Đa số thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội muốn UBCK thuộc Chính phủ
Chiều nay (ngày 6/6), khi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban này cho biết, đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc xác lập Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết.
Mô hình tổ chức và hoạt động của UBCK là một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, đang thu hút sự quan tâm của các thành viên thị trường, cũng như đại biểu Quốc hội.
Trong quá trình thẩm tra dự án Luật, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, về mô hình tổ chức của UBCK, có 2 loại ý kiến.
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, UBCK cần độc lập, trực thuộc Chính phủ để khắc phục những bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian, đề cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả quản lý của UBCK, phù hợp với kinh nghiệm và thông lệ quốc tế.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để bảo đảm ổn định, UBCK trước mắt vẫn trực thuộc Bộ Tài chính. Điều này vẫn phù hợp để thống nhất đầu mối tham mưu cho Chính phủ trong quản lý tài chính, tránh sự xáo trộn trong giai đoạn hiện nay và bảo đảm tinh gọn bộ máy. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật cần quy định theo hướng tăng thẩm quyền của UBCK đối với TTCK, Sở giao dịch chứng khoán và tổ chức lưu ký, bù trừ chứng khoán, bảo đảm tính độc lập trong hoạt động cho cơ quan này...
Đa số ý kiến của thành viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc xác lập UBCK là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ là cần thiết, bởi các lý do sau:
Trước hết, việc nâng cao vai trò, vị thế của UBCK là yêu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới. Trước đây, khi quy mô thị trường còn nhỏ, UBCK trực thuộc Bộ Tài chính là nhằm có sự hỗ trợ về chính sách, nguồn lực và các yếu tố để thúc đẩy phát triển, đặc biệt là gắn với cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Tuy nhiên, đến nay quy mô thị trường đã được mở rộng hơn rất nhiều với tốc độ tăng trưởng nhanh và đã trở thành nguồn cung ứng vốn quan trọng cho nền kinh tế. Tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng đang được đẩy nhanh theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, những yêu cầu đổi mới và cấu trúc lại thị trường tài chính bảo đảm bền vững (bao gồm cả thị trường vốn và thị trường tiền tệ) theo hướng giảm áp lực đối với nguồn vốn tín dụng của hệ thống ngân hàng đang đặt ra những yêu cầu cấp thiết về lành mạnh hóa, nâng cao vai trò của thị trường vốn trở thành một thị trường tài chính ở trình độ cao, năng động, trước hết thể hiện qua việc nâng cao địa vị pháp lý và tính độc lập của UBCK. Qua đó thu hút nhiều hơn nữa nguồn vốn trung - dài hạn, phục vụ cho phát triển kinh tế.
UBCK độc lập sẽ bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc của Tổ chức quốc tế các Ủy ban chứng khoán (IOSCO). Việc tiệm cận với thông lệ quốc tế sẽ giúp tăng sự minh bạch và góp phần nâng hạng thị trường, tạo niềm tin và thu hút nhiều hơn nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy đa số các nước quy định UBCK có vị trí độc lập (121/128 quốc gia thành viên của IOSCO). Những nước còn lại có mô hình UBCK trực thuộc Bộ Tài chính như: Malaysia, Bangladesh, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Braxin, Uganda, cũng đều bảo đảm nguyên tắc độc lập và có đủ thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thị trường vốn, không như mô hình hiện tại của Việt Nam.
UBCK trực thuộc Chính phủ sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập hiện nay, giảm bớt các khâu trung gian trong xử lý các tình huống biến động đáp ứng tính chủ động, kịp thời.
UBCK độc lập cũng giúp cho việc quản lý thống nhất từ ban hành quy chế, cấp và thu hồi giấy phép, bổ nhiệm nhân sự, chủ động ngân sách và nguồn lực sẽ tăng cường hiệu quả quản lý, tăng trách nhiệm của UBCK.
Điều này cũng phù hợp với các kiến nghị của Chương trình đánh giá khu vực tài chính (FSAP) do Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam.
Việc UBCK trực thuộc Chính phủ, mặc dù phát sinh thêm đầu mối về tổ chức, nhưng sẽ được sắp xếp lại bảo đảm tính hiệu quả và thống nhất hơn trong giai đoạn hiện nay và về lâu dài, tách bạch giữa chức năng của cơ quan quản lý tài chính nhà nước với chức năng của các trung gian tài chính, đồng thời vẫn bảo đảm chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong trường hợp cần thiết...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận