24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Thanh Hải Vip
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

D/P và L/C giống và khác nhau ở điểm gì?

Điểm giống nhau giữa D/P và L/C, đó là đều nhờ ngân hàng thu tiền hộ người bán.

Trong giao dịch thương mại quốc tế, vai trò của ngân hàng rất quan trọng, đặc biệt là ngân hàng của người mua. Nếu như với phương thức T/T, ngân hàng của người bán và ngân hàng của người mua chỉ đóng vai trò là tổ chức thanh toán, thì trong phương thức D/P và L/C, ngân hàng còn là tổ chức trung gian đảm bảo khả năng thực hiện hợp đồng của hai bên mua và bán.

Do người bán và người mua chưa biết nhau, chưa đủ tin tưởng về nhau nên cần có một tổ chức thứ ba đứng ra đảm bảo là người bán sẽ giao hàng và nhận được tiền. Tổ chức thứ ba đó không ai thích hợp hơn, chính là ngân hàng, người đảm nhiệm chức năng thanh toán cho hai bên. Với quy mô vốn và uy tín của mình, ngân hàng là tổ chức đủ lớn để người bán, người mua cùng tin tưởng.

Điểm khác nhau giữa D/P và L/C chính là mức độ tham gia và trách nhiệm của ngân hàng và khả năng rủi ro của người mua, người bán.

Với D/P, ngân hàng người mua sau khi nhận được bộ chứng từ do ngân hàng người bán chuyển đến (thực chất là do người bán chuyển, thông qua ngân hàng của mình) thì ngân hàng sẽ giữ bộ chứng từ ở đó cho đến khi nào nhận được tiền từ người mua thì mới chuyển số tiền đó cho người bán. Như vậy, chừng nào hàng chưa đến, hoặc hàng đến nhưng kiểm đếm thấy thiếu, thấy không đạt chất lượng thì người mua có thể chỉ thanh toán một phần tiền hàng, hoặc nếu giá thị trường rớt, người mua có thể bỏ ngang hợp đồng, không nhận hàng thì ngân hàng cũng không có tiền để chuyển cho người bán. Trong trường hợp này, người bán sẽ phải chịu rủi ro. Còn ngân hàng không có trách nhiệm gì.

Với L/C, ngân hàng người mua sẽ phát hành cho người bán một văn bản gọi là “thư tín dụng”. Tại đó, ngân hàng cam kết sẽ trả cho người bán một số tiền nếu ngân hàng nhận được bộ chứng từ với những điều khoản chi tiết giống như trong hợp đồng. Việc trả tiền này chỉ cần dựa vào sự chính xác của bộ chứng từ so với nội dung L/C mà không cần biết hàng hóa thực tế như thế nào. Nói cách khác, L/C là một bản hợp đồng giữa ngân hàng người mua với người bán, không phụ thuộc vào người mua. Do vậy, trong trường hợp này, người mua sẽ gánh chịu rủi ro nhiều hơn.

Nhân đây, cũng bàn thêm một chút về thuật ngữ “thư tín dụng”. Từ “credit” trong “letter of credit - L/C” ngoài nghĩa tín dụng, mua chịu cũng còn có nghĩa là tín nhiệm, niềm tin. Trong quan hệ giữa ngân hàng với người mua, nếu người mua là khách hàng lâu năm, tin tưởng, ngân hàng có thể chấp nhận phát hành thư tín dụng kể cả khi người mua không có ký quỹ, thậm chí khi nhận được chứng từ, ngân hàng trả tiền cho người bán rồi một thời gian sau mới đòi tiền người mua. Trường hợp này thì “credit” đúng là có nghĩa “tín dụng”.

Nhưng L/C lại là văn bản ngân hàng phát hàng cho người bán, phản ánh mối quan hệ giữa ngân hàng với người bán. Trong quan hệ này, không có việc mua vay, bán chịu gì cả, vì vậy L/C dịch là “thư tín dụng” có lẽ chưa phù hợp với bản chất.

Phương thức L/C được coi là phương thức toàn diện nhất vì ngân hàng không chỉ giúp người bán khống chế chứng từ cho đến khi nhận được tiền mà còn giúp người mua đảm bảo các chi tiết của hợp đồng được phản ánh chính xác. Với phương thức này, người bán là có lợi nhất vì chỉ cần gửi bộ chứng từ đến ngân hàng người mua là nhận được tiền, kể cả khi hàng chưa đến tay người mua.

Tất nhiên, người bán cũng phải hết sức cẩn thận khi lập bộ chứng từ. Vì chứng từ chỉ sai một dấu chấm, dấu phẩy là cũng có nguy cơ không phù hợp với L/C, và do vậy không nhận được tiền.

Trong trường hợp L/C, vì ngân hàng - chứ không phải người mua - là người trả tiền cho người bán, nên ngân hàng cũng phải đánh bài chắc ăn. Đó là yêu cầu người mua phải ký quỹ một phần hoặc toàn bộ số tiền tương ứng với giá trị của L/C để đảm bảo khả năng thanh toán. Đây là điểm mà các người mua là các doanh nghiệp nhỏ, vốn mỏng rất khó chịu vì bị đọng vốn trong suốt thời gian hàng lênh đênh trên biển (nhất là bối cảnh ùn tắc ở Hoa Kỳ và Châu Âu hiện nay, thời gian vận chuyển và thông quan lại kéo dài hơn trước kia).

Tuy nhiên, L/C vẫn không phải là hoàn hảo. Một khi người mua đã ký quỹ 100% với ngân hàng, khi nhận được bộ chứng từ đúng với yêu cầu của L/C thì ngân hàng trả tiền cho người bán ngay lập tức, không cần biết người mua đã nhận được hàng chưa, và số lượng, chất lượng ra sao. Đây cũng là một điểm bất lợi, làm người mua không hào hứng với phương thức thanh toán này. Và đây cũng là chỗ thể hiện sự cần thiết của các công ty giám định - một thành phần không thể thiếu trong chuỗi dịch vụ logistics.

Với người bán, do L/C thường có thời hạn nhất định nên người bán sẽ phải giao hàng nhanh để có chứng từ được thanh toán trong thời hạn. Trong bối cảnh thiếu tàu, thiếu container rỗng thì điều này cũng sẽ là một áp lực cần tính đến.

Mặt khác, do trách nhiệm của ngân hàng cao hơn (nếu chứng từ có sai sót mà ngân hàng không phát hiện ra, vẫn trả tiền cho người bán, đến lúc người mua không chấp nhận trả tiền cho ngân hàng thì ngân hàng là người mất tiền) và quy trình mở, thanh toán L/C cũng phức tạp hơn nên ngân hàng cũng thu phí dịch vụ thanh toán này cao hơn. Phí này thông thường do người yêu cầu mở L/C - tức là người mua - chịu. Một điểm trừ nữa, giải thích tại sao người mua không muốn chọn phương thức này.

- Đã là người bán, ai chẳng muốn T/T trả tiền trước hoặc L/C, nhưng nếu ai cũng như mình, “khôn hết phần thiên hạ” thì còn đâu là thị trường. Người mua cũng khôn khéo, lọc lõi lắm chứ. Nên cuối cùng, thanh toán L/C hay D/P là do vị thế đàm phán giữa người bán và người mua với nhau, chứ không phải do phương thức thanh toán nào ưu việt hơn. - đó là câu kết của một doanh nhân khi trao đổi với tôi về những quan tâm của dư luận trong thời gian vừa qua, trước khi anh hối hả hòa mình vào dòng xe khi thành phố bắt đầu lên đèn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Trần Thanh Hải Vip

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả