menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Trần Ngọc Báu

Đã đầu tư cổ phiếu thì không thể thiếu phân tích cơ bản

Đọc tiêu đề bài viết này chắc chắn không ít bạn sẽ phản ứng ngay vì cho rằng bản thân mình và nhiều người khác vẫn kiếm bộn tiền từ đầu tư mà có cần gì cái gọi là phân tích cơ bản đâu. Tuy nhiên, cứ dành thời gian đọc hết quan điểm của mình và cùng nhau phản biện.

Trước tiên, bài viết này sẽ loại bỏ những chiến lược đầu tư đặc biệt như đầu tư định lượng (Quantitative) hoặc giao dịch đối xứng (Hedging). Lý do là vì 2 phương pháp này đòi hỏi những kỹ thuật giao dịch rất khó, không phù hợp với số đông nhà đầu tư phổ thông. Phần nhiều chúng ta chỉ phù hợp với: Scalping (mua bán siêu ngắn đảo hàng liên tục trong 1-3 ngày), Swing (mua bán theo các con sóng kéo dài vài ngày đến vài tháng) hoặc Holding (mua và nắm giữ một thời gian dài theo câu chuyện của doanh nghiệp).

Bạn giao dịch theo chiến lược nào trong 3 chiến lược trên? Thực ra thì chúng ta làm gì có quyền lựa chọn! Chính chiến lược sẽ lựa chọn chúng ta. Nó lựa chọn con người có bản chất và cá tính phù hợp với nó. Nhưng dù bạn lựa chọn theo hình thức nào thì bạn cũng phải sử dụng phân tích kỹ thuật, thông tin nội gián và phân tích cơ bản để bám theo hành động. Topic này, nhiệm vụ của mình là sẽ chứng minh cho bạn thấy nếu chỉ sử dụng mỗi phân tích kỹ thuật hoặc tin nội gián thì bạn rất rất khó để có thể gắn bó lâu dài với lĩnh vực đầu tư.

Trước tiên là đối với phân tích kỹ thuật

Thế mạnh của phân tích kỹ thuật là cho chúng ta điểm mua bán một cách khá nhanh chóng và đơn giản. Tính hiệu quả của phân tích kỹ thuật thì rõ ràng đã được kiểm chứng qua thời gian. Nếu chúng ta kỷ luật theo đúng hệ thống đầu tư, quản trị tâm lý tốt thì thị trường muốn hạ gục chúng ta cũng khó. Tuy nhiên đó chỉ là ngắn hạn mà thôi, còn về dài hạn, thị trường nó có thể đo ván chúng ta một cách dễ dàng bởi những cú sụp đổ "trắng bên mua" với "nến gạch ngang" không thanh khoản trong cả 20-30 phiên, đến khi chúng ta có thể khớp được 1 lệnh bán thì giá đã mất 70-80% thị giá, ai dùng margin thì chắc chắn cháy tài khoản từ rất rất lâu rồi.

Với những pha "đổ đèo kinh hoàng" như TTF (2008, 2016), JVC (2015), APC (2018), FLC ROS (2022), BII TGG (2016-2021),.... Thì dù chúng ta có giỏi phân tích kỹ thuật đến thế nào, kỷ luật cứng ra sao và tâm lý vững như bàn thạch thì cũng không thể tránh khỏi thua lỗ nặng lề.

Vậy làm sao để tránh những "cái chết tang thương" như vậy? Mình chắc chắn tất cả những doanh nghiệp này, trước khi bị "đánh chìm" bởi những thông tin tiêu cực như gian lận báo cáo tài chính hay hành vi xấu của ban lãnh đạo bị phanh phui thì đều đã có những dấu hiệu rõ ràng trên báo cáo tài chính. Chỉ có điều chúng ta có đủ kiến thức và sự chăm chỉ để bóc tách hay không mà thôi. Phân tích cơ bản lúc này nó là "bức tường rào kiên cố" bảo vệ bạn khỏi những khoản đầu tư rủi ro.

Nhiều bạn có thể nói mình là dân phân tích cơ bản thì làm sao hiểu hết phân tích kỹ thuật. Mình tự tin là mình đủ am hiểu để nói chuyện với mọi người về nó. Cá nhân mình từng dành trên 5 năm để nguyên cứu phân tích kỹ thuật, là admin của diễn đàn SRSC, diễn đàn số 1 về PTKT Việt Nam những năm 2010-2014. Số Code Metastock và Amioker mình viết cũng cả ngàn code rồi ấy. Cá nhân mình cũng từng kiếm tiền bằng nghề viết Code System thuê. Nói chung là cầy bừa nhiều mình đúc rút ra rằng chẳng có hệ thống đầu tư nào đánh bại được thị trường cả, vậy nên chúng ta đừng mất công tìm. Bạn thấy trong vài chục các huyền thoại đầu tư trên thế giới, có được mấy người sử dụng thuần phân tích kỹ thuật mà trở thành huyền thoại?

Vậy đầu tư theo thông tin nội gián thì sao?

Hình thức này nếu bạn không có kiến thức cơ bản thì cũng giống như sử dụng thuần phân tích kỹ thuật mà thôi, rồi cũng 9 lần ăn và 1 lần mất là mất tất, của thiên rồi lại về với địa. Tại sao mình nói như vậy?

Thứ nhất là nếu bạn không quen thân trực tiếp với ban lãnh đạo chóp bu của doanh nghiệp thì thường những tin tức bạn nhận được đều là thông tin đã qua tay hàng trăm ngàn người rồi. Ai cũng bảo "em chỉ nói mình anh mà thôi" nhưng rồi "cả thế giới này biết". Khổ cái là khi ai cũng biết thì làm sao kiếm được tiền.

Thứ hai, nếu bạn có quen thân với chóp bu và họ bơm tin trực tiếp cho bạn thì cũng làm sao chắc chắn họ sẵn sàng gánh chịu rủi ro để cho bạn cơ hội ngon ăn, vấn đề không phải là cho 1 lần mà là cho nhiều nhiều lần mà không mong nhận lại? Trên đời ngoài bố mẹ và anh chị em trong gia đình, còn có người tốt với mình đến vậy sao? Đặc biệt là trong lĩnh vực mà đồng tiền đi liền khúc ruột như thị trường tài chính.

Mình cứ tỉ dụ như có người tốt với mình thật vậy đi. Tin họ bơm cho mình là chuẩn đi. Rồi nếu mình không có kiến thức về tài chính, kiến thức về lĩnh vực đó thì mình làm sao đánh giá được tác động của thông tin đó đến con số kinh doanh của doanh nghiệp? Làm sao biết tin đó ra thì upside giá là bao nhiều? Upside đó có đủ hấp dẫn về định giá để dòng tiền nhảy vào càn quét và đẩy giá cổ phiếu đó lên cao? Có khi chưa chắc người bơm tin cho mình đã trả lời được những câu hỏi đó. Trong đầu tư có một "cái chết" lãng xẹt, đó là chết vì biết tin quá sớm và hành động sai thời điểm.

Vậy nếu trong tình huống này chúng ta biết phân tích cơ bản thì sao? Thì chúng ta có thể nhanh chóng đánh giá được tác động của thông tin đó đến báo cáo tài chính, chúng ta có thể ước được điểm rơi của lợi nhuận và chúng ta có thể từ chối đi tiền nếu như upside không đủ hấp dẫn. Như vậy không tốt hơn sao?

Nguồn gốc của một chu kỳ tăng giá cổ phiếu dài hơi

Đầu tư sợ nhất là ôm cổ phiếu không có sóng hoặc sóng giảm. Lúc này phương án hay nhất là đứng ngoài, đánh đấm kiểu gì rồi cũng "ăn hành" hết, nhưng mấy ai đủ bản lĩnh để đứng ngoài?

Sẽ tốt hơn rất nhiều nếu chúng ta chủ động phán đoán hoặc đi theo dòng chảy của tiền. Dòng tiền đổ về đâu thì tài sản của ta ở đó. Bơi xuôi dòng lúc nào chả ngon ăn hơn bơi ngược dòng, chỉ mất 20% sức mà thu về 80% thành quả.

Hãy đi tìm những dòng cổ phiếu có xác xuất tăng giá dài hơi. Nguồn gốc của một cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ trong thời gian dài hạn chính là có dòng tiền gia nhập. Nguồn gốc để dòng tiền gia nhập chính là "câu chuyện hấp dẫn". Và nguồn gốc của một câu chuyện hấp dẫn chính là những thay đổi lớn về mặt số liệu kinh doanh nội tại.

Vậy làm sao để chúng ta có thể tìm được những câu chuyện hấp dẫn trước khi thị trường nhìn ra. Chỉ có 1 thứ thôi, đó chính là phân tích cơ bản. Nếu ví phân tích kỹ thuật là đèn Cos thì phân tích cơ bản như đèn Pha vậy. Nó sẽ giúp bạn nhìn thấy trước những thứ mà mấy ông bật Cos có mở to mắt cỡ nào cũng không nhìn ra được.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Trần Ngọc Báu

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

13 Yêu thích
1 Bình luận 5 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại