Đà Nẵng: Công bố loạt vị trí dự kiến lắp đặt hàng trăm trạm sạc ô tô điện
Chiều 18/3, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Vinfast và Mitsubishi Motors Việt Nam đã tổ chức hội nghị chính thức công bố Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc ô tô điện và cơ chế khuyến khích phát triển ô tô điện, trạm sạc ô tô điện trên địa bàn TP Đà Nẵng
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, hiện nay xe đạp điện, xe máy điện, xe ô tô điện đang dần khẳng định vị trí trong ngành công nghiệp chế tạo xe cơ giới trên thế giới; có thể thấy rõ sự thay đổi qua doanh số tăng đều qua các năm của xe điện cũng như những thay đổi về nhận thức của người tiêu dùng đối với dòng xe này, nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu leo thang như hiện nay.
Tuy nhiên ở Việt Nam hiện chỉ mới có một vài trạm sạc xe ô tô thí điểm trong các chương trình hợp tác thử nghiệm tại Bộ Công Thương. Trên địa bàn TP Đà Nẵng, năm 2017, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đưa vào sử dụng trạm sạc điện nhanh đầu tiên được nghiên cứu và chế tạo tại Việt Nam.
Năm 2018, Đà Nẵng cũng đã hợp tác với Công ty Mitsubishi Motors Việt Nam đầu tư 1 trạm sạc tại Trung tâm Hội chợ triển lãm phục vụ cho một số xe điện trên địa bàn TP. Để đẩy mạnh việc sử dụng xe điện tại Đà Nẵng trong thời gian tới, rất cần thiết phải nghiên cứu các địa điểm khả thi và phù hợp nhằm hình thành được mạng lưới các trạm sạc cho các loại xe điện.
“Bên cạnh đó, với số lượng xe điện ít ỏi hiện nay, các doanh nghiệp sẽ không mặn mà phát triển hạ tầng trạm sạc nếu cơ chế chính sách không hấp dẫn. Vì vậy một cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển trạm sạc xe điện và người dân sử dụng xe điện, nguồn năng lượng sạch là một phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương của TP Đà Nẵng về sử dụng năng lượng sạch, nâng cao hình ảnh và thương hiệu TP đáng sống, xanh sạch đẹp!” – Ông Hồ Kỳ Minh nói.
Bản đồ phát triển mạng lưới trạm sạc ô tô điện trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2030.
Được biết, ngày 14/8/2020, UBND TP Đà Nẵng có Quyết định 2987/QĐ-UBND giao nhiệm vụ cho Sở Công Thương xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án đề xuất các vị trí xây dựng trạm sạc xe ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc xe ô tô điện trên địa bàn TP theo định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Chính trị. Đến nay, Đề án đã được UBND TP Đà Nẵng phê duyệt tại Quyết định 124/QĐ-UBND ngày 14/01/2021.
Theo ông Thái Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công thương Đà Nẵng), mục tiêu của Đề án là nghiên cứu về công nghệ sạc ô tô điện, xây dựng tiêu chí kỹ thuật trạm sạc; quy hoạch mạng lưới trạm sạc ô tô điện; xác định quy mô và lộ trình phát triển mạng lưới trạm sạc ô tô điện đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 và xây dựng cơ chế, đề xuất giải pháp để khuyến khích phát triển trạm sạc ô tô điện trên địa bàn TP Đà Nẵng.
Dự kiến lộ trình giai đoạn 2020 – 2025 lắp đặt 265 trạm sạc (gồm 250 trạm sạc cấp 1, 2; 15 trạm sạc cấp 3) với tổng công suất 3.400kW; trong đó trạm sạc nhanh có công suất trung bình 60kW. Giai đoạn 2025 – 2030 lắp đặt 535 trạm sạc (gồm 500 trạm sạc cấp 1, 2; 35 trạm sạc cấp 3) với tổng công suất 8.500kW; trong đó trạm sạc nhanh có công suất trung bình 100kW.
Đề án cũng xác định sơ bộ mạng lưới trạm sạc xe điện tại nhà và các tòa nhà làm việc (trạm sạc cấp 1, 2); tại các khu mua sắm, vui chơi (trạm sạc cấp 1, 2, 3); tại các bãi đỗ xe, nhà đỗ xe (trạm sạc cấp 1, 2, 3); tại các trạm dừng chân cao tốc (trạm sạc cấp 3); tại các cây xăng (trạm sạc cấp 3) dựa trên đặc điểm dừng đỗ xe và nhu cầu sạc.
Tham gia ý kiến tại hội nghị, đại diện Tổng Công ty Điện lực miền Trung, Vinfast và Mitsubishi Motors Việt Nam cũng nêu rõ, cùng với việc công nghệ pin lưu trữ ngày càng phát triển và giá thành pin ngày càng thấp thì xe điện cũng dần trở trở thành phương tiện giao thông chủ đạo trong tương lai không xa.
Cũng giống như ô tô chạy bằng động cơ đốt trong cần nhiều trạm xăng, dầu thì xe ô tô điện (EV) cũng cần nhiều trạm sạc điện công cộng. Việc triển khai trạm sạc cho xe ô tô điện hiện đang gặp nhiều khó khăn, phụ thuộc vào chiến lược phát triển của các các doanh nghiệp, tuy nhiên cũng là những cơ hội nếu như được tạo điều kiện thuận lợi.
Để tối ưu hóa việc triển khai nhiều trạm sạc cho xe ô tô điện thì công nghệ trạm sạc phải phù hợp với nhu cầu, tiện lợi, kinh tế, an toàn, bảo mật trong thanh toán và những tiện ích đi kèm. Trong đó, vấn đề cần quan tâm là triển khai cơ sở hạ tầng trạm sạc cho xe ô tô điện không những đáp ứng cho các trường hợp di chuyển quãng đường ngắn trong nội thành mà còn phải hỗ trợ việc sạc nhanh hơn so với các bộ sạc tại nhà để giảm thiểu thời gian sạc cho các trường hợp sử dụng pin có dung lượng cao hiện nay trên các xe ô tô điện.
“Đề án xây dựng trạm sạc ô tô điện, cơ chế khuyến khích phát triển xe ô tô điện, trạm sạc ô tô điện được phê duyệt là cơ sở để khẳng định vai trò tiên phong của Đà Nẵng trong việc xác định các mục tiêu, định hướng phát triển xe điện, trạm sạc ô tô điện trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn của lãnh đạo TP hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng hình ảnh TP năng động, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường” – Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng Nguyễn Thị Thúy Mai nhấn mạnh.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận