Đã có phương án tăng vốn điều lệ cho các 'ông lớn' ngân hàng quốc doanh
Theo cập nhật mới nhất về phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, trong quý I/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho 2 ngân hàng Vietcombank và Viettinbank; với Agribank, toàn bộ lợi nhuận trong năm 2020 sẽ được giữ lại.
Tại buổi làm việc đầu năm với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết trong quý 1/2020, Chính phủ sẽ tăng vốn điều lệ khoảng 10.000 tỷ đồng cho hai ngân hàng Vietcombank và Viettinbank. Còn với Agribank, toàn bộ lợi nhuận nộp ngân sách trong năm 2020 sẽ được dùng để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng này.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị MB nghiên cứu, đề xuất với Bộ Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước các giải pháp tăng vốn điều lệ cho MB.
Cho tới thời điểm cuối năm 2019, tổng tài sản của MB ước đạt trên 410.000 tỷ đồng tăng 13%, lợi nhuận trước thuế ước đạt 10.000 tỷ đồng. Các chỉ tiêu hiệu quả như ROE ước đạt trên 20% thuộc nhóm ngân hàng có hiệu quả trên vốn cao nhất hệ thống.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị MB tổ chức triển khai hoạt động năm 2020 với phương châm “Củng cố nền tảng, chuyển dịch số; tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững”; duy trì nhóm đầu 5 ngân hàng thương mại về chất lượng hoạt động và hiệu quả, là ngân hàng dẫn đầu về ứng dụng số; tăng cường phát triển các dịch vụ phi tín dụng.
Tại Nghị quyết 01 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 của Chính phủ ban hành mới đây cũng nêu rõ yêu cầu: "Khẩn trương ban hành nghị định sửa đổi bổ sung các nghị định số 126, 91, 32 để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước và tăng vốn điều lệ các ngân hàng thương mại Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ".
Trước đó, rất nhiều lần các phương án tăng vốn điều lệ cho 4 "ông lớn" ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank đã được đưa ra từ phía Chủ tịch các ngân hàng này và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, các phương án được đề cập đến cụ thể như giữ lại lợi nhuận để tăng vốn hay dùng ngân sách để bổ sung vốn. Tuy nhiên, cho tới kỳ họp Quốc hội vừa qua, phương án tăng vốn cho các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng đã không được đưa vào trong dự thảo nghị quyết, nên chưa được Quốc hội xem xét thông qua.
Chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 2/12 vừa qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) là một trong những tỷ lệ quan trọng trong hoạt động tài chính ngân hàng. Tuy nhiên, CAR của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và VietinBank đã "tiến sát ngưỡng cho phép" theo quy định Basel II. Trong trường hợp các ngân hàng này không được tăng vốn, hệ quả theo Phó thống đốc là "có thể phải hạn chế cấp tín dụng, thậm chí ngừng cấp tín dụng".
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận