Đà Nẵng trở lại 'đường đua': Giảm giá đất, hỗ trợ doanh nghiệp
Xây dựng cảng Liên Chiểu, giảm giá đất... là những thông tin quan trọng vừa được Đà Nẵng công bố và có thể khiến mảnh đất này trở thành “vùng trũng” trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Giảm tiền thuê đất cho nhà đầu tư
Hôm qua 29.3, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã công bố các nghị định, quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển Đà Nẵng. Cụ thể, công bố chủ trương đầu tư dự án cảng Liên Chiểu với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỉ đồng. Tại lễ công bố, ông Lê Quang Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, đã công bố quyết định giảm giá đất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Theo ông Nam, do ảnh hưởng bởi Covid-19, các DN kinh doanh ngành du lịch dịch vụ, nhà hàng... tại TP giảm mạnh doanh thu. Nhiều DN phải đóng cửa, phá sản, trong khi vẫn phải nộp tiền thuê đất theo quy định.
Trên tinh thần hỗ trợ giúp DN sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh, Đà Nẵng xét thấy một số nội dung tại bảng giá đất TP quy định không phù hợp với thực tế. Ngày 27.3, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành quyết định điều chỉnh 2 nội dung tại bảng giá đất chu kỳ 2020 - 2024. Theo đó, TP điều chỉnh tỷ lệ phần trăm giá đất thương mại dịch vụ và sản xuất kinh doanh so với giá đất ở cùng vị trí. Cụ thể, giá đất thương mại dịch vụ từ 80% thành 70% (giảm 10% so với hiện nay); giá đất sản xuất kinh doanh điều chỉnh từ 60% thành 50% (giảm 10% so với hiện nay). Việc điều chỉnh giảm nêu trên sẽ tạo điều kiện giảm giá trị nộp tiền thuê đất cho nhà đầu tư.
Trước đó, ngày 28.3, dẫn đầu đoàn công tác làm việc với Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh cảng Liên Chiểu không chỉ của TP.Đà Nẵng mà còn của quốc gia. Phía bắc có cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), miền Nam có cảng Cái Mép - Thị Vải, thì miền Trung có cảng Liên Chiểu để hoàn thiện 3 cửa ngõ quốc tế ra biển. “Khi có đường kết nối lên cao tốc và đủ các điều kiện thì nhà đầu tư vào ngay. Hiện cảng Cái Mép - Thị Vải đã có các nhà đầu tư vào tranh nhau, nên TP.Đà Nẵng cần đẩy nhanh các thủ tục để tháng 7 Quốc hội thông qua thì triển khai ngay, Bộ cam kết bố trí năm 2021 phân bổ 200 tỉ đồng. Hằng năm tập trung ưu tiên bố trí đủ vốn và nếu làm nhanh nữa sẽ giúp Đà Nẵng chuyển mình nhanh nhất, từ đó tái cấu trúc cảng Tiên Sa và có thêm quỹ đất, thu hút thêm nhà đầu tư quanh cụm cảng”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Một loạt chính sách mới của Đà Nẵng làm nức lòng nhà đầu tư. GS Nguyễn Mại, chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, nhận xét việc “mạnh tay” giảm giá đất trong bối cảnh nhiều nơi tăng giá đất đến chóng mặt chứng tỏ sự quyết tâm thu hút đầu tư, biến TP trở thành trung tâm kinh tế và khoa học công nghệ của vùng, trước mắt là kết nối với Quảng Nam - Đà Nẵng, tạo bệ phóng vững chắc trong tương lai gần. Bởi giá đất giảm, các nhà đầu tư mới mạnh dạn tham gia các dự án mới, giải phóng mặt bằng để xây dựng hạ tầng kết nối hoàn chỉnh hơn. Hai sự kiện xây dựng cảng Liên Chiểu và công bố bảng giá đất giảm là đòn bẩy quan trọng cho Đà Nẵng lúc này.
Cần thêm các dịch vụ liên kết vùng
Theo GS Nguyễn Mại, Đà Nẵng có thời gian ngắn “chùng lại” do đã xảy ra một số vụ án nóng liên quan đất đai. Tuy nhiên, mọi khó khăn, e ngại cũng phải xếp lại, cho sang trang vì lợi ích phát triển chung. Đà Nẵng bắt buộc phải đảm đương vị trí trung tâm thu hút đầu tư và phát triển khoa học công nghệ.
GS Nguyễn Mại thông tin, các nhà đầu tư Nhật Bản đang rất quan tâm Đà Nẵng. Vừa rồi có dự án của Nhật đầu tư vào khu công nghệ cao Đà Nẵng với vốn đầu tư 35 triệu USD. So với các dự án FDI lớn, con số này còn khiêm tốn, song về lâu dài sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến hơn sau những sự kiện hạ tầng nói trên. “Mới đây, TP đã được Thủ tướng đồng ý về chủ trương để TP nghiên cứu lập đề án xây dựng thành trung tâm tài chính quy mô khu vực. Như vậy, có thêm cơ sở hạ tầng quan trọng là cảng Liên Chiểu, tham vọng biến vùng đất này thành “vùng trũng” thu hút đầu tư trong tương lai gần là điều có thể thực hiện được”, ông Mại nói.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa, chuyên gia tư vấn cấp cao Công ty tư vấn Kinh doanh hội nhập toàn cầu (GIBC), cho rằng có thể kỳ vọng những bước phát triển mới thật sự trong giai đoạn tới của Đà Nẵng. Bởi nhìn tổng thể trong vòng 5 năm qua, Đà Nẵng đã dần dần kém hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Nhất là khi kinh tế vĩ mô không tăng trưởng mạnh thì giá đất quá cao trở thành gánh nặng cho các DN. Vì vậy với giải pháp đầu tư công, xây dựng cảng biển, hạ tầng hay giảm giá đất để kiểm soát được chi phí đầu vào sẽ tạo ra cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh tế trong giai đoạn sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt tại Việt Nam. Nhưng Đà Nẵng muốn bứt phá mạnh hơn nữa, phải có thêm nhiều “mồi” hấp dẫn khác nữa.
“Một mình Đà Nẵng không thể gồng gánh đủ để tạo hấp lực cho nguyên vùng vì quy mô thị trường, diện tích, dân số... chưa đủ để tạo sức bật mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Phải có những mô hình dịch vụ mang tính liên kết vùng với Tây nguyên và các tỉnh lân cận. Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã đưa vào hoạt động và nay là cảng biển Liên Chiểu thì việc liên kết vùng trong tương lai càng dễ thực hiện. Muốn có sự liên kết tốt với Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định..., Đà Nẵng phải tăng tốc mạnh hơn để tạo ra sức hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận