'Đã đến lúc dừng mô hình cơ chế đặc thù với từng địa phương'
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, sau Khánh Hoà nên "khoá" lại cơ chế đặc thù riêng với từng địa phương, thay vào đó tính tới việc thiết kế cơ chế cho cả vùng.
Chiều 10/6 Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết cơ chế đặc thù cho tỉnh Khánh Hoà.
Các đại biểu Quốc hội thống nhất việc cần thiết có cơ chế đặc biệt cho tỉnh Khánh Hoà, giúp địa phương này bứt phá tiềm năng, phát triển lan toả và phát huy lợi thế kinh tế khi ở vị trí địa lý đặc biệt, chiến lược quan trọng ở vùng Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, tới lúc nên tính tới việc thiết kế các cơ chế đặc thù cho cả vùng, chứ không riêng từng địa phương.
Ông Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, sau Khánh Hoà nên "khoá" lại cơ chế đặc thù riêng cho từng địa phương.
Theo ông, việc thí điểm cơ chế đặc thù cho các địa phương vừa qua "cũng đủ rồi, và mỗi tỉnh tranh thủ có cơ chế riêng sẽ không công bằng với nhiều tỉnh khác". Thay vào đó, Quốc hội nên nghiên cứu cơ chế đặc thù cho vùng, như vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc... Cách này, ông Hoà nói, sẽ không có sự cạnh tranh cục bộ, mà sẽ tăng tính liên kết vùng, phát triển đồng đều...
Ông Lê Thanh Vân, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính ngân sách (đại biểu tỉnh Cà Mau) cũng nói nên tính tới bỏ mô hình cơ chế đặc thù với từng địa phương. Ông phân tích, nếu được Quốc hội thông qua thì Khánh Hoà là địa phương thứ 9 được áp dụng cơ chế đặc thù, tức là khoảng 14,2% địa phương trên cả nước (9/63 tỉnh, thành) có cơ chế đặc thù là "tỷ lệ thực nghiệm quá cao, không cần thiết".
"Cơ chế đặc thù sau Khánh Hòa nên khép lại và thay vào đó là tổng kết và phân loại chính quyền địa phương theo từng quy mô, cấp độ phát triển để có chùm chính sách riêng cho từng nhóm. Như vậy mới thúc đẩy thể chế, kinh tế, văn hoá phát triển đúng định hướng chiến lược", đại biểu tỉnh Cà Mau bình luận.
Ông Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Hoàng Phong
Góp ý, Phó trưởng đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa cho rằng, thời gian chuyển nhượng dự án ngắn như vậy dễ dẫn tới lợi dụng chính sách, khi nhà đầu tư không đầu tư thực, không làm dự án theo phê duyệt mà chờ đợi rồi chuyển nhượng, bán sang tay, hưởng chênh lệch.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga (đại biểu tỉnh Quảng Bình) nhận xét, quy định thời hạn không được chuyển nhượng dự án như vậy là "ngắn, dễ dẫn tới lợi dụng chính sách để nhà đầu tư núp bóng".
"Thời hạn 3 hay 5 năm không được chuyển nhượng dự án cũng chưa đảm bảo gắn bó lợi ích lâu dài theo đúng tính chất của nhà đầu tư chiến lược", bà nêu quan điểm.
Thảo luận ở tổ trước đó về dự thảo nghị quyết này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo ngại, rằng thời hạn không cho chuyển nhượng dự án với nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Vân Phong như vậy quá ít. Dự thảo nghị quyết cũng không đưa ra các quy định ràng buộc về cơ chế, chế tài xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm thời hạn trên.
Ông Lê Văn Thìn (đại biểu tỉnh Phú Yên) cũng cho rằng, Chính phủ cần thiết kế các tiêu chí thu hút được nhà đầu tư tiềm năng, hạn chế tối đa việc đầu tư núp bóng, biến tướng.
"Những ngành nghề như đầu tư khu đô thị, dịch vụ, du lịch... nếu có đủ năng lực tài chính thì có thể làm được và làm rất tốt. Việc đưa quá nhiều điều khoản về kinh nghiệm cho tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sẽ là khu trú vào một nhóm doanh nghiệp, làm mất cơ hội với các đơn vị khác có tiềm năng tài chính", ông bình luận.
Ở khía cạnh này, ông Nguyễn Hải Anh (đại biểu tỉnh Đồng Tháp) đề nghị rà soát kỹ hơn danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút đầu tư, không đưa vào danh mục những ngành nghề có rủi ro, ảnh hưởng đến môi trường.
Bàn luận về cơ chế này, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga nói như vậy là "trao quyền quá lớn" cho Ban quản lý khu kinh tế.
"Tôi băn khoăn khi ta chưa có quy định đặc thù gì riêng cho Ban quản lý khu kinh tế về tổ chức bộ máy, năng lực, nhưng lại giao cho họ trách nhiệm rất lớn", bà nói.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, đại biểu tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hoàng Phong
Ông Tạ Đình Thi, đại biểu TP Hà Nội cũng nói, việc trao quyền cho Ban quản lý khu kinh tế thẩm định DTM, cấp giấy phép môi trường cho các dự án là "chưa có tiền lệ, cần cân nhắc đảm bảo năng lực bộ máy của Ban quản lý". Ông cũng nói, việc uỷ quyền này cần đi đôi với kiểm tra, giám sát chặt chẽ và giao trách nhiệm cụ thể cho Ban quản lý khu kinh tế.
Trong khi đó bà Nguyễn Thị Lệ Thuỷ, đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, lại ủng hộ việc trao quyền cho Ban quản lý khu kinh tế thẩm định, phê duyệt DTM với các dự án thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Theo bà, việc này đã áp dụng thành công trong thực tiễn ở nhiều địa phương, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
"Có được uỷ quyền này hay không thì vẫn phải duy trì cán bộ môi trường để quản lý môi trường trong khu kinh tế. Nếu giao Ban quản lý thẩm định, phê duyệt DTM sẽ phát huy hiệu quả đội ngũ cán bộ này", bà Thuỷ nhận xét.
Tuy nhiên, bất cập hiện nay ở chỗ, pháp luật chỉ giao quyền quản lý, chưa giao công cụ quản lý. Tức là, thanh tra chuyên ngành của Sở Tài nguyên & Môi trường vẫn đảm nhận việc thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường.
"Do đó, việc thanh tra, kiểm soát môi trường trong khu kinh tế sẽ thiếu thực chất, thiếu chủ động, không kịp thời và không liên tục", bà Lệ Thuỷ nêu và đề nghị "mạnh dạn ủy quyền thêm chức năng thanh tra chuyên ngành để thuận lợi cho khu kinh tế".
Theo chương trình, Quốc hội sẽ thông qua cơ chế thí điểm cho tỉnh Khánh Hoà vào ngày 16/6 tới.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận