Đà Nẵng: Nóng tình trạng mua bán nhà ở xã hội trái phép
Bất chấp những quy định về việc cấm chuyển nhượng đối với nhà ở xã hội nếu chưa đủ thời gian (5 năm) và không đúng đối tượng, nhưng hiện có không ít người dân tại Đà Nẵng vẫn đang giao dịch các sản phẩm căn hộ này.
Cơn sốt từ đất nền lan sang căn hộ
Đầu quý I/2019, thị trường bất động sản lại một phen “bốc hỏa” khi giá đất không ngừng tăng lên chóng mặt do giới đầu cơ thao túng. Tình trạng trên khiến đa số những người dân có nhu cầu thực thực về nhà ở tại Đà Nẵng không thể mua đất để xây nhà, nên phương án khả thi nhất là sản phẩm chung cư. Từ đây, cơn sốt săn lùng chung cư bắt đầu xuất hiện, kéo theo giá phân khúc này cũng được đẩy lên nhanh chóng.
Lướt một vòng trên các trang facebook diễn đàn nhà đất, hay trang web mua bán bất động sản tại Đà Nẵng có thể dễ dàng nhận thấy hàng trăm bản tin rao bán và mua căn hộ chung cư được đăng lên mỗi ngày.
Các sản phẩm được rao bán tập trung phần lớn ở các khu chung cư, nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp ở khu vực quận Sơn Trà như khu Vũng Thùng, Vincoland, Nest Home, Bluse House… và một số khu chung cư khác như An Trung (quận Ngũ Hành Sơn), hay mới nhất là Chung cư Hòa Khánh (quận Liên Chiểu).
Bên cạnh các sản phẩm căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp, một số căn hộ chung cư thuộc phân khúc cao cấp như Hoàng Anh Gia Lai (quận Thanh Khê), Sơn Trà Oceanview (quận Sơn Trà), Monarchy (quận Sơn Trà) cũng được các chủ căn hộ rao bán rầm rộ.
Với các căn hộ thuộc dự án nhà ở xã hội, giá bán được đưa ra vào khoảng 900 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng với căn 50 m2 và trên 1,5 tỷ đồng với căn từ 60 m2 trở lên. Trong khi trước Tết Nguyên đán, mức giá chỉ rơi vào khoảng 500 - 800 triệu đồng/căn. Với các căn hộ thuộc các khu chung cư cao cấp, giá bán hiện nay rơi vào tầm 2,2 tỷ đồng đến hơn 3 tỷ đồng/ căn.
Ông Võ Trọng Phụng, chuyên gia tư vấn bất động sản của Sàn Bất động sản 86 Land Đà Nẵng cho biết, do ảnh hưởng của đợt sốt đất nền vừa qua diễn ra tại khu vực Hòa Xuân, Golden Hills, Hòa Liên và các xã tại huyện Hòa Vang, nên thị trường căn hộ chung cư cũng bị tăng giá theo.
“Khi đất nền bị đội giá cao quá, vượt quá khả năng tài chính của người dân, thì phương án khả dĩ nhất họ có thể lựa chọn lúc này đó là mua căn hộ bình dân. Đây chính là nguyên nhân khiến căn hộ chung cư được nhiều người tìm mua trong thời gian vừa qua. Và tất yếu, giá bán dòng sản phẩm này cũng bị đẩy lên”, ông Phụng cho biết.
Mua bán sang nhượng căn hộ thu nhập thấp trái phép
Trong vai khách hàng đang có nhu cầu tìm mua chung cư, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản gặp một chủ căn hộ tại tầng 3, thuộc khu chung cư Vincoland (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) đang có nhu cầu bán lại căn hộ rộng 52 m2 của mình. Căn hộ này hiện đang được gia chủ cho một hộ gia đình khác thuê lại với giá 4 triệu đồng/tháng. Giá bán được chủ nhà đưa ra là 1,2 tỷ đồng.
Khi phóng viên đề cập đến việc sang tên sổ đỏ, chủ căn hộ cho biết, do đây là căn hộ nhà ở xã hội, thời gian mua chưa đủ điều kiện để bán lại, nên việc chuyển nhượng sang tên không thể thực hiện ngay được. Tuy vậy, việc mua bán giữa hai bên sẽ được thực hiện bằng hợp đồng viết tay, trong đó chủ căn hộ cam kết rằng sau 1 năm nữa, đến khi đủ số năm quy định, thì sẽ hỗ trợ người mua tiến hành công chứng hợp đồng và sang tên sổ đỏ.
Không chỉ trường hợp trên, hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng, việc người dân chuyển nhượng “chui” căn hộ nhà ở xã hội khi chưa đủ điều kiện thời gian mua như quy định diễn ra khá nhiều.
Theo Sở Xây dựng Đà Nẵng, hiện nay, các căn nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố (thuộc diện bán) đều đã bán hết. Khi có dự án đủ điều kiện mở bán nhà ở hình thành trong tương lai, Sở Xây dựng sẽ có thông báo công khai và đăng tải thông tin cụ thể lên website của Sở.
Bà Mai Thị Thùy Linh, Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết, đối tượng và điều kiện được mua nhà ở xã hội hiện đã được nêu rõ tại các quy định liên quan của Luật Nhà ở 2014 (Điều 49, Điều 51) và Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 12/11/2018 của UBND TP. Đà Nẵng quy định về tiêu chí lựa chọn đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Đáng chú ý, người mua không được phép thế chấp và không được chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức trong thời gian tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở theo hợp đồng đã ký với chủ đầu tư.
“Trong thời hạn chưa đủ 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua nhà ở xã hội, nếu bên mua có nhu cầu bán lại thì chỉ được bán lại cho Nhà nước hoặc bán lại cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội (đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách), hoặc bán lại cho đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội với giá bán tối đa bằng giá bán nhà ở xã hội cùng loại tại cùng địa điểm, thời điểm bán và không phải nộp thuế thu nhập cá nhân”, bà Linh cho biết.
Như vậy, với việc mua bán sang nhượng lại các căn hộ chung cư xã hội dành cho người thu nhập thấp, nếu người mua và người bán không nắm rõ các quy định chung sẽ rất có thể “tiền mất tật mang”, đồng thời bị xử phạt nặng về hành mua bán, chuyển nhượng căn hộ chung cư, nhà ở xã hội trái phép.
"Tất cả các hành vi bán, cho thuê lại, cho ở nhờ căn hộ chung cư tại các chung cư nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước dùng bố trí cho thuê trên địa bàn TP. Đà Nẵng là không đúng quy định và sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017. Cụ thể, phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng đối với người được thuê nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước thực hiện chuyển đổi, bán, cho thuê lại nhà ở hoặc cho mượn nhà ở; đồng thời bị buộc nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính và đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định. Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dân và đề nghị người dân phản ánh ngay với cơ quan chức năng nếu phát hiện các cá nhân vi phạm”, thông báo của Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết. |
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận