Đặc sản Việt ra mắt chợ mới và cú gây sốt toàn cầu
Bất chấp đại dịch Covid-19, nông sản Việt xuất khẩu vẫn đạt được kết quả ấn tượng, quả vải thiều gây sốt toàn cầu. Tại thị trường nội địa, các loại rau quả cũng đua nhau tham gia “chợ mới”.
Ấn tượng con số xuất khẩu
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ NN-PTNT, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động đến đời sống kinh tế - xã hội, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông lâm thủy sản. Song, xuất khẩu nông lâm sản Việt vẫn đạt kết quả cực kỳ ấn tượng, vượt kế hoạch đề ra.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu đạt 24,23 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, nông sản chính đạt 10,40 tỷ USD, tăng 13,3%; thủy sản 4,05 tỷ USD, tăng 12,5%; lâm sản 8,7 tỷ USD, tăng 61,5%.
Báo cáo cũng nêu rõ, nửa đầu năm nay Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.
Mỹ trở thành khách hàng lớn nhất của nông lâm sản Việt khi kim ngạch xuất khẩu đạt 6,7 tỷ USD, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 27,9% tổng giá trị xuất khẩu. Tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch khoảng 4,75 tỷ USD, tăng 32,1% và chiếm 19,6% tổng giá trị xuất khẩu.
Bộ NN-PTNT cho biết, đó là nhờ chúng ta đã thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản với các nước như: Peru, Úc,... chủ động nghiên cứu, dự báo, tận dụng lợi thế từ các FTA.
Bên cạnh đó, phối hợp với Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại các nước xây dựng các kênh trao đổi, cung cấp thông tin các thị trường xuất khẩu trọng tâm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU và Trung Quốc,... để phân tích, đánh giá, dự báo thị trường, từ đó đề ra giải pháp ứng phó kịp thời. Tạo điều kiện cho thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh, đàm phán thu mua vải thiều; đàm phán với các nước để kết nối, thúc đẩy xuất khẩu trái cây, thủy sản sang Trung Quốc, Thái Lan, EU...
Thực tế cho thấy, dù ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19, quả vải thiều ở Hải Dương và Bắc Giang vẫn thuận lợi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt còn gây sốt tại những thị trường có giá trị cao như: Nhật Bản, Australia, Singapore va EU,...
Ví như ở Nhật Bản, quả vải thiều được bày bán tại hơn 300 quầy kệ siêu thị ở thị trường này với giá lên tới 350.000-500.000 đồng/kg. Lô hàng vải thiều đầu tiên sang Nhật đã “cháy hàng” sau vài giờ mở bán.
Năm nay, câu chuyện quả vải thiều tươi Việt Nam được trao đổi thường xuyên và trở thành “câu chuyện làm quà” tại các buổi tiếp xúc với đối tác Nhật. Tin tức liên quan đến quả vải cũng được chia sẻ rộng rãi trên các trang tin của cộng đồng người Việt tại Nhật, ông Vũ Hồng Nam - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật Bản chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều ở Bắc Giang hồi đầu tháng 6.
“Dự kiến sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được đưa sang Nhật Bản trong vụ mùa này”, ông Nam thông tin.
Tại phiên đấu giá mới đây ở TP. Perth của Australia, một hộp quả vải tươi duy nhất đã được mua với giá 3.000 AUD (tương đương gần 52 triệu đồng). Quả vải Việt Nam cũng có giá cao, lên tới 500.000 đồng/kg, tại một số thị trường khó tính ở châu Âu như Pháp, Đức, Hà Lan,...
Bùng nổ trên “chợ mới”
Bộ NN-PTNT thông tin, từ đầu năm đến nay, hàng loạt mặt hàng như vải thiều, cá tra, cá lòng hồ và các sản phẩm thủy sản, nông sản an toàn của HTX được hỗ trợ kết nối đưa vào các hệ thống siêu thị, như BigC, AEON, Hapro, Vinmart.
Không chỉ vậy, tại thị trường nội địa, các mặt hàng nông sản chính thức tham gia bán tại “chợ mới” là các sàn thương mại điện tử uy tín như: Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee, Postmart,...
Chia sẻ về câu chuyện đưa quả vải thiều đặc sản lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) tại Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn sáng 18/6, ông Chu Quang Hào - đại diện Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, đánh giá, đã có sự thay đổi chóng mặt trên sàn Vỏ sò (Viettel Post) và Postmart (VnPost).
Lượng người dân lên sàn tăng đột biến, từ vài nghìn người mua bán mỗi ngày nay tăng lên cả trăm nghìn người. Tính từ 1/6 đến nay, có tới 4,6 triệu lượt truy cập tìm hiểu về vải thiều, với 36.000-37.000 đơn hàng đặt mua mỗi ngày.
“Vải thiều vừa đưa vào Tây Ninh là hết ngay, có thời điểm còn không đủ nguồn cung”, ông Hào nói. Dự kiến năm nay, trên 8.000 tấn vải được tiêu thụ trên các sàn TMĐT. Con số này mới chiếm 4-5% sản lượng vải, nhưng là mức chưa từng có so với những năm trước.
Sau vải thiều, xoài, mận hậu của Sơn La cũng được đưa lên sàn TMĐT. Nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh hoạt động đưa rau quả lên sàn để tránh tình trạng ùn ứ khi vào vụ thu hoạch.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, câu chuyện vải thiều Bắc Giang, mà trước đó là vải thiều Hải Dương, là một gợi ý để chúng ta cùng suy nghĩ hướng phát triển và tiêu thụ nông sản trong thời gian tới.
Ông cho rằng, sau vụ vải vừa rồi không phải là chuyện tiêu thụ được bao nhiêu tấn, mà quan trọng là rút ra bài học gì, mô hình gì để mà mang lại giá trị bền vững trong tiêu thụ nông sản.
Bộ NN-PTNT sẽ cũng các bộ ngành khác ngồi lại tổng kết xem đó như kịch bản để chúng ta thường trực ứng phó khi có biến động trên thị trường. Nếu không, cũng tạo ra sự thông suốt bằng một tư tuy mới - tức chúng ta kích hoạt cả một hệ thống để đưa kết nối thông tin, kết nối dữ liệu từ đầu cung đến đầu cầu.
Từ đó, hướng tới một nền nông nghiệp minh bạch, thông minh. Người sản xuất hiểu được nhu cầu của thị trường về sản lượng, quy chuẩn, về cách thức phân phối lưu thông. Người tiêu dùng biết được xuất xứ; các trung tâm thương mại biết rõ được các vùng nguyên liệu ở trong từng thời điểm thu hoạch, không phải đợi đến lúc chuẩn bị thu hoạch chúng ta mới tính đến câu chuyện phân phối như thế nào mà tất cả đã có dự báo để tính toán kịch bản cụ thể.
“Chúng ta có một bản đồ hệ thống thông tin, giải quyết được về lịch thời vụ, chủ động được thông tin sản xuất, sản lượng, đầu cung,... chắc chắn chúng ta sẽ giải quyết được tình trạng ùn ứ nông sản khi có dịch Covid-19 và kể cả không có dịch”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.
(Theo Vietnamnnet)
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận