Đà Nẵng, TPHCM lọt tốp 8 địa phương hụt thu ngân sách
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2020 ước khoảng 1,481 triệu tỷ đồng, đạt 98% so với dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội; 55/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao. 8 địa phương hụt thu chủ yếu do COVID-19.
8 địa phương không đạt dự toán
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ thu-chi ngân sách nhà nước năm 2020 do Bộ Tài chính tổ chức ngày 31/12/2020 tại 66 điểm cầu.
Theo Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) Võ Thành Hưng, ước thu ngân sách nhà nước (NSNN) cả năm 2020 đạt khoảng 1,481 triệu tỷ đồng, đạt 98% so dự toán, tăng 158,5 nghìn tỷ đồng so với số báo cáo Quốc hội.
Trong tổng thu NSNN, thu ngân sách địa phương (NSĐP) ước đạt 702 nghìn tỷ đồng, bằng 106% so dự toán. Ước tính có 55/63 địa phương thu nội địa vượt dự toán được giao, 8 địa phương không đạt dự toán.
Đóng góp vào kết quả chung của cả nước, có 29 địa phương hoàn thành cả về tổng số thu và thuế, phí như: Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Giang, Nghệ An, Yên Bái, Bình Thuận...
Bên cạnh đó, còn có 26 địa phương đã nỗ lực để hoàn thành tổng thu trên địa bàn như: TP Hà Nội, TP Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Dương, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Hải Dương, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế... góp phần cùng toàn ngành Thuế hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2020 mà Quốc hội, Chính phủ giao.
Còn 8 địa phương không hoàn thành dự toán cũng đã phấn đấu tăng thu để thực hiện cao nhất nhiệm vụ thu năm 2020, ước thu tăng khoảng 32,4 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội như: Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hòa Bình, TP. Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên.
Lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, kết quả thu của các địa phương này không hoàn thành dự toán do nguyên nhân khách quan. Trong đó, các địa phương (TP. Hồ Chí Minh, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa) cơ cấu kinh tế từ dịch vụ chiếm tỷ trọng cao nên số thu ngân sách trên địa bàn chịu tác động mạnh của đại dịch bệnh COVID-19.
Các địa phương như Vĩnh Phúc, Quảng Nam chủ yếu do sản lượng ô tô tiêu thụ sụt giảm mạnh. Còn các địa phương như Hòa Bình, Phú Yên có số thu tiền sử dụng đất chiếm tỷ trọng lớn do tình hình đấu giá đất của các dự án chưa đạt kế hoạch, nên số thu tiền sử dụng đất không đạt dự toán. Tỉnh Quảng Ngãi chủ yếu do giá sản phẩm lọc hóa dầu giảm so với dự toán.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đây là những con số hết sức tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,91%, thấp hơn nhiều so mục tiêu (6,8%) và thực hiện nhiều giải pháp chính sách tài khóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, phòng chống dịch COVID-19.
Toàn cảnh hội nghị
Bội chi năm 2020 giảm còn 4,2% GDP
Về chi ngân sách, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh thu ngân sách giảm, cân đối ngân sách các cấp khó khăn, song nhờ chủ động trong điều hành và vận dụng hiệu quả nhiều giải pháp quản lý chi NSNN, ngành Tài chính vẫn đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và hoàn thành các nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Tính đến hết ngày 30/12/2020, NSNN đã chi khoảng 18,1 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ cho gần 13 triệu người dân; đồng thời đã đề xuất cấp 36,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai và giáp hạt đầu năm.
Một điểm sáng trong điều hành là tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển tiến bộ hơn so năm trước. Lũy kế hết tháng 12 đã đạt gần 83% kế hoạch năm. Bội chi NSNN, nợ công được kiểm soát chặt chẽ trong phạm vi Quốc hội cho phép, tương ứng khoảng 4,2%GDP và 55,9%GDP.
Về thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2021, Bộ trưởng cho rằng, trong năm này sẽ gặp phải nhiều khó khăn, nhưng mục tiêu lớn và đầy thách thức đó là tăng trưởng kinh tế phải đạt 6% (Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phấn đấu tăng trưởng 6,5%), thu NSNN tăng 3% so dự toán Quốc hội,...
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận