của thị trường điện (phù hợp theo thông lệ quốc tế tại những nước đã thực hiện thị trường bán buôn, bán lẻ điện - Mỹ, Singapore, Anh, Bắc Âu, Úc, Newzeland, Philipines …), khi thị trường bán buôn và bán lẻ điện đi vào hoạt động thì sẽ có cạnh tranh tại khâu phát điện và khâu bán lẻ điện (nhà nước chỉ xây dựng khung pháp lý, các đơn vị tham gia thị trường tự do cạnh tranh, giá điện được xác định dựa trên cung - cầu trên thị trường). Riêng khâu truyền tải điện và khâu phân phối điện mang tính độc quyền tự nhiên nên vẫn chịu sự điều tiết của nhà nước (cơ quan nhà nước phê duyệt giá cho các dịch vụ này).

Theo cơ cấu ngành điện nêu trên thì giá bán lẻ điện đến khách hàng sử dụng điện được xây dựng căn cứ theo chi phí sản xuất, kinh doanh điện của từng khâu hay nói một cách khác thì giá điện được xây dựng từ các yếu tố hình thành giá, trong đó có những yếu tố mang tính khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát và có những yếu tố chủ quan mà đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát, cụ thể như sau:

1. Yếu tố chi phí mang tính khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát.

a) Giá nhiên liệu: Giá nhiên liệu chủ yếu ảnh hưởng tới giá của các nhà máy nhiệt điện (than, khí). Khi giá nhiên liệu biến động theo giá thị trường thế giới thì giá phát điện cũng có biến động tương ứng.

b) Tỷ giá hối đoái: Ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái đến giá điện thể hiện trên các nội dung sau:

- Đối với đơn vị phát điện

+ Chi phí nhập khẩu điện được tính theo ngoại tệ.

+ Chi phí mua điện từ các nhà máy BOT ngoài sự biến động theo giá nhiên liệu nêu trên còn được tính theo giá công suất (đồng/kW/tháng) và giá điện năng (đồng/kWh) được quy đổi theo tỷ giá ngoại tệ.

+ Ảnh hưởng gián tiếp đến chi phí mua điện từ các nhà máy khác đối với khoản vay ngoại tệ để đầu tư (được tính trong giá cố định bình quân) do phần lớn các nhà máy có sử dụng vốn vay ngoại tệ.

- Đối với đơn vị truyền tải, phân phối điện: ngoài các khoản vay bằng đồng nội tệ, các đơn vị điện lực còn có các khoản vay bằng đồng ngoại tệ để đầu tư, phát triển lưới điện truyền tải và phân phối. Như vậy, sẽ phát sinh khoản chi phí do chênh lệch tỷ giá thực hiện và đánh giá lại (được xác định trên cơ sở tỷ giá tại thời điểm đầu năm với tỷ giá tại thời điểm thanh toán gốc vay và tỷ giá tại thời điểm cuối năm).

c) Cơ cấu sản lượng điện phát: Cơ cấu sản lượng điện phát là tỷ lệ % điện sản xuất tính theo các loại hình nhiệt điện (than, khí, dầu), thủy điện, các dạng năng lượng khác. Mỗi loại hình nhà máy, tùy thuộc vào đặc tính công nghệ, nhiên liệu sẽ có giá điện khác nhau (giá điện của sản xuất thủy điện hoàn toàn khác so với sản xuất nhiệt điện) và tỷ trọng các loại hình nhà máy điện phụ thuộc theo mùa trong năm. Ví dụ, trong mùa mưa thì hệ thống huy động nhiều các nhà máy thủy điện, trong mùa khô thì huy động ít các nhà máy thủy điện và huy động nhiều các nhà máy nhiệt điện, năng lượng khác. Vì vậy, khi cơ cấu sản lượng của các loại hình phát điện thay đổi thì tổng chi phí phát điện cũng thay đổi.

d) Giá thị trường phát điện cạnh tranh: hình thành khách quan theo quy luật cung cầu, không phụ thuộc vào chủ quan của đơn vị phát điện.

2. Các yếu tố mang tính chủ quan mà đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát.

Ngoài 4 yếu tố đầu vào mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát nêu trên, các yếu tố chi phí khác như chi phí vật liệu, tiền lương, khấu hao, sửa chữa lớn, dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác, lãi vay là các yếu tố chi phí mà các đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát được. Các chi phí này chủ yếu nằm ở khâu truyền tải, phân phối và phụ trợ, quản lý ngành.

Mỗi một quốc gia sẽ có cơ cấu chi phí cấu thành giá điện khác nhau, ví dụ ở Úc, chi phí truyền tải, phân phối điện chiếm tỷ trọng rất lớn do lãnh thổ rộng lớn trong khi Úc lại chủ động được nguồn nhiên liệu đầu vào (than, khí) hay tại Lào có nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng rất lớn nên có chi phí phát điện thấp hơn các nước khác trong khu vực. Như vậy, nên việc so sánh giá điện giữa các nước với nhau hay so với thu nhập bình quân là chưa đảm bảo tính chất so sánh trên cùng một mặt bằng.

Đối với ngành điện Việt Nam thì chi phí phát điện chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu giá thành (gần 80%), trong đó phần lớn là các yếu tố chi phí biến động khách quan mà đơn vị điện lực không có khả năng kiểm soát như đã phân tích ở trên nên giá bán lẻ điện bình quân sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn trước những biến động của giá nhiên liệu trên thế giới. Do vậy, tại Việt Nam, việc điều hành giá điện cần thực hiện nhằm phản ánh đúng, đủ biến động của các yếu tố chi phí nhằm đảm bảo cho các đơn vị điện lực bù đắp được chi phí và có lợi nhuận hợp lý để tiếp tục đầu tư, mở rộng nguồn và lưới điện nhưng cũng đảm bảo thực hiện các chỉ tiêu vĩ mô của nhà nước thông qua việc thực hiện các quy định liên quan đến cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân được quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
4 Yêu thích
10 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại