24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Văn Thọ Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Đả phá sáng tạo để doanh nghiệp phát triển

Tôi muốn bàn đến tiềm năng to lớn của việc tăng năng suất qua chiến lược đả phá sáng tạo để doanh nghiệp (DN) phát triển.

Một góc nhìn mới về đổi mới sáng tạo

Từ năm 2010, Việt Nam đã nói đến sự cần thiết phải đổi mới mô hình tăng trưởng. Nhưng đã hơn 10 năm mà các chuyên gia vẫn còn bàn luận về vấn đề này. Nhiều người cho rằng phải chuyển từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa trên tăng đầu tư, tích lũy tư bản sang mô hình dựa trên tiến bộ công nghệ. Gần đây, Đảng và Nhà nước chủ trương đổi mới sáng tạo sẽ là một điểm nhấn của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Hướng đi như vậy là đúng nhưng chưa đủ và hầu hết cần nhiều thời gian mới thực hiện được. Có những vấn đề trước mắt nếu thấy và quyết tâm thay đổi thì hiệu quả nhanh hơn và làm tiền đề để những nỗ lực về khoa học, công nghệ, sáng tạo có điều kiện thực hiện. Mặt khác, mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư vẫn có tác dụng tích cực nếu đầu tư đi liền với cải tiến công nghệ, mà muốn hai yếu tố này làm tăng năng suất lao động thì chủ thể đầu tư là DN phải có quy mô lớn nhất định.

Từ nhận định này và từ khảo sát thực trạng Việt Nam, tôi muốn bàn đến tiềm năng to lớn của việc tăng năng suất qua chiến lược đả phá sáng tạo để DN phát triển. Đả phá sáng tạo (creative destruction) là phá bỏ cơ cấu lạc hậu để xây dựng cơ cấu hiện đại, biến các đơn vị sản xuất kinh doanh cá thể, phi chính thức thành các DN có tổ chức, từ đó nối kết họ vào hệ thống DN hiện đại, kể cả DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Bỏ dần khu vực kinh tế phi chính thức

Theo Niên giám Thống kê, vào năm 2019, trong tổng lực lượng lao động (55,8 triệu) có 54,7 triệu người có việc làm. Trong số lao động có việc làm, khu vực nông lâm ngư nghiệp có 18,8 triệu, chiếm 34,4%. Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2019 có 15,2 triệu người, chiếm 28% làm trong các DN bao gồm DN nhà nước, ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy còn lại khoảng 21 triệu người, chiếm tới gần 40% lực lượng lao động, làm việc trong khu vực phi chính thức, gồm kinh tế gia đình (cá thể) và những đơn vị sản xuất, kinh doanh có ít hơn 10 lao động (khoảng 10 năm trước đã có quy định các đơn vị sản xuất kinh doanh có trên 10 lao động phải chuyển thành DN). Như vậy, hiện nay trong nền kinh tế, trừ nông lâm ngư nghiệp, chỉ có 28% lao động làm trong khu vực chính quy và tới gần 40% ở trong khu vực phi chính thức. Khu vực phi chính thức này đóng góp khoảng 30% tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào năm 2019.

Trong bất cứ nền kinh tế nào, khu vực phi chính thức đều tượng trưng cho sự chậm tiến, kém năng suất, lao động lương thấp và không có bảo đảm xã hội, mà ở Việt Nam khu vực này còn quá lớn. Như vậy, đổi mới sáng tạo phải bắt đầu từ khu vực này.

Tại sao khu vực phi chính thức còn lớn như thế? Có lẽ có hai nguyên nhân. Thứ nhất, sự hiểu biết về thủ tục và chính sách để chuyển thành DN có tổ chức của nhiều chủ đơn vị sản xuất, kinh doanh ở khu vực này có giới hạn, lại thêm bộ máy hành chính ở địa phương quan liêu và rất nhiều thủ tục rườm rà. Thứ hai, nhiều chủ đơn vị sản xuất sợ phải nộp thuế nhiều khi chuyển thành DN. Hiện nay, họ đóng một loại thuế khoán cho địa phương và có thể "thương lượng" với cán bộ thu thuế để hai bên cùng có lợi. Vì hai lý do này, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh không muốn trở thành DN nên cố giữ số lao động lúc nào cũng dưới 10 người. Như vậy quy mô sản xuất, kinh doanh lúc nào cũng nhỏ, kém hiệu suất.

Đổi mới khu vực này cần chiến lược ở tầm quốc gia, một mặt bổ sung và đào tạo cán bộ địa phương, giao trách nhiệm mới trong việc giảm thủ tục hành chính và giúp các đối tượng cần được chuyển sang loại hình DN; mặt khác, tuyên truyền, vận động các đơn vị sản xuất, kinh doanh ở khu vực phi chính thức mạnh dạn chuyển sang DN. Khi được chuyển sang khu vực chính thức, các đơn vị đó sẽ trở thành DN nhỏ và vừa (SME). Với các chính sách SME sẽ nói dưới đây, các đơn vị sản xuất, kinh doanh ở khu vực phi chính thức sẽ thấy những lợi ích về chính sách và lợi nhuận kỳ vọng sẽ lớn hơn nhiều so với thuế mà họ sẽ phải nộp.

Xét riêng khu vực kinh tế chính thức hiện nay, trong số 15,2 triệu lao động có 9 triệu đang làm việc trong các DN ngoài nhà nước và trong đó gần 5 triệu, chiếm 9% trong lực lượng lao động là thuộc các công ty trách nhiệm hữu hạn. Công ty trách nhiệm hữu hạn phần lớn là SME. Như vậy, nếu khu vực phi chính thức được chuyển thành SME thì số lao động làm việc trong SME chiếm gần 50% lao động có việc làm trong toàn xã hội. Một con số vô cùng lớn. Chiến lược, chính sách tập trung vào SME sẽ làm tăng năng suất và đẩy mạnh tăng trưởng nền kinh tế.

Phần lớn SME hiện nay có quy mô rất nhỏ và siêu nhỏ vì môi trường kinh doanh khó khăn, đang gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận với vốn và đất để đầu tư và chịu nhiều chi phí tiêu cực. Đây là khu vực năng suất lao động rất thấp vì không đủ quy mô để có thể mua sắm thiết bị và các phương tiện sản xuất hiện đại, cũng không có năng lực tiếp cận vốn ngân hàng để đầu tư lớn.

Cần cải cách hành chính để giảm xin - cho, giảm kiểm tra và hoàn thiện thị trường vốn, thị trường đất đai. Việc này đã được bàn luận nhiều nhưng tiến triển chậm. Nếu có khát vọng phát triển phải khẩn trương cải cách các lĩnh vực này. Ngoài hoàn thiện cơ chế thị trường cần có chính sách hỗ trợ cụ thể hơn. Cơ quan phụ trách SME ở trung ương và địa phương (dưới đây gọi chung là cơ quan quản lý SME) phải phát huy chức năng hỗ trợ, hướng dẫn DN nhỏ, vừa, siêu nhỏ trong việc vay vốn, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ. Các cơ quan này cũng có vai trò giới thiệu SME để có thể liên kết với DN lớn, với DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Có hai biện pháp: một là tăng cường cơ quan phụ trách SME ở trung ương (Cục DN nhỏ và vừa - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và địa phương. Phải tăng cường nhân viên và ngân sách cho các cơ quan quản lý SME để họ phát huy chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các DN nhỏ, vừa, siêu nhỏ trong việc vay vốn, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ. Các cơ quan quản lý SME cũng có vai trò giới thiệu các SME để họ liên kết với DN lớn, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Thứ hai, hằng năm nên xuất bản Sách trắng về SME để phân tích các vấn đề mà DN cần tham khảo, như thị trường, công nghệ, dự báo kinh tế...

Tóm lại có hai vấn đề lớn. Thứ nhất, đả phá sáng tạo biến khu vực phi chính thức thành những DN có tổ chức, trong trung hạn sẽ làm tăng nhanh số lượng SME. Thứ hai, có chính sách hỗ trợ SME để họ lớn mạnh và kết nối được với các công ty lớn trong nước cũng như các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Hai chiến lược này sẽ làm tăng năng suất lao động, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế theo hướng hiệu suất và bao trùm.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Trần Văn Thọ Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả