24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Băng Tâm
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

'Cứu vãn' biệt thự cổ theo từng tòa nhà

Quanh vấn đề bảo tồn công trình, biệt thự Pháp cổ, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, để được như xưa thì không còn khả năng, chỉ nên tính tới việc “cứu vãn” từng toà nhà, nếu như nó có giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc chứ không nên giữ tất cả.

Bất lực trong việc bảo vệ biệt thự cổ

Trao đổi với PV, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, từ năm 1888, người Pháp đã có quyết định xây dựng ở 3 thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng) theo đúng mô hình, tiêu chí của nước Pháp, ví dụ như đánh số nhà, có lề đường, có công trình ngầm, hệ thống thoát nước, có vườn hoa, tượng đài, các toà biệt thự…

Riêng Hà Nội, tại khu phố cổ, người Pháp vẫn giữ kiến trúc bản xứ, chỉ “cấy” vào đó những kiến trúc đô thị hiện đại như đường xá, cầu cống, chiếu sáng… “Còn tất cả những khu vực xây mới họ đều có quy hoạch, thực hiện cho đến khi chấm dứt chế độ thuộc địa”, ông Quốc nói.

Cứu vãn biệt thự cổ theo từng tòa nhà ảnh 1

Theo ông Quốc, quận Hoàn Kiếm đang đi đầu trong công tác bảo tồn biệt thự cổ với công trình 49 Trần Hưng Đạo. Ảnh: Duy Phạm

Theo ông Quốc, như khu vực phía đông hồ Hoàn Kiếm, người Pháp xây dựng các công sở của thành phố, toà thị chính… Khu phía Ba Đình họ xây dựng vườn hoa Bách Thảo đúng theo mô hình của phương Tây, đặt cạnh đó có toà lâu đài, trụ sở Phủ Toàn quyền… để lại cho đời sau nhiều di sản về kiến trúc. Và đương nhiên, để phục vụ cho cộng đồng dân cư với trình độ sống cao, trước hết là quan chức và doanh nhân, giới ngoại giao thời ấy, họ quy hoạch, xây dựng cả một vùng biệt thự.

Rồi sau đó, Hà Nội mở rộng hơn, họ quy hoạch thêm những ô bàn cờ, trên các trục đường như Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo… là những khu vực chủ yếu xây biệt thự, hoặc những công trình dân dụng có tính chất cao cấp… Xa hơn nữa, ví dụ khu vực phố Huế, chủ yếu xây dựng dân sự, phục vụ người dân bình thường. Nhà nào có điều kiện có thể xây theo kiểu biệt thự…

Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu, với hoàn cảnh sống và độ tuổi của ông, ông được chứng kiến một phần nào diện mạo của Hà Nội thời xa xưa như một di sản của thời kỳ thuộc địa. Nhưng sau này, khi tiếp quản, với phương thức quản lý khác, cộng với sự tăng dân số đột ngột, mà phần lớn không phải dân cư đô thị, đã ảnh hưởng rất lớn đến các công trình này.

Có thời kỳ, việc quản lý nhà đất theo hướng cào bằng diện tích, miễn sao bố trí được chỗ ở cho đông đảo cư dân nhập cư vào Hà Nội, đặc biệt là người từ các chiến khu về hay từ miền Nam tập kết ra, dẫn đến việc phá vỡ kết cấu các biệt thự, cơi nới, đào xới…

“Tình trạng đó để kéo dài quá lâu, gần như là phá vỡ hết kết cấu các biệt thự. Đó là chưa kể qua nhiều thời kỳ, có những biệt thự bị phá đi để làm xây nhà cao tầng do nhu cầu về mặt sàn, về chỗ ở, về chỗ kinh doanh…”, ông Quốc nêu.

Dù thế, ông Quốc cho rằng, hiện nay, rất may mắn là chúng ta vẫn bảo lưu được một phần các biệt thự dạng này với trường hợp các biệt thự sử dụng cho công tác ngoại giao, bố trí cho các cán bộ cấp cao, kết cấu vẫn được giữ tương đối nguyên vẹn.

Theo nguyên ĐBQH Dương Trung Quốc, ở Hà Nội, thành phố đã có ý tưởng bảo tồn, tôn tạo các biệt thự cổ này từ lâu, đã có công tác chuẩn bị như điều tra, thống kê, phân loại, nhưng hầu như “bất lực trong việc bảo vệ công trình”. Gần đây, rộ lên thông tin về việc “cứu vãn” các biệt thự cổ, theo ông Quốc, là một điều kiện rất khách quan.

“Có một tầng lớp họ có nhu cầu sở hữu, sử dụng các biệt thự đó. Nếu không có những điều đó chúng ta không làm được. Như việc giãn dân khu phố cổ, muốn bảo tồn thì phải mỗi ngôi nhà là một hộ dân, mỗi nhà có một “gia phong”, chứ không phải trong cùng một ngôi nhà mà gian này của ông thợ, gian này của ông thầy, gian kia của ông cán bộ, gian kia của người thuê nhà tạm bợ, nên phá vỡ hết kết cấu.

Cần có phương thức để quy về một mối. Hộ ở ngoài mặt tiền, có điều kiện về tài chính, kinh tế có thể “mua lại” để những người còn lại có điều kiện di chuyển đi nơi khác, tạo điều kiện để bảo tồn”, ông Quốc nói.

Chỉ nên "cứu vãn" từng tòa nhà

Cũng theo ông Quốc, việc trùng tu, bảo tồn nguyên trạng là một chủ trương đúng, để giữ được cả giá trị của công trình và công năng sử dụng, tránh tình trạng có những người chỉ nghĩ đến mặt bằng đất đai chứ không nghĩ đến giá trị công trình ở trên đất.

Ông Quốc cho rằng, hiện nay, để "cứu vãn" được lại như xưa là không còn khả năng, chỉ nên "cứu vãn" từng toà nhà, nếu nó có một giá trị nào đó theo tiêu chí đại diện chứ không nên giữ tất cả. Những nơi không bảo tồn cần được cải tạo lại để sử dụng hiệu quả cả về cảnh quan và là nơi ở. Như quận Hoàn Kiếm thời gian qua đã triển khai tôn tạo, trùng tu biệt thự số 49 Trần Hưng Đạo với mong muốn trở thành hình mẫu về thông tin, kinh nghiệm thực hiện để triển khai rộng hơn.

“Bảo tồn như nào thì phải quy hoạch lại, đầu tiên là về quyền sử dụng. Nhà nước phải tổ chức cho người đang sử dụng hợp pháp ở biệt thự có giải pháp tốt nhất và công bằng nhất. Khi một chủ sở hữu thì mới làm được. Rồi phân loại, những biệt thự có giá trị thật đặc biệt, thật tiêu biểu thì cố gắng phục hồi như cũ. Nếu không có giá trị thì thôi. Tôi rất ủng hộ việc trong lòng Hà Nội có nhiều biệt thự cổ, như nó đã từng có những khu vực rất đẹp như gần hồ Thiền Quang, đường Quang Trung… Nó làm cho thành phố vẫn có vẻ cổ kính. Còn chỗ nào tận dụng được mặt bằng thì có thể làm hiện đại để phản ánh đúng đặc điểm xã hội hiện nay, không miễn cưỡng cào bằng về chỗ ở như ngày xưa nữa, để họ lựa chọn môi trường, kiến trúc sống của họ”, ông Quốc nói.

Đồng thời, ông Quốc cho rằng, cần có hội đồng, các nhà chuyên môn về kiến trúc đánh giá, phân loại các biệt thự, quy định cụ thể về tỷ lệ, mật độ xây dựng phù hợp để tránh phá vỡ cảnh quan… “Nhưng cũng đừng câu nệ quá là phải trùng tu theo kiểu cổ, bởi có những yếu tố hiện đại vào sẽ cải thiện môi trường sống cho người dân”, ông Quốc đặt vấn đề.

“Có thời điểm quản lý, ta phá vỡ hết, chỉ tìm không gian sống thôi. Có lúc theo chỉ tiêu bao nhiêu người một mét vuông. Công trình phụ thì cơi nới. Đến thời điểm này chúng ta nhận ra và triển khai bảo tồn thì đã mất mát khá nhiều biệt thự, nhiều nơi đã bị phá dỡ xây cao ốc. Nhưng hiện nay, theo pháp lý, các biệt thự những biệt thự cũng hết tuổi rồi. Người Pháp quản lý rất chặt về công trình xây dựng. Họ có hồ sơ lưu trữ, cho nên họ vẫn thông báo cho chúng ta biết, đến thời điểm này toà nhà của các ngài là đã hết thời hạn sử dụng, phải trùng tu nó”, ông Dương Trung Quốc.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả