Đà Nẵng: “Phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng, phong tỏa cứng, phong tỏa mềm”
So với 2 đợt dịch năm ngoái, đợt dịch này, Đà Nẵng bình tĩnh hơn trong phòng chống dịch với nhiều cách làm mới, không gây xáo trộn nhiều đến sinh hoạt của người dân.
Sau những ngày ghi nhận nhiều ca nghi mắc Covid-19, đến 11/5, Đà Nẵng chỉ còn rải rác một số ca dương tính với SAR-CoV-2. Hầu hết các ca dương tính mới phát hiện gần đây đều đã được cách ly và là các trường hợp liên quan đến vũ trường New Phương Đông, thẩm mỹ viện AMIDA ở quận Hải Châu. So với 2 đợt dịch năm ngoái, thì đợt dịch này, Đà Nẵng bình tĩnh hơn trong phòng chống dịch với nhiều cách làm mới, không gây xáo trộn nhiều đến sinh hoạt của người dân.
Mấy hôm nay, người dân thành phố Đà Nẵng quen dần với cụm từ “phong tỏa hẹp, xét nghiệm rộng, phong tỏa cứng, phong tỏa mềm”. Với cách làm quyết liệt và đúng hướng này, người dân Đà Nẵng yên tâm và tin tưởng vào các biện pháp phòng chống dịch covid-19 hiện nay.
Ông Hoàng Công Phúc, Bí thư Chi bộ 6B, Tổ trưởng Tổ dân phố 12, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà cho biết, ngay sau khi có ca nghi mắc Covid-19, lãnh đạo quận đã nhanh chóng triển khai lực lượng dập dịch, tiến hành phong tỏa khu dân cư. Người dân chủ động hợp tác, thực hiện cách ly "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Hiện khu dân cư đường An Nhơn 7, đầu đường Huy Du vẫn còn phong tỏa cứng. Tổ giám sát cộng đồng giám sát ban ngày, lực lượng Công an giám sát ban đêm, không cho ai ra vào. Theo ông Hoàng Công Phúc, rút kinh nghiệm từ đợt chống dịch năm trước, đợt dịch này, các lực lượng phối hợp rất nhanh mà chưa cần nhìn thấy văn bản chỉ đạo của cấp trên.
"Chúng tôi nhận thông báo ở trên sau đó triển khai ngay lực lượng bảo vệ khu dân cư. Lần này chúng tôi chủ động biết biết trước làm theo các kịch bản, sau đó chủ động làm. Theo chỉ đạo, tổ dân phố thực hiện nghiêm không có người ra, vào, thứ hai là thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch", ông Phúc thông tin.
Trong đợt phòng chống dịch Covid-19 hiện nay, thành phố Đà Nẵng không phong tỏa diện rộng và dài ngày một cách tràn lan. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo, khi phát hiện ca dương tính với SAR-CoV-2, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Đà Nẵng nhắn tin cho 4 cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố và Bí thư, Chủ tịch UBND quận, huyện nơi xuất hiện ca nghi mắc Covid-19. Không cần đợi văn bản hay chỉ đạo của cấp trên, không đợi Bộ Y tế công bố chính thức ca mắc Covid-19, lãnh đạo địa phương lập tức khoanh vùng, cách ly y tế, phong tỏa mềm toàn bộ khu dân cư, tiến hành khử khuẩn, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ dân cư trong khu vực.
Bên cạnh đó, khi có kết quả điều tra dịch tễ, những nơi bệnh nhân nghi mắc Covid-19 từng đến cũng kịp thời được phong tỏa mềm, lấy kết quả xét nghiệm diện rộng. Sau khi có kết quả âm tính lần 1 đối với toàn bộ những người liên quan, chính quyền cho phép tháo dỡ hàng rào tạm để khu vực đó trở lại sinh hoạt bình thường. Nhờ cách làm sáng tạo, linh hoạt và phù hợp thực tế nên các biện pháp phòng chống dịch covid-19 lần này không gây nhiều xáo trộn trong đời sống kinh tế và sinh hoạt của người dân.
Từ khi xảy ra dịch đến nay, Sở Công thương, UBND các quận, huyện ở Đà Nẵng đã tạm dừng hoạt động 4 chợ vì các bệnh nhân mắc Covid-19 lui tới chợ. Ngay sau khi xét nghiệm diện rộng cho kết quả âm tính với SAR-CoV-2, cả 4 chợ này đã trở lại hoạt động bình thường. Ông Đặng Ngọc Tôn, ở lô số 5, chợ Phước Mỹ, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà cho rằng, người dân không hề hoang mang khi nhìn thấy tinh thần chống dịch quyết liệt nhưng hợp lý của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng:
"Kết quả xét nghiệm, tất cả tiểu thương chợ Phước Mỹ đều âm tính, vì thế nên chợ chỉ nghỉ 1 ngày. Ban Quản lý chợ, UBND quận và thành phố đã tạo điều kiện cho tiểu thương bán lại nên tiểu thương ở đây có công ăn việc làm, ổn định lại ngay. Bây giờ không cứng nhắc như năm ngoái, năm ngoái là giãn cách, bây giờ không giãn cách cũng là tạo điều kiện cho dân làm ăn", ông Tôn cho hay.
Linh hoạt trong phong tỏa cứng, phong tỏa mềm, phân quyền cho lãnh đạo địa phương chủ động phòng chống dịch, từ đầu đợt dịch đến nay, thành phố Đà Nẵng công bố gần 100 địa điểm có ca mắc Covid-19 từng đến nhưng Chủ tịch UBND thành phố chỉ ra lệnh phong tỏa cứng đối với 7 khu dân cư “nội bất xuất, ngoại bất nhâp” và phong tỏa mềm 17 khu vực được ra vào có kiểm soát nghiêm ngặt.
Không lơ là, chủ quan, cả hệ thống chính trị tại thành phố Đà Nẵng đã và đang vào cuộc phòng chống dịch Covid-19 với tinh thần quyết liệt, bình tĩnh, kích hoạt toàn bộ hệ thống làm việc 24/24h. Không kể ngày nghỉ lễ hay đêm hôm khuya khoắt, từ Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố đến tất cả các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 từ thành phố xuống tận cơ sở đều nhanh chóng có mặt tại hiện trường chỉ đạo khoanh vùng, tổ chức cách ly, phong tỏa tạm thời. Các quận, huyện cũng nhanh chóng kích hoạt Tổ cộng đồng gồm lực lượng công an, dân quân, tự vệ, quản lý đô thị, đoàn viên thanh niên, nhân viên y tế… cùng tham gia phòng chống dịch.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng cho biết: "Sau khi nhận được thông tin có ca mắc, chúng tôi tập trung đến ngay hiện trường, chỉ đạo Trung tâm Y tế, các phòng ban, UBND phường tổ chức truy vết ngay, khoanh vùng ngay đối tượng và lấy mẫu xét nghiệm. Trường hợp phong tỏa mềm thì sau khi có thông tin liên quan đến ca dịch, chúng tôi tổ chức lấy mẫu xét nghiệm và khoanh vùng. Sau khi có kết quả an toàn thì chúng tôi dỡ bỏ ngay phong tỏa mềm. Còn trường hợp phong tỏa cứng thì chúng tôi rào chắn cẩn thận có lực lượng canh gác, địa phương hỗ trợ nhu yếu phẩm cho bà con trong khu phong tỏa".
Từ ngày phát hiện ca bệnh từ khu cách ly tập trung tại một khách sạn ở Đà Nẵng về tỉnh Hà Nam lây ra cộng đồng, thành phố chủ động triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu, tập trung mọi nguồn lực tại chỗ để dập dịch. 16 giờ hàng ngày, tập thể Lãnh đạo thành phố và các thành viên trong Ban Chỉ đạo đều họp trực tuyến với các quận, huyện, sở ngành liên quan nghe báo cáo, chỉ đạo cụ thể từng công việc phát sinh trong phòng chống dịch. Tại những cuộc họp này, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đều có ý kiến chỉ đạo với từng công việc cụ thể, ủy quyền mạnh mẽ cho địa phương, sở ngành chủ động quyết định trong thẩm quyền, nhiệm vụ được phân công, đảm bảo tính kịp thời khẩn trương của công tác phòng chống dịch.
Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, quan điểm của Đà Nẵng là lấy mẫu xét nghiệm diện rộng nhưng phong tỏa diện hẹp để hạn chế thấp nhất đời sống sinh hoạt của người dân. Có như vậy mới thực hiện được mục tiêu nhanh chóng dập dịch nhưng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống kinh tế, thu nhập của người dân.
"Các quận huyện, cơ sở, các sở ngành bắt tay ngay vào thần tốc truy vết. Các quận, huyện, sở ngành đã có sáng kiến rất tốt. Hiện nay chúng ta đã thành lập các nhóm zalo, ví dụ như các nhóm zalo của Thường trực các Quận ủy, Huyện ủy để chia sẻ thông tin. Khi chúng ta phát hiện một ca nào đó, chúng ta đều nhanh chóng xử lý. CDC Đà Nẵng cũng có sáng kiến là làm sơ đồ dịch tễ để chúng ta hình dung được mối quan hệ giữa các bệnh nhân để kịp thời tham mưu cho sự lãnh đạo, chỉ đạo của Lãnh đạo thành phố", ông Chinh cho biết thêm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận